Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 431/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Ngày 08 tháng 12 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh để thảo luận về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ và về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, ý kiến phát biểu của các Thành viên Hội đồng và đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng đã kết luận như sau:

1. Về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

a) Hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và trình Thủ tướng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc ban hành Kế hoạch là thể hiện việc triển khai đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế của Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm sau:

- Đề cập đầy đủ các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030, kể cả các mục tiêu có tính đương nhiên, thể hiện việc Việt Nam tham gia toàn diện các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc đã đề ra.

- Có mục tiêu, chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển cho từng giai đoạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội định kỳ 5 năm, có đánh giá định kỳ hàng năm, kết hợp với đánh giá kết quả thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035.

- Về các giải pháp: Làm rõ thêm các yêu cầu về công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nhấn mạnh nhận thức về sự phát triển bền vững phải được thể hiện thành các giải pháp cụ thể và đặc biệt là trong phân bổ nguồn lực (gồm nguồn lực là tài nguyên thiên nhiên, tài chính và cả chỉ đạo, điều hành).

- Nghiên cứu xây dựng việc đánh giá có tính định lượng để đánh giá kết quả thực hiện đối với tối đa các mục tiêu cụ thể.

c) Chưa đặt vấn đề có Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững tương tự như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng cần có hình thức văn bản chỉ đạo điều hành phù hợp nhằm cụ thể hơn Chương trình nghị sự 2030.

d) Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phải đảm nhiệm vai trò trung tâm trong tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm hoạt động thiết thực, hiệu quả.

2. Về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 19

a) Các bộ, ngành khẩn trương có ý kiến về Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2017, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn chỉnh, trình Chính phủ, trong đó xác định rõ và tăng cường trách nhiệm của từng bộ, cơ quan, địa phương trong việc cải thiện từng chỉ tiêu cụ thể trong các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và chỉ số năng lực sáng tạo theo công bố của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Cùng với việc chuẩn bị Nghị quyết 19 năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn sổ tay với các nội dung cụ thể như cách thức thu thập, cung cấp số liệu, đánh giá đối với từng chỉ tiêu cụ thể để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng Văn phòng Chính phủ chuẩn bị báo cáo về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để báo cáo tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

c) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì cùng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu nhận, xử lý thông tin, phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp theo hướng có sự phối hợp, huy động sự tham gia của một số cơ quan truyền thông, báo chí.

3. Về vấn đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sớm nghiên cứu làm rõ các đặc trưng, tác động và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cùng 5 cơ quan nêu trên khẩn trương nghiên cứu đề xuất cơ chế điều hành của Chính phủ đối với vấn đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tương tự như cải thiện môi trường kinh doanh (có thể là Nghị quyết của Chính phủ về tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4), có cơ chế đánh giá cụ thể hàng năm.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Hội đồng và các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ (để b/c);
- Các thành viên HĐQG về PTBV& NCNLCT;
- Viện NCQLKTTW, VP Phát triển bền vững (BộKH&ĐT);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, CN, NN, QHQT, PL, TCCV, NC, ĐMDN, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (3). Q

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng