Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 451/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA ỦY BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA ASEAN, CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI

Ngày 08 tháng 12 năm 2016, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo 1899) đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban và các thành viên Ủy ban chỉ đạo 1899. Sau khi nghe Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo 1899 báo cáo, ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và các thành viên Ủy ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

1. Đồng ý với Báo cáo của Cơ quan thường trực về hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASAEN và Cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua và mục tiêu, giải pháp nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ biểu dương các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

2. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần sớm được khắc phục, như số lượng thủ tục hành chính đã thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia còn thấp, mới chỉ chiếm 13% trên tổng số hơn 280 thủ tục hành chính theo Kế hoạch đề ra; 73 nhóm vấn đề kiểm tra chuyên ngành về thủ tục hải quan vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm được sửa đổi, hoàn thiện. Quan điểm, nhận thức về Cơ chế một cửa quốc gia còn chưa đầy đủ, thống nhất; nguồn lực và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia còn hạn chế.

3. Từ nay đến năm 2018, yêu cầu, mục tiêu đặt ra là phải tạo chuyển biến căn bản việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Các Bộ, ngành cần chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cần tập trung triển khai ngay một số nội dung sau:

a) Ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai kế hoạch, các nhiệm vụ thuộc phạm vi Bộ, ngành phụ trách, với lộ trình, bước đi cụ thể gửi về Cơ quan thường trực trong tháng 1 năm 2017 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899 và làm cơ sở để điều phối, theo dõi và đôn đốc tiến độ thực hiện.

b) Tổ chức triển khai mở rộng các thủ tục hành chính đã chính thức kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

c) Tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là 73 nhóm tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; tiến hành thực hiện xã hội hóa một số khâu, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

d) Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan:

a) Trong quý I năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

b) Củng cố Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo 1899 đặt tại Tổng cục Hải quan; phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện bộ phận giúp việc, tham mưu cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ tạo thuận lợi thương mại.

c) Nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Nghị định của Chính phủ về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

d) Đề xuất phương án tổng thể về đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại theo hướng thống nhất trong một hệ thống như Báo cáo đã nêu. Phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ nghiên cứu, xây dựng giải pháp công nghệ đảm bảo sự tương tác giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng thông tin dịch vụ công của Chính phủ.

đ) Nguồn lực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại chủ yếu là vốn đầu tư công, kinh phí công nghệ thông tin đã phân bổ cho các Bộ, ngành theo quy định và kết hợp sử dụng một phần kinh phí của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

e) Trình phương án thuê dịch vụ để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; đề xuất sửa đổi quy định về thí điểm thuê dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin để áp dụng cho việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin một cửa quốc gia, nhất là thuê dịch vụ về hạ tầng, hệ thống dự phòng, phương án đảm bảo an ninh, an toàn và khả năng sẵn sàng cho toàn bộ hệ thống.

g) Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trước mắt Cơ quan thường trực có kế hoạch để Ủy ban chỉ đạo 1899 đối thoại với doanh nghiệp năm 2017; xây dựng cẩm nang về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại để tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.

h) Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam có chuyên mục về vấn đề này; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông tới cộng đồng doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế, Nội vụ;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tổng cục Hải quan;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, TKBT, KGVX, PL, QHQT;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp