Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 543/TB-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2013

 

THÔNG BÁO

TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG NĂM 2012

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo đến các Bộ, Ngành, các địa phương tình hình tai nạn lao động trong năm 2012 trên toàn quốc như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Số vụ tai nạn lao động

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2012 trên toàn quốc đã xảy ra 6777 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6967 người bị nạn, trong đó:

- Số vụ tai nạn lao động chết người: 552 vụ

- Số người chết: 606 người

- Số vụ TNLĐ có 02 người bị nạn trở lên: 95 vụ

- Số người bị thương nặng: 1470 người

- Nạn nhân là lao động nữ: 1842 người

2. Tình hình TNLĐ ở các địa phương

2.1. Những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người năm 2012

Theo số liệu báo cáo, trong năm 2012, 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng và Bình Thuận:

TT

Địa phương

Số vụ

Số vụ chết người

Số người bị nạn

Số người chết

Số người bị thương nặng

1

Tp. Hồ Chí Minh

1568

98

1583

106

160

2

Quảng Ninh

454

33

515

39

273

3

Hà Nội

152

31

117

37

80

4

Bình Dương

446

29

450

33

34

5

Đồng Nai

1624

25

1658

27

147

6

Hà Tĩnh

89

23

94

23

71

7

Bà Rịa - Vũng Tàu

302

20

309

22

99

8

Long An

63

16

63

16

15

9

Đà Nẵng

48

15

48

15

4

10

Bình Thuận

37

12

40

13

5

Bảng 1: 10 địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người

2.2. Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2012

- Vào 8h30 phút ngày 29/4/2012, vụ tai nạn do ngạt khí độc dưới hầm lò làm chết 04 người, tại Công ty cổ phần Sinh Phát Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Vào sáng ngày 21/5/2012, vụ TNLĐ do sạt lở đá làm chết 03 người tại Công ty Tân Hoàng An, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

- Vào 10h sáng ngày 21/5/2012, vụ tai nạn do sét đánh gây nổ mìn tại khai trường của Hợp tác xã Cường Thịnh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng làm 06 người chết và 04 người bị thương.

- Vào 11h20 phút ngày 23/7/2012 tại Xí nghiệp than Uông Bí, Quảng Ninh xảy ra vụ tai nạn lao động do bục nước tại lò thượng làm 03 người chết, 04 người bị thương.

- Vào 15h30 phút ngày 19/8/2012, vụ tai nạn lao động do sập hầm tại Công trình thủy điện Nậm Pông thuộc địa phận xã Châu Hạnh - Quỳ Châu - Nghệ An làm 02 người chết, 05 người bị thương.

- Vào 11h45 phút ngày 18/11/2012, vụ tai nạn lao động do sập cần cẩu tại cảng hạ lưu PTSC, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm 03 người chết, 02 người bị thương.

- Vào 16h30 phút ngày 30/10/2012, vụ tai nạn lao động do cháy tại doanh nghiệp tư nhân Đức Tâm thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai làm 01 người chết, 20 người bị thương.

II. PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG

1. Đánh giá chung

1.1. So sánh tình hình TNLĐ năm 2012 với năm 2011

Qua các số liệu thống kê cơ bản về tình hình TNLĐ năm 2012 so với năm 2011 cho thấy số vụ tai nạn lao động và số nạn nhân được thống kê trong năm đều tăng so với năm 2011:

Stt

Chỉ tiêu thống kê

Năm 2011

Năm 2012

Tăng/giảm

1

Số vụ

5896

6777

+881 (14,9%)

2

Số nạn nhân

6154

6967

+813 (13,2%)

3

Số vụ có người chết

504

552

+48 (9,5%)

4

Số người chết

574

606

+32 (5,6%)

5

Số người bị thương nặng

1314

1470

+156 (11,9%)

6

Số lao động nữ

1363

1842

+479 (35,1%)

7

Số vụ có 2 người bị nạn trở lên

90

95

+5 (5,5%)

Bảng 2: So sánh tình hình TNLĐ năm 2012 và năm 2011

1.2. So sánh TNLĐ tại 10 địa phương để xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất năm 2012

Theo số liệu báo cáo, Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ TNLĐ nhiều nhất, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước:

TT

Địa phương

Số vụ

Số vụ chết người

Số người chết

2011

2012

Tăng/ giảm

2011

2012

Tăng/ giảm

2011

2012

Tăng/ giảm

1

Tp. Hồ Chí Minh

1056

1568

512

81

98

17

82

106

24

2

Quảng Ninh

484

454

-30

22

33

11

25

39

14

3

Hà Nội

123

152

29

34

31

-3

35

37

2

4

Bình Dương

370

446

76

40

29

-11

40

33

-7

5

Đồng Nai

1453

1624

171

24

25

1

25

27

2

6

Hà Tĩnh

38

89

51

15

23

8

15

23

8

7

Bà Rịa - Vũng Tàu

192

302

110

12

20

8

12

22

10

8

Long An

88

63

-25

8

16

8

8

16

8

9

Đà Nẵng

68

48

-20

15

15

0

15

15

0

10

Bình Thuận

38

37

-1

3

12

9

3

13

10

Bảng 3: So sánh tình hình TNLĐ năm 2012 với năm 2011 của 10 địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất

1.3. Những địa phương không để xảy ra TNLĐ chết người

Địa phương không xảy ra tai nạn lao động chết người trong năm 2012 là Điện Biên, Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu 04 năm liên tục không để xảy ra TNLĐ chết người).

2. Lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng

Tổng hợp số liệu thống kê TNLĐ thì những ngành, nghề để xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2012 vẫn là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị.

2.1. Những nghề có tỷ lệ xảy ra TNLĐ nghiêm trọng cao

- Thợ khai thác mỏ, xây dựng: 50 người chết chiếm tỷ lệ 8,25 % trên tổng số người chết vì TNLĐ.

- Lao động giản đơn (trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp...): 31 người chết chiếm tỷ lệ 5,11 % trên tổng số người chết vì TNLĐ.

- Thợ vận hành máy, thiết bị sản xuất vật liệu sản xuất: 15 người chết, chiếm tỷ lệ 2,47% trên tổng số người chết vì TNLĐ.

- Lắp ráp và vận hành máy: 12 người chết, chiếm tỷ lệ 1,98% trên tổng số người chết vì TNLĐ.

Stt

Nghề nghiệp

Tổng số vụ

Số vụ có người chết

Số người bị nạn

Số lao động nữ

Số người chết

Số người bị thương nặng

1

Thợ khai thác mỏ, xây dựng

330

24

396

9

50

173

2

Lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp...

385

24

526

134

31

49

3

Thợ vận hành máy móc, thiết bị sản xuất vật liệu sản xuất

235

6

307

59

15

46

4

Thợ lắp ráp và vận hành máy

258

12

265

40

12

36

5

Thợ khai thác, thợ nổ mìn, thợ xẻ đá và thợ đẽo khắc đá

37

9

45

3

12

22

6

Thợ cơ khí và thợ lắp ráp máy móc

43

10

43

1

10

21

Bảng 4: Một số nghề nghiệp có tỷ lệ xảy ra TNLĐ chết người cao

2.2. Những yếu tố chấn thương gây chết người có tỷ lệ cao

- Ngã cao có 102 người chết, chiếm tỷ lệ 16,83% trên tổng số người chết vì tai nạn lao động.

- Máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn có 36 người chết, chiếm tỷ lệ 5,94% trên tổng số người chết vì tai nạn lao động.

- Do phương tiện vận tải có 28 người chết, chiếm tỷ lệ 4,62% trên tổng số người chết vì tai nạn lao động.

Stt

Yếu tố gây chấn thương

Tổng số

Số vụ có người chết

Số vụ có 2 nạn nhân trở lên

Số người bị nạn

Số lao động nữ

Số người chết

Số người bị thương nặng

1

Máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn

1213

28

8

1229

374

36

188

2

Phương tiện vận tải đường bộ

443

26

8

451

220

28

93

3

Kẹp giữa vật tĩnh và vật chuyển động

430

4

0

430

138

3

97

4

Ngã từ trên cao (giàn giáo, thang máy, ...)

226

91

11

245

14

102

77

5

Va đập phản hồi do vật chuyển động

190

9

1

191

49

5

38

6

Kẹp giữa vật chuyển động (loại trừ vật văng bắn, rơi).

120

3

0

120

97

3

37

7

Vấp ngã bởi vật thể

116

1

0

116

22

1

21

Bảng 5: Tai nạn lao động theo yếu tố gây chấn thương

3. Nguyên nhân xảy ra các vụ TNLĐ

3.1. Về phía người sử dụng lao động

Stt

Nguyên nhân

Số vụ

Tỷ lệ/ Tổng số vụ báo cáo năm 2012

Năm 2011

1

Không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động

123

1,81%

7,8%

2

Không có quy trình, biện pháp an toàn lao động

280

4,13%

3,49%

3

Do tổ chức lao động chưa hợp lý

91

1,34%

3,37%

4

Không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn

146

2,15%

3,15%

5

Không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động

114

1,68%

1,39%

Bảng 6: Những nguyên nhân để xảy ra TNLĐ do người sử dụng lao động

3.2. Về phía người lao động

Stt

Nguyên nhân

Số vụ

Tỷ lệ/ Tổng số vụ báo cáo năm 2012

Năm 2011

1

Vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn về an toàn lao động

2261

33,36%

30,73%

2

Không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân

342

5,05%

4,78%

Bảng 7: Những nguyên nhân để xảy ra TNLĐ do người lao động

3.3. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước

- Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ATLĐ hiện nay đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác an toàn vệ sinh lao động còn chưa triệt để dẫn đến tình trạng còn nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.

- Khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề, chưa được quan tâm hướng dẫn đầy đủ quy định nhà nước về an toàn vệ sinh lao động dẫn đến việc vi phạm các quy định về An toàn - vệ sinh lao động và nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cao.

4. Thiệt hại do tai nạn lao động

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, chi phí do tai nạn lao động xảy ra trong năm 2012 (chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,...) là 82,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ là 85.683 ngày.

5. Điều tra, xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng

Trong 552 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được biên bản điều tra của 149 vụ. Theo báo cáo, có 02 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về ATLĐ để xảy ra tai nạn lao động, đó là:

- Vụ tai nạn lao động do sập cốt pha xảy ra vào 10h ngày 5/11/2012 làm 02 người chết tại công trình xây dựng Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và trường học Nam Đô (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) do công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư;

- Vụ tai nạn lao động do điện giật xảy ra vào 15h ngày 25/3/2012 làm 02 người chết tại Trạm bơm điện Tổ hợp tác Xuân Mai, ấp 6, Kinh Môn, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do ông Nguyễn Văn Dẻo làm Trưởng trạm.

6. Đánh giá công tác thống kê báo cáo tai nạn lao động

- Công tác thống kê báo cáo TNLĐ năm 2012 của các địa phương: số địa phương thực hiện báo cáo là 63/63 địa phương, số địa phương có báo cáo đến đúng thời hạn 50/63 địa phương đạt 79% (năm 2011 là 31/63 đạt 49,2%). Một số địa phương báo cáo không đúng mẫu quy định (báo cáo theo mẫu cũ), số liệu thống kê về ngành nghề, số lao động trên địa bàn, số doanh nghiệp, số lao động trong báo cáo chưa thống kê được đầy đủ nên khó đánh giá chính xác tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc, từ đó tính toán được tần suất xảy ra TNLĐ, tần suất xảy ra TNLĐ chết người.

- Nhiều doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) không báo cáo TNLĐ theo quy định. Trong năm 2012, có 19.311 doanh nghiệp tham gia báo cáo (ước tính khoảng 5,1% tổng số doanh nghiệp toàn quốc).

III. MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CẦN THỰC HIỆN TRONG NĂM 2013

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong năm 2012, để chủ động phòng ngừa TNLĐ trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện tốt các nội dung chính sau đây:

1. Các Bộ, Ngành, Tập đoàn, Tổng công ty tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động - vệ sinh lao động và các chế độ bảo hộ lao động. Chú trọng triển khai công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

2. Cần tăng cường tuyên truyền về văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc nhằm kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau chung sức thực hiện tốt công tác an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ với nhiều hình thức phong phú hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương.

3. Các Sở Lao động - Thương binh Xã hội địa phương cần tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cần chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề và công tác điều tra, báo cáo tai nạn lao động tại doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động, đặc biệt công khai các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh công tác thống kê báo cáo TNLĐ theo quy định; thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động chết người trong các doanh nghiệp, đảm bảo thời gian điều tra, lập biên bản các vụ tai nạn lao động theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động trên địa bàn theo đúng quy định.

4. Người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Công tác tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động tại doanh nghiệp.

5. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2013 nhằm đạt các mục tiêu của Chương trình Quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng CP (để b/c)
- Văn phòng CP;
- Văn phòng TW Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; CQ thuộc CP;
- Viện KSNDTC;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Y tế;
- Tổng Liên Đoàn lao động VN;
- UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, TP;
- Lãnh đạo Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Cục ATLĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Bùi Hồng Lĩnh