Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY

Ngày 23 tháng 12 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ; các thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải; Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Tòa án nhân dân và các cơ quan liên quan 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sau khi nghe Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo tổng hợp, báo cáo bổ sung của Bộ Công an, báo cáo tham luận của các địa phương, phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Tình hình và kết quả.

a) Công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy hết sức quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức triển khai thực hiện, huy động các nguồn lực xã hội đã được các cơ quan, các cấp chính quyền và người dân vào cuộc. Nhiều vụ án ma túy lớn, đường dây tội phạm ma túy bị điều tra bắt giữ và bị xử lý nghiêm theo pháp luật, từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số điểm nóng; hoạt động kiểm soát ma túy trong đó có việc quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện đã được đẩy mạnh; số người nghiện ma túy đã được kiềm chế và giảm trong những năm gần đây; tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy đã giảm hẳn; Chương trình điều trị Methadone cho người nghiện đạt hiệu quả thiết thực; công tác cai nghiện đã chuyển biến tích cực theo hướng tăng cai nghiện tự nguyện, giảm bắt buộc; công tác tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để điều trị, cắt cơn và phân loại đã được thực hiện tương đối tốt; việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã thực hiện nghiêm theo Luật, bảo đảm được quyền công dân. Đã tổng kết được một số mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư, trường học không có tệ nạn ma túy; mô hình tiên tiến trong công tác cai nghiện tự nguyện, cai nghiện cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tích cực tham gia và thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy trong thời gian qua.

b) Tuy nhiên tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy đang rất phức tạp:

- Tội phạm ma túy, nghiện ma túy là vấn đề toàn cầu, gây bức xúc xã hội và hậu quả nghiêm trọng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, đến sức khỏe, giống nòi dân tộc. Tệ nạn ma túy là một trong những vấn đề quốc tế quan tâm, rất dễ bị lợi dụng thành vấn đề nhân quyền.

- Ngoài ma túy dạng thuốc phiện, hê rô in đã có phương pháp điều trị thay thế, thì đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới cực kỳ nguy hiểm nhất là ma túy tổng hợp dạng đá. Hiện nay có rất nhiều loại ma túy tổng hợp lây lan ra cộng đồng mà cả thế giới đang rất lúng túng đối phó và chưa có giải pháp tối ưu để điều trị.

- Nước ta nằm ở vị trí sát với khu vực tam giác vàng, dân số trẻ nên nguy cơ cao và chịu tác động trực tiếp từ diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong khu vực (theo thống kê của Bộ Công an thì khoảng 60% tội phạm là liên quan đến ma túy; ma túy liên quan trực tiếp tới mại dâm, HIV/AIDS).

2. Khó khăn, tồn tại.

a) Trách nhiệm của một số Bộ, ngành, cơ quan, địa phương nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thậm chí chỉ lo phát triển kinh tế,... mà không đi đôi với việc phòng chống tệ nạn xã hội (gây tâm lý bất an trong nhân dân, gây đói nghèo, sinh ra tội phạm...). Nhiều địa phương buông lỏng không chú trọng công tác này, không chuyển đổi kịp thời các Trung tâm cai nghiện nên đã xảy ra việc học viên trốn trại tập thể ở một số địa phương gây tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.

b) Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ (Luật phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn khác...); một số văn bản hướng dẫn còn chậm, công tác tham mưu đề xuất chính sách chưa kịp thời.

c) Công tác phối hợp chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa đi vào thực chất, như công tác thống kê số người nghiện ma túy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ thì mới có số liệu sát đúng, 2 năm gần đây giao cho ngành công an chủ trì thì đã sát thực hơn.

d) Nguồn lực thiếu, không đáp ứng yêu cầu, nhất là trong bối cảnh nguồn tài trợ giảm. Việc huy động các nguồn lực xã hội chưa được quan tâm thực chất và hiệu quả.

đ) Công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao; một bộ phận nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ tác hại của ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp; ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy còn hạn chế; chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền giáo dục với thực thi pháp luật; giữ kỷ cương pháp luật. Nhận thức về đối xử như người bệnh đã được quy định nhưng một số nơi vẫn chưa thấm nhuần.

3. Nhiệm vụ, giải pháp.

a) Về nhận thức:

- Nhận thức sâu sắc tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy gây ra hậu quả nghiêm trọng, cả hệ thống chính trị và toàn dân phải tích cực đấu tranh, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, chất lượng giống nòi.

- Xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục, không được lơ là của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; trong mọi tình huống phải bảo đảm đủ kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy, tăng cường huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương, xã hội.

b) Về trách nhiệm: Các Bộ, ngành trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải chỉ đạo ban hành ngay các văn bản hướng dẫn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan với lực lượng chức năng. Xác định trách nhiệm rõ ràng, nơi nào làm chưa tốt người đứng đầu các ngành, các cấp chính quyền, cấp ủy đảng phải chịu trách nhiệm. Địa phương nào để tội phạm ma túy lộng hành, để số người nghiện ma túy tăng, tiếp nhận và quản lý học viện cai nghiện không tốt thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

c) Về kinh phí: Trong mọi tình huống phải bảo đảm đủ kinh phí cho công tác phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, ổn định xã hội, môi trường đầu tư và cuộc sống an lành cho nhân dân. Dành ưu tiên đặc biệt cho các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trong đó có lực lượng biên phòng, hải quan, văn hóa. Vận động tối đa nguồn tài trợ của quốc tế. Huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương, xã hội.

d) Tích cực triển khai Chương trình Methadone bảo đảm thuận tiện cho người dùng, đồng thời tập trung nghiên cứu và đưa vào sử dụng các bài thuốc, loại thuốc cắt cơn, điều trị do Việt Nam sản xuất.

đ) Công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy kết hợp với phòng chống mại dâm và HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền và định hướng dư luận.

4. Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương

a) Bộ Công an, Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, kiểm soát tiền chất, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, điều tra truy tố và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu theo pháp luật.

- Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 trong Quý I năm 2017 để làm cơ sở triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về chỉ đạo điều hành, tuyên truyền giáo dục, đấu tranh chống tội phạm ma túy, cai nghiện và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy.

- Kịp thời bổ sung các chất ma túy và tiền chất mới vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất.

- Tăng cường điều trị Methadone cho các đối tượng nghiện ma túy thuộc Bộ Công an quản lý theo Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ.

- Lập dự án, triển khai xây dựng các cơ sở (Trung tâm) giám định ma túy, đủ năng lực giám định hàm lượng chất ma túy ở các khu vực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật.

- Chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.

b) Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 3667/CT-BTL về “Tăng cường nắm tình hình hoạt động về ma túy tại ngoại biên trên tuyến biên giới Việt - Lào”, Phương án 3597 về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La; tổng kết Kế hoạch điều tra, khảo sát hoạt động của tội phạm ma túy từ thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa phăn, Lào vào huyện Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La).

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, đôn đốc việc chuyển đổi các Trung tâm cai nghiện, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2017. Chỉ đạo mở rộng cai nghiện tại cộng đồng bằng các loại thuốc của Việt Nam sản xuất được và đã được cấp phép như thuốc Cedemex.... Xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về cai nghiện tự nguyện trong Quý I năm 2017.

d) Bộ Y tế hoàn thành trong năm 2017 việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị những rối loạn do sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp để kiểm soát hành vi loạn thần, hoang tưởng, ngáo đá gây hậu quả xấu cho xã hội. Đẩy mạnh việc điều trị Methadone trong cộng đồng và phải có báo cáo định kỳ 6 tháng lên Thủ tướng Chính phủ.

đ) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi thể chế đồng bộ, phù hợp, tiến bộ; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa công tác vận động tuyên truyền giáo dục với việc thực hiện kỷ cương, pháp luật, đồng thuận cao nhận thức về đối xử với người nghiện như người bệnh, Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục chuyển Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí đủ vốn hằng năm, đồng thời bổ sung thêm kinh phí để thực hiện việc cai nghiện tại cộng đồng, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

g) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các báo, đài tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, cần có nhiều bài viết, chuyên mục, chuyên trang để nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp, các ngành về công tác phòng chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện ma túy.

h) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam sản xuất các clip, chương trình phòng chống tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy phát vào các giờ vàng trên sóng để đông đảo các tầng lớp nhân dân có thể xem và nghe được ngay trong năm 2017.

i) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về tình hình tội phạm ma túy, người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá để có Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch để bảo đảm triển khai thực hiện tốt công tác này.

- Sử dụng đầy đủ kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ, bố trí bổ sung ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện ngay và nghiêm việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội (Trung tâm 06 cũ) trên địa bàn thành các Cơ sở cai nghiện, hoàn thành chậm nhất trong Quý I năm 2017. Không chỉ chuyển đổi về hình thức mà phải chuyển đổi cả về nội dung, đây không chỉ là chủ trương pháp luật mà còn là vấn đề nhân quyền, được dư luận quốc tế quan tâm (xóa bỏ hoàn toàn Trung tâm 06 trước đây).

k) Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ lập các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

l) Đề nghị Tòa án nhân dân xét xử nghiêm minh có tính răn đe loại tội phạm ma túy, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan quyết định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định. Khẩn trương đề xuất việc thành lập Tòa án ma túy phù hợp với điều kiện Việt Nam.

m) Đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tổ chức xã hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện công tác này.

n) Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy trong tình hình mới trình Thủ tướng ký ban hành trong Quý I năm 2017.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương và các thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
-Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên BCĐ 138;
- Các thành viên UBQG 50;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT CP;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b). ĐHB

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng