VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 467/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÁC-BON TẠI VIỆT NAM
Ngày 07 tháng 10 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về việc hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam (Đề án). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
1. Thị trường các-bon được coi là công cụ kinh tế để góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua thị trường các-bon, tạo thêm dòng tài chính mới cho các hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thị trường các-bon là tiền đề, động lực và phương tiện để các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tham gia hiệu quả vào các thị trường thế giới. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn giao Bộ Tài chính chủ trì thành lập Thị trường các-bon trong nước. Thời gian qua, Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập, phát triển thị trường các- bon tại Việt Nam. Bộ Tài chính đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, một số Bộ, ngành còn ý kiến khác nhau, đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh, tình hình trong nước, khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước đã vận hành thị trường các-bon để hoàn thiện dự thảo Đề án, đảm bảo thị trường các-bon Việt Nam được thành lập, vận hành và quản lý chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.
2. Bộ Tài chính thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các Thông báo kết luận số 09/TB-VPCP ngày 11 tháng 01 năm 2024; số 328/TB-VPCP ngày 16 tháng 7 năm 2024 và cuộc họp ngày 22 tháng 8 năm 2024; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp để khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng, hoàn thiện dự thảo Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20 tháng 10 năm 2024. Trong đó chú ý một số nội dung sau:
- Về việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm về thí điểm sàn giao dịch các-bon:
Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng quy định của pháp luật hiện hành, trao đổi, thống nhất với Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định rõ loại văn bản quy phạm pháp luật, cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo có cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý vững chắc, đúng quy định của pháp luật liên quan và tính khả thi trong quá trình triển khai. Trường hợp hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản tại thời điểm phê duyệt đề án chưa thể nghiên cứu rõ thì trong đề án chỉ thể hiện theo hướng giao Bộ Tài chính xây dựng văn bản pháp luật trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp có nội dung chưa có quy định tại Luật thì báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Về rà soát phân công nhiệm vụ của các Bộ ngành trong quản lý nhà nước đối với thị trường các-bon:
Bộ Tài chính căn cứ quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Bộ, cơ quan; Quy chế làm việc của Chính phủ và các nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án để phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, đảm bảo thị trường các-bon tại Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc thị trường nhưng phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của nhà nước, đảm bảo lợi ích quốc gia, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Bộ Tài chính làm việc cụ thể, thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung phân công nhiệm vụ tại Đề án theo hướng: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện nhóm các nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến số lượng, chất lượng hàng hóa (hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon) trên thị trường các-bon; Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, giao cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động giao dịch, trao đổi hàng hóa trên thị trường các-bon.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp rà soát toàn diện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, đảm bảo phân công nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Đề án giữa các Bộ, ngành thống nhất theo nguyên tắc nêu trên.
- Về nội dung trao đổi tín chỉ các-bon ra nước ngoài:
Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ chủ trương của Đảng, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc trao đổi tín chỉ các-bon để hoàn thiện Đề án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương có văn bản gửi Bộ Tài chính những nội dung liên quan đến việc mua, bán, trao đổi, chuyển nhượng kết quả hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định tại Khoản
3 - Điều 61 Luật Lâm nghiệp và thực hiện Đề án một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030 và các Thỏa thuận, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất về nội dung này tại dự thảo Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.
3. Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án theo hướng dự thảo Quyết định thể hiện đầy đủ các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, dẫn chiếu các nhiệm vụ tại dự thảo Quyết định với Phụ lục kèm theo.Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án với các nội dung cụ thể, kèm theo là Phụ lục Danh mục các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án theo đúng phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: rõ nhiệm vụ, rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả; không phê duyệt Đề án kèm theo với các nội dung chính được thể hiện tại Quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |