Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 451/TB-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA BỘ TRƯỞNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH THÚC ĐẨY PHỤC HỒI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2013 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Ngày 30/11/2012, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc xây dựng Đề án “Giải pháp tài chính thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2013 và các năm tiếp theo”. Tham dự cuộc hợp có đồng chí Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, các thành viên Tổ xây dựng Đề án và đại diện lãnh đạo một số đơn vị dự họp.

Sau khi nghe ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác và các đơn vị dự họp, ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ có ý kiến kết luận và chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2012 là năm mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, kinh tế thế giới chưa ổn định, khủng hoảng nợ công ở Châu âu vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để và luôn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng; những mâu thuẫn và bất ổn về chính trị ở khu vực Trung Đông gia tăng; thương mại sụt giảm, cạnh tranh bảo hộ gia tăng, luồng vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh ngoại trừ khu vực Châu á, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với dự báo đầu năm. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB,... đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 trước ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công, hệ thống tài chính-tiền tệ toàn cầu chứa đựng nguy cơ bất ổn,...Về xu hướng chính sách, các nước ưu tiên chính sách phục hồi tăng trưởng gắn với tái cấu trúc thông qua kích thích kinh tế, nới lỏng tiền tệ, tập trung kích cầu nội địa.

Với những tác động không thuận lợi của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước năm 2012 đã và đang gặp nhiều khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chậm lại, tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu cao, thanh khoản của nền kinh tế chưa được cải thiện, lạm phát có giảm nhưng còn tiềm ẩn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp bị thua lỗ phải hoạt động cầm chừng hoặc giải thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đạt thấp; sức mua thị trường giảm, chỉ số tồn kho tăng lớn. Dự kiến cả năm 2012, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Dự báo năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục tác động bất lợi đến kinh tế trong nước như: khó khăn trong thu hút các dòng vốn ODA, FDI; xuất khẩu thu hẹp, rủi ro thâm hụt ngân sách, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,...

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Phát triển kinh tế-xã hội 2013 và giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN 2013 nhằm tháo gỡ cơ bản những khó khăn của sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững, đòi hỏi phải có giải pháp tài chính đồng bộ trước mắt cũng như dài hạn, Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai nhiệm vụ xây dựng các giải pháp tài chính thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2013 và các năm tiếp theo như sau:

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Tổng cục Thuế:

Đánh giá cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp qua một số chỉ tiêu:

- Số doanh nghiệp hoạt động, đăng ký, giải thể, phá sản, thua lỗ,…

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp: theo sắc thuế, theo khu vực doanh nghiệp, theo ngành kinh tế...

- Tình hình nợ thuế của các doanh nghiệp, phân theo khu vực và thành phần kinh tế.

- Đề xuất các giải pháp về thuế nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường.

2. Tổng cục Hải quan:

Đánh giá cụ thể về tình hình xuất, nhập khẩu và thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2012 và đề xuất giải pháp cho 2013, trong đó phân tích rõ các vấn đề sau:

- Thực trạng cơ cấu xuất khẩu theo ngành hàng; khu vực kinh tế và theo thị trường.

- Tình hình thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

- Tình hình nợ thuế, trong đó phân theo khu vực doanh nghiệp, theo ngành hàng.

- Giải pháp khuyến khích xuất khẩu, chống buôn lậu, quản lý tạm nhập tái xuất,...

3. Vụ Ngân sách Nhà nước:

Phân tích cụ thể về tình hình thực hiện dự toán NSNN 2012 (nêu rõ tồn tại, nguyên nhân); đề ra các giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2013; phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo Bộ giải pháp hỗ trợ lãi suất để bổ sung thực hiện đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn...

4. Kho bạc Nhà nước:

Phối hợp với Vụ NSNN và Vụ HCSN để đánh giá chi tiêu ngân sách và tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước 2012, đề xuất giải pháp cho 2013.

5. Vụ Hành chính sự nghiệp:

- Tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Phương án điều hành học phí, viện phí năm 2013.

6. Cục Tài chính Doanh nghiệp:

- Đánh giá cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm DNNN, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp khác.

- Tình hình tái cấu trúc DNNN: tái cấu trúc từng tập đoàn, tổng công ty; thoái vốn; xử lý nợ xấu DNNN và tái cấu trúc DATC,...

- Tình hình và giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

7. Cục Quản lý Công sản:

- Đánh giá cụ thể về tình hình thị trường bất động sản, tồn kho bất động sản và đề xuất các giải pháp có liên quan;

- Tình hình thực hiện việc giãn, giảm tiền thuê đất và tiền sử dụng đất.

- Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản năm 2013 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp: chính sách hỗ trợ tài chính đối với nhà ở xã hội, người mua nhà ở xã hội; giảm, giãn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; chính sách thuế đối với thị trường bất động sản...

8. Vụ Tài chính ngân hàng

- Phân tích về tình hình và khả năng huy động vốn, phát triển thị trường vốn, hỗ trợ lãi suất theo chương trình, tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng...

- Đánh giá về tình hình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và phương án xử lý nợ xấu;

- Đề xuất các giải pháp về tín dụng năm 2013 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

9. Ủy ban chứng khoán Nhà nước:

- Phân tích về tình hình hoạt động và tài chính doanh nghiệp niêm yết, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Doanh thu, tình hình lãi lỗ, các hệ số lợi nhuận trên tài sản, trên doanh thu, trên vốn chủ sở hữu, các hệ số nợ, chi phí lãi vay...

- Kết quả thực hiện việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các công ty chứng khoán và các giải pháp thúc đẩy sự phát triển TTCK.

10. Vụ Đầu tư:

- Đánh giá về tình hình đầu tư xây dưng cơ bản năm 2012 và giải pháp cho 2013.

- Tình hình thu hồi số ứng trước vốn NSTW và vốn trái phiếu Chính phủ; tình hình thu hồi và xử lý các khoản nợ đọng XDCB theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Chính phủ.

- Phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc ngân sách năm 2013.

11. Vụ Chính sách Thuế

- Đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

- Đề xuất các giải pháp cho năm 2013, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp: (i) Chính sách thuế để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; (ii) Chính sách lệ phí trước bạ (theo Thông báo số 430/TB-CP ngày 14/11/2012); (iii) Các giải pháp về thuế có liên quan khác (chính sách thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế xuất khẩu) để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

12. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại:

- Đánh giá cụ thể về tình hình thu hút ODA và giải ngân vốn ODA năm 2012.

- Tình hình nợ công của Việt Nam; việc cơ cấu lại các dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.

- Các giải pháp đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng vay vốn, thu hút ODA, cơ cấu lại dự án Chính phủ bảo lãnh, đẩy nhanh đàm phán ký kết các hiệp định,...

13. Cục Quản lý giá

- Đánh giá về tình hình điều hành giá cả năm 2012.

- Dự báo về diễn biến giá cả năm 2013 và các giải pháp điều hành giá.

14. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Tiếp tục cập nhật và dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

- Phối hợp Tổng cục thuế, Cục TCDN, Ủy ban CKNN phân tích, đánh giá tình hình tài chính và hoạt động doanh nghiệp.

15. Văn phòng Bộ và Tổ xây dựng Đề án

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Văn phòng Bộ và Tổ xây dựng Đề án có nhiệm vụ:

- Tổ xây dựng Đề án (thường trực Viện CL&CSTC) xây dựng báo cáo đề xuất các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2013 và các năm tiếp theo.

- Văn phòng Bộ xây dựng báo cáo độc lập về nội dung trên, báo cáo Bộ xem xét, quyết định.

III. YÊU CẦU BÁO CÁO VÀ THỜI HẠN BÁO CÁO

1. Đối với từng vấn đề có liên quan, đề nghị các đơn vị chuẩn bị ngắn ngọn, cụ thể, trong đó các đơn vị tập trung vào 03 nội dung chính: (1) Đánh giá, phân tích sâu thực trạng, nguyên nhân; (2) Định hướng và giải pháp cụ thể, trong đó nêu rõ các giải pháp cần thực hiện trong thời gian trước mắt và những giải pháp cho giai đoạn trung hạn; (3) Đánh giá tác động của các giải pháp, đặc biệt là tác động của việc thực hiện giải pháp tới thu, chi NSNN.

2. Các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công và gửi Tổ Đề án (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) và Văn phòng Bộ trong ngày 04/12/2012.

Đồng thời gửi file báo cáo theo địa chỉ thư điện tử nguyennhuquynh@mof.gov.vn và lethimailien@mof.gov.vn.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ xin thông báo để Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các thành viên Tổ xây dựng Đề án biết và khẩn trương thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Vương Đình Huệ (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để b/c);
- Các đơn vị thuộc Bộ
- Lưu: VT, VP

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG





Trần Đức Thắng