VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ VĂN THÀNH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ TÌNH HÌNH XỬ LÝ HÀNG HÓA ÙN TẮC TẠI CÁC CỬA KHẨU BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
Ngày 25 tháng 02 năm 2022, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ gồm có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Tổng Cục Hải quan, Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; tại điểm cầu các địa phương gồm có Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận như sau:
1. Để thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía Bắc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương từ tháng 9 năm 2021 (Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021). Phó Thủ tướng đã nhiều lần chủ trì họp với các Bộ, ngành, địa phương và đã ban hành các kết luận để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc (Thông báo 350/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021, Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10 tháng 01 năm 2022).
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động và thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã xuất hiện trở lại từ sau Tết Nguyên đán. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc được dự báo còn nhiều khó khăn, thiểu ổn định, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, sự lành mạnh của thị trường nông sản cả trước mắt và lâu dài.
2. Trong thời gian tới, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021, các Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021, số 08/TB-VPCP ngày 10 tháng 01 năm 2022; trước mắt triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp sau:
a) Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương có cửa khẩu, trao đổi với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thiết lập ngay mô hình “vùng xanh”, “luồng xanh” kiểm soát dịch bệnh Covid 19 tại khu vực cửa khẩu (gồm cả lực lượng, trang thiết bị, phương thức hoạt động) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Hội nghị nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa đảm bảo kết quả an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng thực hiện giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan, bao gồm cả việc trao đổi, phối hợp với các địa phương phía Trung Quốc; trên cơ sở đó, kịp thời thông tin và có giải pháp phù hợp để điều phối hợp lý các phương tiện vận tải lên cửa khẩu, giải quyết kịp thời các thủ tục, hỗ trợ các tác nghiệp nhằm đẩy nhanh thông quan; tạo các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt của các lực lượng và đội ngũ lái xe, người lao động khu vực cửa khẩu; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để trục lợi.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có vùng trồng với sản lượng nông sản lớn chủ động nắm chắc tình hình, tiếp tục có các giải pháp định hướng sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch nhằm đảm bảo các điều kiện xuất khẩu nông sản chính ngạch, cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
d) Các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các doanh nghiệp, người sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng hàng hóa; đẩy mạnh tiêu dùng, chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước, sử dụng hiệu quả các phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường biển để vận chuyển, xuất khẩu nông sản.
đ) Các cơ quan thông tin truyền thông chủ động thông tin khách quan, chính xác, kịp thời nhằm phản ánh đúng bản chất tình hình, bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ người sản xuất, phục vụ điều hành hiệu quả, khoa học, góp phần sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
3. Giao Bộ Công thương chủ trì cùng các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan xây dựng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số hàng hóa hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới; báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét trước ngày 30 tháng 3 năm 2020.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2021 về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 350/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 8/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành