VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI HỌP VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ GIẢI PHÁP CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 23 tháng 01 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp với các Bộ, ngành về giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về thực trạng, giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy và phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thời gian qua, các Bộ, ngành và Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm kiểm soát ùn tắc giao thông trên địa bàn; nhờ đó, ùn tắc giao thông bước đầu được kiềm chế; trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 đã giảm trung bình được khoảng 55%/năm số vụ ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc, số điểm ùn tắc, thời gian ùn tắc kể cả trên đường bộ và đường hàng không khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến môi trường phát triển, đời sống người dân của Thành phố. Cụ thể, hiện nay vẫn còn 37 điểm có nguy cơ cao ùn tắc giao thông; ngoài ra, trên một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe, nhà ga, các tuyến đường ra vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và khi có sự cố giao thông cũng như khi thời tiết xấu.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do:
- Việc tổ chức triển khai và quản lý quy hoạch xây dựng chưa tốt, việc kiểm soát dân số đô thị còn nhiều hạn chế, tổ chức không gian đô thị chưa hợp lý, công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập;
- Diện tích đất dành cho giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhất là các tuyến đường kết nối, đường vành đai... chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố;
- Tốc độ tăng dân số và phương tiện giao thông cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (hiện nay Thành phố có trên 7,8 triệu phương tiện, tăng 6% so với năm 2015 và tăng 60% so với năm 2010). Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng tăng; cùng với đó là ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để sớm khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ nhất trí với các giải pháp mà Ủy ban nhân dân Thành phố đã đề xuất, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Trước mắt, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ có liên quan triển khai ngay các giải pháp để tổ chức giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017. Trong đó:
- Chỉ đạo kiên quyết xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc, nhất là trong các ngày đầu, ngày cuối dịp nghỉ Lễ, Tết;
- Chỉ đạo khảo sát và xử lý quyết liệt, triệt để hơn các điểm đen về ùn tắc giao thông, nhất là đối với các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài; tăng cường các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, chính quyền địa phương sở tại và lực lượng thanh niên xung phong... ứng trực, phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông, tránh xảy ra xung đột giao thông tại các vị trí này;
- Huy động tối đa phương tiện phục vụ giao thông trong dịp Tết; kiên quyết không để người dân không kịp về quê ăn tết vì lý do không có phương tiện giao thông.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có nhiệm vụ hạn chế tăng dân số trong khu vực nội đô ở một số khu vực trên địa bàn Thành phố. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai và quản lý quy hoạch.
3. Tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị; lưu ý bảo đảm mật độ xây dựng theo quy định; rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, phải chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, các nút giao thông xung quanh gần khu vực dự án trước khi đầu tư xây dựng công trình. Nghiên cứu xây dựng các đô thị vệ tinh vùng nhằm kéo giãn dân số ở khu vực nội đô Thành phố.
4. Có lộ trình kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân; tăng cường phát triển giao thông công cộng như xe buýt thường, xe buýt nhanh (BRT)...
5. Nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông ngầm, đường trên cao bảo đảm mỹ quan đô thị, đường vành đai, đường xuyên Á. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương có liên quan nghiên cứu triển khai xây dựng các tuyến đường từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về cảng Long An để giảm lưu lượng phương tiện về Thành phố Hồ Chí Minh. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, xây dựng phương án đẩy mạnh kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP (chú trọng thu hút nhà đầu tư trong nước), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2017.
6. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai hệ thống chỉ huy giao thông để kết nối, kiểm soát và điều tiết giao thông trên địa bàn Thành phố.
7. Triển khai đầu tư các bến xe khách, xe tải đảm bảo kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông tĩnh theo quy hoạch (đặc biệt khu vực trung tâm thành phố để hạn chế đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông).
8. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông. Chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông trên địa bàn.
9. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng các phương án đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 02 năm 2017.
10. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sớm tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Về triển khai một số công trình chống ùn tắc giao thông theo lệnh khẩn cấp: Đồng ý về nguyên tắc; Thành phố báo cáo cụ thể từng công trình, dự án cần áp dụng cơ chế đặc thù (trong đó lưu ý làm rõ sự cần thiết, quy mô đầu tư, hiệu quả đầu tư…), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2017.
2. Về triển khai các dự án thuộc Chương trình chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020: Đồng ý Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các dự án thuộc Chương trình này ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện về tính hiệu quả của các dự án theo quy định của pháp luật.
3. Về Ủy quyền cho Thành phố quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (theo Điều 26 Luật đấu thầu) đối với một số dự án đầu tư theo hình thức PPP: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với các Bộ: Giao thông vận tải, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất bảo đảm đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về nghiên cứu, áp dụng cơ chế phụ thu và quản lý thu đối với một số loại phí: Đồng ý về nguyên tắc. Ủy ban nhân dân Thành phố có báo cáo cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2017.
5. Về việc để lại cho Thành phố 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và nguồn thu do cơ quan thuế, hải quan thực hiện: Đồng ý chủ trương; Giao Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý chung trong cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2017.
6. Đồng ý Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bổ sung, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố trên cơ sở thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.
7. Đồng ý bổ sung cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, cầu thay thế phà Cát Lái và đường song song với Quốc lộ 50 vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật các công trình nêu trên vào các quy hoạch có liên quan và triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
8. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kiến nghị của Thành phố về phương án đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao; nghiên cứu cả phương án đường ngầm để lựa chọn phương án khả thi, nhằm xóa bỏ các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các giải pháp kết nối hệ thống giao thông thành phố trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Công văn 13452/VPCP-CN năm 2017 về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 6731/VPCP-CN năm 2017 thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 35/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ để bàn về chủ trương, giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 573/TTg-KTN năm 2016 về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật đấu thầu 2013
- 6 Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do Ban Bí thư ban hành
- 1 Công văn 5595/VPCP-KTTH về chính sách tài chính góp phần chống ùn tắc giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 573/TTg-KTN năm 2016 về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 35/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ để bàn về chủ trương, giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 6731/VPCP-CN năm 2017 thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn 13452/VPCP-CN năm 2017 về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành