BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 576/TB-BGDĐT | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2010 |
Ngày 01 tháng 9 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có 697 đại biểu, gồm 89 đại biểu của các Bộ, ngành; 262 đại biểu các đại học, học viện và trường đại học; 290 đại biểu các trường cao đẳng; 56 phóng viên các báo đài Trung ương và Hà Nội.
Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt tổng kết năm học 2009-2010 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng do Thứ trưởng Bùi Văn Ga trình bày; ý kiến phát biểu của 14 đại biểu đại diện lãnh đạo các đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng; ý kiến giải đáp các vấn đề có liên quan của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục đào tạo với nước ngoài và Cục Cơ sở vật chất, thiết bị và đồ chơi trẻ em. Đặc biệt, Hội nghị đã nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.
Trên cơ sở báo cáo tóm tắt tổng kết năm học 2009-2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và ý kiến tham luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã kết luận như sau:
1. Về Báo cáo tổng kết năm học 2009-2010
Báo cáo tổng kết năm học 2009-2010 đã phản ánh đầy đủ, toàn diện các kết quả đã đạt được, các hạn chế yếu kém trên tất cả các mặt hoạt động của giáo dục đại học trong năm học vừa qua. Đây là năm học đặc biệt, năm học đầu tiên ngành đại học đột phá vào việc đổi mới quản lý theo Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 296) và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Theo báo cáo của các trường, đã có 311 trường đã triển khai Chỉ thị 296; 245 trường công bố cam kết chất lượng đào tạo với xã hội: 218 trường đã rà soát, bổ sung chiến lược phát triển trường; 183 trường đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo.
Năm học 2009 - 2010 cũng là năm học, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành đợt giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Trong đó, Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu quan trọng của giáo dục đại học thời gian qua.
Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng còn hạn chế: chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; việc ban hành văn bản còn chậm, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao, làm giảm hiệu lực hiệu quả quản lý; tinh thần chấp hành quy định Nhà nước, tôn trọng truyền thống, đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận giáng viên còn hạn chế; các cơ quan quản lý còn thiếu uy lực trong cảnh báo, xử lý. Một số trường, một số nơi còn cố tình làm sai, vi phạm các quy định của pháp luật, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến toàn Ngành. Một số công tác đã có cố gắng triển khai, nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao; việc thực hiện 3 công khai ở các trường có bước chuyển động tích cực, nhưng phải tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm để điều chỉnh, thường xuyên cập nhật, công khai hóa thông tin để xã hội giám sát; Bộ đã có hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo, nhưng việc thực hiện ở các trường còn chậm.
2. Về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2010 - 2011
Thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học đã nêu trong báo cáo. Cần bổ sung thêm một số nhiệm vụ quan trọng sau:
2.1.Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân để cụ thể hóa vào chương trình hoạt động của Ngành và của các cơ sở giáo dục đại học.
2.2. Toàn ngành tập trung trí tuệ để xây dựng Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp thứ nhất năm 2011. Đây thực sự là cơ hội và thách thức đối với toàn Ngành. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học cả nước cùng có trách nhiệm, đóng góp công sức, trí tuệ để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch và chất lượng.
2.3. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Ưu tiên cho công tác soạn thảo và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học.
b) Triển khai việc phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục đại học quản lý tốt một số nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc có lộ trình, không đồng loạt, có phân cấp thì đồng thời cũng có thu hồi các quyền đã được phân cấp. Những cơ sở giáo dục đại học chấp hành đúng các quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, thì được phân cấp nhiều hơn và ngược lại.
c) Tiếp tục hoàn thiện quy trình mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học theo hướng nâng cao chất lượng, nâng cao điều kiện và phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng, các đơn vị thuộc Bộ tăng cường thanh tra, giám sát. Sau khi ban hành quy trình mới, đáp ứng yêu cầu thì triển khai tiếp việc giao nhiệm vụ mở ngành.
d) Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng, làm căn cứ cho việc thành lập trường, giao nhiệm vụ mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi cả nước. Vụ Giáo dục Đại học chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thống kê cơ cấu ngành nghề, chỉ tiêu tuyển sinh theo từng địa phương, vùng lãnh thổ, nhóm ngành,… trong toàn quốc.
đ) Chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết về công tác xã hội hóa và Hội nghị đào tạo nhân lực cho 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
e) Tháng 9/2010 tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm đào tạo theo Chương trình tiên tiến, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm đẩy nhanh, mở rộng việc đào tạo theo chương trình tiên tiến. Triển khai việc xây dựng sàn chất lượng đối với giáo dục đại học, cao đẳng, trước mắt, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thí điểm triển khai trước.
g) Tiếp tục khảo sát đánh giá và tổng kết 15 năm hoạt động của mô hình đại học quốc gia, đại học hai cấp, để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.
h) Làm việc với các cơ sở giáo dục đại học đại điện cho các khu vực, vùng miền, loại hình trường,… về việc thực hiện khung học phí mới, để báo cáo với Quốc hội: học phí tăng thì chất lượng đào tạo có được nâng cao tương ứng.
i) Các đơn vị thuộc Bộ cần tập hợp đầy đủ các nội dung đại biểu dự Hội nghị phản ánh, kiến nghị và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân để tổ chức thảo luận, xử lý nghiêm túc.
2.4. Đối với các cơ sở giáo dục đại học
a) Từ nay đến hết tháng 12/2010 tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải triển khai nghiêm túc Chỉ thị 296 theo đúng hướng dẫn của Bộ. Tháng 12/2010, Bộ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm toàn ngành thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012.
b) Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội đã triển khai được gần 3 năm, các trường cần tổ chức đánh giá kết quả đã đạt được, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp; đảm bảo mỗi trường có 1 ngành đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Tháng 11/2010, Bộ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội.
c) Rà soát việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, cam kết chất lượng đào tạo và xây dựng chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011 - 2015 và 2020, trong đó chú ý phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; tập trung đánh giá giảng viên trước hết đối với người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Để từ có chế độ phù hợp như nâng lương, khen thưởng,…
d) Tiếp tục thực hiện 3 công khai theo Thông tư số 09 (công khai chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng và công khai thu chi tài chính), để xã hội giám sát. Bộ định kỳ kiểm tra và đánh giá việc thực hiện 3 công khai của các trường.
đ) Các trường phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình hoạt động của trường; cần có chế tài đối với các trường không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
e) Cùng với mức học phí được điều chỉnh tăng thêm, các trường cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ việc thu, chi, tập trung tái đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2009 – 2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010 – 2011 để các cơ quan, đơn vị, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng biết và tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông báo 338/TB-BGDĐT năm 2016 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố
- 2 Nghị quyết 50/2010/QH12 thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học do Quốc hội ban hành
- 3 Chỉ thị 296/CT-TTg năm 2010 về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành