Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ VỀ VIỆC HOÀN THIỆN ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Ngày 19 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị (Đề nghị xây dựng Luật). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và đại diện các bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ.

Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo và ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo như sau:

Đánh giá cao Bộ xây dựng đã tích cực chuẩn bị về lập Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Đề nghị này đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 và được Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo Tờ trình số 06/TTr-BTP ngày 22 tháng 01 năm 2024.

Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước rất quan tâm đến quản lý, phát triển đô thị, đã ban hành và quy định trong nhiều văn bản khác nhau như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Cấp thoát nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…. Để có quy định thống nhất và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quản lý, phát triển đô thị; đồng thời, giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hiện nay, thì cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật có tính bao quát, bảo đảm hướng tiếp cận tổng thể, toàn diện về quản lý, phát triển đô thị và nông thôn. Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ của Luật này với các luật khác liên quan (quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai…).

Theo kinh nghiệm quốc tế và phương pháp luận khoa học về quản lý đô thị dựa trên 03 trụ cột: (1) Xây dựng quy hoạch đô thị, nông thôn (bao gồm phát triển và chỉnh trang); (2) Quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, nông thôn; (3) Tổ chức quản lý đô thị, nông thôn. Như vậy, quản lý đô thị, nông thôn bao gồm: xây dựng và quản lý quy hoạch là quá trình có quan hệ mật thiết, nhân quả, không thể tách rời. Trên thực tế, việc trình Luật Quản lý phát triển đô thị riêng đã không nhận được sự ủng hộ của các cơ quan của Quốc hội từ các nhiệm kỳ trước. Trong khi đó, Chính phủ đang trình Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và đề xuất Luật Quản lý phát triển đô thị.

Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án tích hợp nội dung của Luật Quản lý, phát triển đô thị vào Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo của hệ thống pháp luật; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung nội dung quản lý phát triển nông thôn; bảo đảm quản lý xuyên suốt, thống nhất từ xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch đến quản lý phát triển.

Giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, cập nhật thông tin, ý kiến của các cơ quan liên quan, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 19 tháng 02 năm 2024.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Xây dựng và các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, PTTg Trần Hồng Hà (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan: TP, KHĐT, TC, NV, TN&MT, GTVT, NN&PTNT;
- VPCP: BTCN, các PCN Cao Huy, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, các Vụ: CN, NN, KTTH, TH;
- Lưu: VT, PL(2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy