Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẮK NÔNG VÀ KIỂM TRA TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN BAUXITE NHÔM TẠI NHÂN CƠ VÀ TÂN RAI

Ngày 9 tháng 02 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Nông; kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Tân Rai và Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Cùng đi với Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ giải pháp năm 2015 và một số kiến nghị của Tỉnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ về xử lý một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH

Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong những năm qua: Năm 2014, trong điều kiện khó khăn chung, Tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 12,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 51,78%, công nghiệp chiếm 26,6%, dịch vụ chiếm 21,62%; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tăng so với năm trước; thu ngân sách nhà nước 1.421 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12.500 tỷ đồng; xuất khẩu 686 triệu USD. Tỉnh đã huy động tốt các nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 8,1 tiêu chí/xã, tăng 1,5 tiêu chí so với năm 2013. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; giáo dục, y tế có tiến bộ; giải quyết việc làm đạt kế hoạch đề ra, đã xây dựng một số mô hình đào tạo nghề gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh cây trồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,89% so với năm trước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ với hữu nghị với các tỉnh nước bạn Campuchia được tăng cường.

Tuy nhiên, Đắk Nông vẫn còn khó khăn quy mô kinh tế nhỏ, sản xuất công nghiệp còn khó khăn, tình trạng dân di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao; an ninh nông thôn và khu vực biên giới diễn biến phức tạp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI CỦA TỈNH

Nhất trí với báo cáo của Tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, lưu ý một số công việc sau:

1. Năm 2015 là năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015), năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Trong đó, thực hiện tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm:

- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm qua, phân tích, làm rõ kết quả đạt được để phát huy, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục kịp thời, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. Tỉnh vận dụng linh hoạt, sát tình hình thực tế để tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch 2015 và 5 năm (2011 - 2015).

- Trên cơ sở kết quả cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, lòng tin của nhân dân được nâng lên, Tỉnh gắn kết quả đạt được với chuẩn bị Đại hội Đảng bộ, tạo tiền đề cho thực hiện kế hoạch năm 2016 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh 5 năm (2016 - 2021).

2. Phát huy tiềm năng lợi thế tài nguyên, nhất là lợi thế đất đai để phát triển các loại cây trồng như cà phê, cao su, điều, đậu các loại; lợi thế về khí hậu để phát triển dịch vụ và du lịch, nhất là du lịch sinh thái mang bản sắc đặc trưng của địa phương.

3. Tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước hết đưa các giống mới, quy trình canh tác hiện đại áp dụng và sản xuất; tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại các nông lâm trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sống bằng nghề rừng để từng bước thoát nghèo.

4. Cùng với phát triển kinh tế, quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh, nhất là dọc tuyến biên giới; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về các dự án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn Tỉnh: Tỉnh lập dự án theo quy định của Luật đầu tư công, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 21 tháng 8 năm 2014.

2. Về dự án Quy hoạch ổn định dân cư các xã khu vực biên giới: đồng ý về chủ trương, Tỉnh chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn và mức vốn hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về đầu tư Cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa (giai đoạn 2): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ vốn triển khai đầu tư giai đoạn 2 theo quy định Luật Đầu tư công.

Về vốn đầu tư Dự án công viên cây xanh, điện chiếu sáng Hồ trung tâm: Tỉnh rà soát, lựa chọn các công trình, hạng mục quan trọng, cấp bách ưu tiên làm trước và thực hiện thẩm định theo quy định của Luật đầu tư công; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn (2016 - 2020) hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về đầu tư trụ sở các cơ quan hành chính, trụ sở xã và Trường Cao đẳng cộng đồng: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan đề xuất phương án nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về di dời đường dây 500kV ra ngoài trung tâm thị xã Gia Nghĩa: đồng ý, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tỉnh xử lý cụ thể.

6. Về Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nhân Cơ: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt Dự án theo quy định; để bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cấp bách, chỉ định thầu theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ.

Đối với số vốn, còn thiếu: Đồng ý về nguyên tắc Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Tỉnh thực hiện, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí số vốn còn thiếu để hoàn trả chủ đầu tư sau khi Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định quản lý đầu tư. Trước mắt, chủ đầu tư ứng trước vốn để Tỉnh thực hiện Dự án.

IV. VỀ CÁC DỰ ÁN TỔ HỢP BAUXIT - NHÔM TÂN RAI VÀ NHÀ MÁY ALUMIN NHÂN CƠ

1. Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, Tây Nguyên phải khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng và lợi thế phát triển. Những năm qua, nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng đã và đang được khai thác, trong đó có yêu cầu về khai thác Bauxit, từ đó Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) được triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ là phải bảo đảm hiệu quả, nhất là hiệu quả kinh tế; bảo đảm về môi trường sinh thái và các vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; nâng cao đời sống nhân dân.

2. Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Tân Rai đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại; hoạt động sản xuất ngày càng ổn định và tăng dần; năm 2014, sản lượng alumin xuất khẩu của Nhà máy là 490 nghìn tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ khoảng 160 triệu USD và tiêu thụ nhanh, không có hàng tồn kho; giá bán sản phẩm thực tế cao hơn so với kế hoạch. Các yêu cầu về hiệu quả kinh tế, môi trường sinh thái, các vấn đề văn hóa, xã hội được bảo đảm. Việc áp dụng công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ đã được thử nghiệm thành công, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo để ứng dụng công nghệ này vào sản xuất thương mại.

3. Từ kinh nghiệm và thành công bước đầu của Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Tân Rai, yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ để đến cuối năm 2015 Nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại và có sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời khẩn trương triển khai các dự án chế biến sâu từ Alumin, phát triển các dự án sản xuất nhôm và sản xuất các sản phẩm sau nhôm.

Đây là thành công bước đầu, chứng minh chủ trương của Đảng, Nhà nước là phù hợp cả về tính khả thi, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH, KTN, KGVX, ĐMDN, NC, QHQT, TCCV;
- Lưu: VT, V.III (3b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên