Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 457/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CUNG ỨNG ĐIỆN NĂM 2024

Ngày 28 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu Khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN báo cáo về các giải pháp cung ứng điện năm 2024, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:

1. Việc xây dựng Kế hoạch và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) cùng với EVN, TKV, PVN và các cơ quan liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ quyền hạn có trách nhiệm chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và tăng cường công tác phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn, tất cả vì mục tiêu chung là phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo.

2. Theo kịch bản xây dựng của Bộ Công Thương và EVN báo cáo, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%, trong điều kiện tổng nguồn chỉ có từ 50.000 MW đến tối đa là 52.000MW. Để thực hiện được kịch bản này, Bộ Công Thương, UBQLV, EVN và các cơ quan liên quan phải chủ động trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phân công thực hiện kịch bản đã đề ra bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và có thể tính toán cao hơn khi có điều kiện cho phép tăng trưởng cao hơn.

3. Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho các tháng cuối năm 2023, năm 2024, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Giải pháp về nguồn điện:

- Về nguồn nhiệt điện:

(i) Về các giải pháp bảo đảm nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện: Bộ Công Thương, UBQLV chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN, EVN và các đơn vị có liên quan phối hợp tính toán, xác định nhu cầu và kế hoạch cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024. Trên cơ sở đó, TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động, tích cực triển khai ngay các giải pháp tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Về việc đề xuất khai thác vượt công suất 15% sản lượng của TKV: giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBQLV, TKV và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền và quy định pháp luật trong tháng 11 năm 2023. Trường hợp có vướng mắc, vượt thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì xử lý, dứt khoát không để vướng mắc ảnh hưởng đến việc khai thác, cung ứng than phục vụ sản xuất điện hàng năm.

(ii) Các giải pháp bảo đảm vận hành tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện: Chủ đầu tư các nhà máy điện than trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc, cần có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, bảo trì phù hợp, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động phát điện của cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cáo điểm.

- Về nguồn thủy điện: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBQLV căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và các đơn vị có liên quan chỉ đạo điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc và tiếm kiệm giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (thường là vào tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Các Chủ sở hữu hồ, đập, thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên nước.

- Về nguồn năng lượng tái tạo: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm; Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 để đưa vào Nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái đối với nhà ở, công sở và khu công nghiệp tự sản tự tiêu. Tham mưu Chính phủ có văn bản chính thức gửi Quốc hội (việc này Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương). Trên cơ sở đó, thống kê, tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước ngày 10 tháng 11 năm 2023 các dự án nguồn điện có vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật mà chưa được đưa lên lưới hoặc được đưa lên lưới nhưng không sử dụng hết công suất - có giải pháp để tránh lãng phí tài sản nhà nước, doanh nghiệp.

- Về nhập khẩu điện: EVN chủ trì cùng PVN, TKV và các cơ quan liên quan tính toán, cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, trường hợp cần thiết có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc nhưng phải chủ động sớm dự báo chính xác.

- Về nguồn điện than BOT: Bộ Công Thương, UBQLV, EVN thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15 tháng 11 năm 2023. Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chấm dứt hợp đồng. Việc này ta phải nắm quyền chủ động.

b) Về truyền tải điện: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBQLV, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan (còn vướng mắc đất rừng, đất lúa thì đồng chí Trần Hồng Hà chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương xử lý kịp thời, không chậm trễ), EVN triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Thông báo kết luận số 440/TB-VPCP ngày 26 tháng 10 năm 2023 để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, triển khai các dự án truyền tải theo quy hoạch để nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống cung ứng điện. Quyết liệt hoàn thành đường tải điện mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trước tháng 6 năm 2024 (vì việc này đã có chỉ đạo nhiều lần).

c) Về tiêu thụ và tiết kiệm điện: Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn EVN, TKV, PVN và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08 tháng 3 năm 2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

d) Về giá điện: Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và quy định pháp luật có liên quan trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu có chính sách, giải pháp phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế theo quy định của pháp luật. Thực hiện thật tốt, hiệu quả, kịp thời công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội và phải quyết định theo thẩm quyền, không giao quá nhiều và bàn khi đã có nguyên tắc xử lý.

4. EVN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ nêu trên, hoàn thiện Kế hoạch cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo bảo đảm vận hành đồng bộ, hiệu quả, tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi trường hợp, trình Bộ Công Thương, UBQLV theo thẩm quyền và phê duyệt, hoàn thành trong tháng 11 năm 2023.

5. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, UBQLV và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai các giải pháp cụ thể để bảo đảm không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân và chủ động, tích cực thực hiện theo thẩm quyền.

6. Khẩn trương kiện toàn Ban lãnh đạo EVN trước ngày 15 tháng 11 năm 2023 (gồm Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc) theo thẩm quyền của các cơ quan liên quan; đảm bảo lựa chọn công khai, dân chủ, khách quan theo các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước. Nghiêm cấm việc chạy chức, chạy quyền, vận động thiếu trong sáng…

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP (để b/c);
- Các Bộ: CT, KHĐT, TNMT, TC, NNPTNT, TP;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV;
- Tổng công ty than Đông Bắc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, NN, KTTH, QHĐP, QHQT;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp