VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 454/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ THÀNH LONG TẠI CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Ngày 25 tháng 9 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững (sau đây gọi tắt là Hội đồng). Tham dự cuộc họp có các Thành viên Hội đồng, đại diện lãnh đạo các cơ quan Thành viên Hội đồng.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tóm lược về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và dự kiến hoạt động năm 2025 của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng có ý kiến như sau:
1. Trong những năm qua, Việt Nam đã tổ chức thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó đã xác định cụ thể nội dung, mục tiêu, lộ trình và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với từng nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
Theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số SDGs công bố năm 2024, Việt Nam đạt điểm số 73,32 và xếp thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng được công bố năm 2023 (xếp thứ 55/166 quốc gia). Trên cơ sở kết quả rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 cho thấy Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt trong thực hiện nhiều mục tiêu SDG, như SDG1 (chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi), SDG6 (đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người), SDG9 (xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới), SDG16 (thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp) và SDG17 (tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững). Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong thực hiện rất nhiều chỉ tiêu cụ thể như trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, phát triển nhân lực... Những kết quả quan trọng đạt được là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ở cả phạm vi quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; rủi ro gia tăng và xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức trên hầu hết các lĩnh vực, tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, khu vực trên toàn cầu và nước ta, trong đó nhiều mục tiêu cụ thể có khả năng không đạt.
2. Hội đồng cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo và các đề xuất, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến các đại biểu dự họp về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam thời gian qua và các định hướng trọng tâm hoạt động của Hội đồng trong năm 2025; đồng thời đề nghị các Thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau đây:
- Tiếp tục quán triệt, nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình của quốc gia, ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng tăng cường các giải pháp mang tính liên ngành, liên vùng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, tích cực tham mưu cho Hội đồng, cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; lưu ý tham mưu, đề xuất các vấn đề có tính bao quát, tổng thể, vĩ mô, liên ngành.
- Nghiêm túc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; tập trung nguồn lực để hoàn thành lộ trình như đã xác định; sử dụng hiệu quả và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
3. Về các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Thống nhất việc tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trên cơ sở kết quả đánh giá, tình hình, bối cảnh và các định hướng mới của Liên hợp quốc cho giai đoạn 2026-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cho phù hợp, khả thi.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu khả năng (sự cần thiết, mục đích, nội dung, quy mô...) tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững trong năm 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2025.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan và các Thành viên Hội đồng biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 354/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp báo cáo tiến độ thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 321/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về Việt Nam tham gia cam kết tại Thỏa thuận Paris về thể thao và phát triển bền vững do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 366/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về nội dung thay đổi tổng mức vốn đầu tư và cơ chế tài chính vốn vay nước ngoài của dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (dự án Mekong DPO) do Văn phòng Chính phủ ban hành