Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4272/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG VŨ VĂN TÁM TẠI HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ TỔ CHỨC KHAI THÁC THU MUA, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ CÁ NGỪ

Ngày 09 tháng 8 năm 2012 tại Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị chuyên đề “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ”. Tham dự Hội nghị có các đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy, Hội cá ngừ của ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; đại diện Viện nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác - Trường Đại học Nha Trang, Công ty Cổ phần tư vấn Biển Việt, đại diện một số doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cá ngừ và bà con ngư dân ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản về “Hiện trạng Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ”, Dự án “Thí điểm đóng tàu vỏ sắt khai thác, thu mua cá ngừ đại dương” và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận:

1. Rất cần thiết phải tổ chức lại sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị (từ điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ) theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và có kiểm soát dựa trên những căn cứ cơ bản sau:

- Trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá ngừ đại dương còn lớn (Cá ngừ vằn trữ lượng khoảng 618.000 tấn khả năng khai thác 216.000 tấn, năm 2011 khai thác được khoảng 40.000 tấn, Cá ngừ vây vàng, Cá ngừ mắt to trữ lượng khoảng 48.000 tấn khả năng khai thác 17.000 tấn, năm 2011 khai thác khoảng gần 12.000 tấn) thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm và công nghiệp hóa;

- Ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã có truyền thống làm các nghề lưới rê thu ngừ, lưới vây cá ngừ. Nghề câu cá ngừ đại dương là một nghề mới nhưng cũng đã du nhập vào các tỉnh này trên 20 năm và sản xuất có hiệu quả;

- Cá ngừ đại dương là đối tượng được quy định bảo vệ trong Hiệp định của Liên hiệp quốc về đàn cá di cư xa năm 1995 để thực thi Công ước về Luật biển Quốc tế 1982. Nước ta là thành viên không chính thức có hợp tác và đang phấn đấu để trở thành thành viên chính thức của Ủy ban nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC);

- Chiến lược phát triển thủy sản đề ra mục tiêu đến năm 2020 chuyển dần nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cá ngừ sẽ là mô hình thí điểm về tổ chức lại sản xuất trong lĩnh vực khai thác hải sản, thành công của mô hình sẽ là những kinh nghiệm để nhân rộng sang các nhóm đối tượng khác;

2. Để tổ chức lại sản xuất cá ngừ có hiệu quả, hướng ra khơi xa góp phần vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

a) Tổng cục Thủy sản:

- Khẩn trương hoàn thành các Dự án điều tra nguồn lợi hải sản, Đề án dự báo ngư trường khai thác hải sản, trong đó có đối tượng là cá ngừ đại dương;

- Phối hợp với ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa xây dựng Đề án thí điểm hiện đại hóa tàu cá gắn với tổ chức lại sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị sản phẩm;

- Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các mô hình liên kết trong khai thác, dịch vụ hậu cần, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chính sách hiện đại hóa tàu khai thác, dịch vụ, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch; các văn bản quản lý nhà nước trong bảo vệ, khai thác và bảo quản cá ngừ;

- Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đối với các nghề khai thác cá ngừ; công nghệ vây đuôi khai thác cá ngừ; công nghệ lưu giữ sống để phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương. Tổng kết các mô hình liên kết, kinh nghiệm hay trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm;

- Chỉ đạo Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản tham mưu và sớm có kết luận về tác động của nghề câu tay kết hợp ánh sáng đến chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

b) Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa

- Thống nhất chủ trương tổ chức lại sản xuất cá ngừ và phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) về Đề án thí điểm hiện đại hóa tàu cá và tổ chức lại sản xuất cá ngừ;

- Phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản) tham mưu đề xuất phương án và các mô hình tổ chức lại sản xuất cá ngừ phù hợp với từng địa phương;

- Xác định nhu cầu, khả năng phát triển, đề xuất số lượng, quy mô phương tiện, các chủ tàu đủ điều kiện tham gia Dự án thí điểm hiện đại hóa đội tàu khai thác, dịch vụ cá ngừ của địa phương và tổ chức triển khai sau khi Đề án được phê duyệt;

c) Hiệp hội cá ngừ Việt Nam

Cần sớm kiện toàn lại Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cả về tổ chức bộ máy và hoạt động để phát huy vai trò của Hiệp hội và tham gia tích cực, có hiệu quả thực hiện Đề án thí điểm hiện đại hóa tàu cá và tổ chức lại sản xuất cá ngừ.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trường Vũ Văn Tám (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản;
- Các Vụ: KH, TC, KHCN, Viện NCHS;
- UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT 03 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa;
- Hội Nghề cá VN, Hội cá ngừ Việt Nam, VASEP;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Việt