- 1 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006
- 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 3 Luật giao thông đường bộ 2008
- 4 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015
- 5 Luật Đường sắt 2017
- 6 Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do Chính phủ ban hành
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 520/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 08 tháng12 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN THẮNG TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN THÁNG 11 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ THÁNG 12 NĂM 2022 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 01 tháng 12 năm 2022, tại Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11 và 11 tháng năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ tháng 12 năm 2022. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, đồng chí Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Đào Văn Tiến, Công đoàn GTVT Việt Nam, Văn phòng Ban cán sự đảng, các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, các Ban thuộc Đảng ủy Bộ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ GTVT; Trung tâm CNTT; các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam, Quản lý đầu tư xây dựng, các Viện thuộc Bộ; các Ban QLDA thuộc Bộ; các Tổng công ty: Quản lý bay VN, Bảo đảm ATHH miền Bắc, Bảo đảm ATHH miền Nam, Công nghiệp tàu thủy, Đường sắt VN, Hàng không VN, Hàng hải VN, Cảng hàng không VN, Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Tư vấn thiết kế GTVT; các Ban QLDA: 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Đường sắt, Đường thủy, Hàng hải, Mỹ Thuận; Báo Giao thông; Tạp chí GTVT; Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT.
Sau khi nghe Văn phòng Bộ báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 11, 11 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2022; Vụ Pháp chế báo cáo về tình hình triển khai xây dựng văn bản QPPL; Vụ Vận tải báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông báo cáo về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ; Thanh tra Bộ báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng tiêu cực; ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT và ý kiến của các thành viên tham dự họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kết luận như sau:
1. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án
- Vụ Pháp chế theo dõi chặt chẽ, cập nhật nội dung, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đối với dự thảo Luật đường bộ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để kịp thời tham mưu Bộ báo cáo khi có yêu cầu. Phối hợp với Cục quản lý chuyên ngành hoàn thiện Báo cáo tổng kết các Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và triển khai các thủ tục sớm tiến hành tổng kết các Luật, Bộ luật nêu trên. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng tiến độ.
- Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản QPPL, Đề án tập trung thực hiện với chất lượng nội dung tốt nhất và trình Bộ theo đúng tiến độ yêu cầu, tuyệt đối không được chậm trễ, để nợ đọng, đặc biệt là những văn bản phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những văn bản có hạn hoàn thành trong tháng 12/2022.
2. Về công tác quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự, ATGT
- Yêu cầu các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng không Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao:
Khẩn trương triển khai ngay các giải pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không; tập trung vào dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2023.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực vận tải, quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, bảo đảm trật tự, toàn giao thông giữa Bộ GTVT và các địa phương. Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với các doanh nghiệp vi phạm trong quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình theo quy định pháp luật hiện hành.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật trong hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhất là vào dịp cuối năm để cảnh báo, nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp.
- Giao Vụ Vận tải với chức năng là cơ quan tham mưu cần theo dõi, đôn đốc, tham mưu Bộ chỉ đạo các Cục tập trung thực hiện các chỉ đạo nêu trên và kịp thời tham mưu cho Bộ triển khai các giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, triển khai phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực vận tải và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập trung phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, vận chuyển của doanh nghiệp trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội Xuân 2023.
3. Về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông
Yêu cầu các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai, hoàn thành công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2022 theo đúng kế hoạch, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho công tác bảo trì. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, vật tư dự phòng để triển khai ngay các phương án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông theo dõi, đôn đốc, tham mưu Bộ chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong quá trình xây dựng kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2023, cần rà soát kỹ lưỡng, xác định các công trình trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm đến các công trình, tuyến đường đã được đại biểu quốc hội, cử tri kiến nghị sửa chữa, bảo đảm ATGT.
4. Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện
Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu để sửa đổi thủ tục kiểm định lần đầu đối với các xe ô tô được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng, kiểm định trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất xe theo hướng chỉ thực hiện lập hồ sơ phương tiện, nhập, ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho phương tiện để tham gia giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, không thu giá dịch vụ kiểm định; báo cáo Bộ trưởng trong tháng 12 năm 2022.
5. Về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT giai đoạn 2022-2025 (Quyết định số 1428/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2022 của Bộ GTVT), bảo đảm đúng tiến độ yêu cầu.
6. Về công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
- Yêu cầu các Ban QLDA: 7, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh tập trung thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao nhất để hoàn thành đưa vào khai thác 01 dự án và thông xe kỹ thuật 03 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 trong tháng 12/2022, cụ thể: khánh thành dự án Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 03 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
- Yêu cầu các Ban QLDA tập trung hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục liên quan khác trong thời gian nhanh nhất với chất lượng tốt nhất để khởi công các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong tháng 12/2022 với quan điểm khởi công càng nhiều gói thầu càng tốt, không giới hạn chỉ khởi công 12 gói thầu của 12 dự án.
- Yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, lưu ý chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, chỉ đạo kịp thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công, hoàn thành các dự án trong tháng 12/2022 theo đúng kế hoạch.
- Yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục tham mưu Bộ chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân; thực hiện điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm, không hiệu quả sang những dự án có tốc độ giải ngân nhanh với mục tiêu phấn đấu giải ngân hết vốn ngân sách nhà nước được giao năm 2022.
- Yêu cầu Vụ Tài chính rà soát, triển khai công tác quyết toán dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch; tập trung xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án.
- Yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam tập trung hoàn thiện Báo cáo các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
- Giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực hơn nữa để khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài ngân sách (gồm cả trong nước và nước ngoài) để đầu tư, phát triển KCHTGT.
- Giao Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ chủ động nghiên cứu cơ chế, chính sách để có thể triển khai sớm thu phí, nhượng quyền thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
7. Về công tác thanh tra, kiểm tra
Yêu cầu Thanh tra Bộ, Vụ Tài chính theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và kết luận của Kiểm toán nhà nước. Thanh tra Bộ tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện để xử lý, chấn chỉnh các vi phạm, nhất là trong công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào công tác phòng ngừa từ xa, từ sớm đối với các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tích cực, quyết tâm, nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian nhanh nhất với chất lượng tốt nhất; tuyệt đối không được né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo tới các cơ quan liên quan biết để phối hợp thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006
- 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 3 Luật giao thông đường bộ 2008
- 4 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015
- 5 Luật Đường sắt 2017
- 6 Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do Chính phủ ban hành