VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5125/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2011 |
Ngày 18 tháng 7 năm 2011, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách thủ tục hành chính (thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội). Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo và Chánh Văn phòng của các Bộ, cơ quan ngang bộ; đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triên Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính; tại 63 đầu cầu trực tuyến ở địa phương có đại diện Lãnh đạo: Ủy ban nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân, các sở, ngành của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2011, các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa 3.037 TTHC trên tổng số khoảng 4.800 TTHC phải đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 63%, trong đó, số TTHC đã được ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi lên tới 1.882 TTHC, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 TTHC đang được thực hiện tại các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC, xác định đây là một nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân.
Các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... và các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tây Ninh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Lào Cai, Đồng Nai, Điện Biên, An Giang, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Long An, Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Quảng Ninh... là những Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng, đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án 30 và triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chậm trễ hoặc thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, công khai và minh bạch các TTHC; việc cập nhật những TTHC này trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; chế độ thông tin báo cáo,... Nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương thiếu quan tâm và chưa chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính; đội ngũ cán bộ, công chức được giao trách nhiệm triển khai còn thiếu chủ động trong tham mưu, đề xuất và chưa đề cao tinh thần trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đề nghị các địa phương: Ninh Bình, Trà Vinh, Hà Nội, Hà Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ thành lập và kiện toàn nhân sự Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.
Thứ nhất, bảo đảm thực hiện đúng phạm vi hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính quy định tại Điều 1 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, trong đó bao gồm cả các thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau có liên quan đến việc giải quyêt thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, bên cạnh việc nghiên cứu, cho ý kiến đối với các quy định về thủ tục hành chính, bảo đảm dễ hiểu, để thực hiện còn phải chú ý nghiên cứu, đánh giá, cho ý kiến về quy định nội dung liên quan của các quy định đó, bao gồm cả cơ chế, chính sách gắn với từng thủ tục hành chính. Thông qua việc đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ những hạn chế, bất cập của thể chế.
Thứ ba, chú trọng vào việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên cơ sở xây dựng kế hoạch, nội dung và cách thức kiểm tra cụ thể để tạo bước chuyển về chất trong công tác này, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, mang lại niềm tin cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
a) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, coi đây là công việc trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của mỗi đơn vị và cán bộ, công chức trực thuộc, không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính. Chú trọng quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức tinh thần cốt lõi của cải cách thủ tục hành chính là việc nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, chất lượng hệ thống thể chế ngày một cao hơn, nguồn lực xã hội phải được sử dụng hiệu quả, là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiện đại và vì dân.
b) Tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhanh chóng kiện toàn nhân sự có chất lượng cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, đáp ứng các yêu cầu của công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
c) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động đối với các quy định về thủ tục hành chính dự kiến ban hành. Đề nghị Bộ Tư pháp kiên quyết trả lại những dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa được đánh giá tác động và chưa lấy ý kiến tham gia của Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ kiên quyết trả lại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện đánh giá tác động hoặc đánh giá tác động còn hình thức đối với các quy định về thủ tục hành chính dự kiến ban hành.
d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời công bố công khai và minh bạch thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân.
đ) Ưu tiên nguồn lực thích hợp cho hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong việc giám sát thực hiện thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như của cơ quan hành chính các cấp.
e) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại các vụ, cục, sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo các nội dung tại Mục 2 Công văn số 4667/VPCP-KSTT ngày 11 tháng 7 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ.
g) Định kỳ báo cáo đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2011 về việc phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.
5. Đề nghị các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương có những hoạt động thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2011; dành thời lượng phù hợp để thông tin, tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về nội dung và tình hình, kết quả triển
khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời biểu dương những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sự ủng hộ trong toàn xã hội đối với công tác này.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
[1]Thủ tục hành chính phải được kiểm soát là toàn bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả các thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, như thủ tục tăng lương, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, thi nâng ngạch..., thủ tục giữa các cơ quan, đơn vị để giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức...
- 1 Công văn 4667/VPCP-KSTT về phạm vi kiểm soát thủ tục hành chính và nội dung kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 945/QĐ-TTg năm 2011 phân công bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Quốc hội ban hành
- 4 Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính