VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠi HỘI NGHỊ SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN (HSSV) THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 157/2007/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Ngày 10 tháng 3 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình Tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Chính sách xã hội và ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến kết luận như sau:
I. Về kết quả thực hiện chương trình sau 3 năm
Chương trình cho vay HSSV là chương trình có quy mô lớn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong vòng 3 năm đã có trên 2 triệu HSSV con em của gần 1,8 triệu hộ gia đình được vay vốn đi học, đem lại cơ hội học tập cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đạt mục tiêu không để HSSV đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Kết quả của chương trình trong thời gian qua khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thông qua các báo cáo tổng kết cho thấy việc tổ chức thực hiện đã bảo đảm chặt chẽ và công bằng trong lựa chọn đối tượng vay vốn, tỷ lệ bình xét sai thấp (bình quân chỉ có 2,8% số xã bình xét chưa sát đối tượng, 0,2% người vay chưa đúng đối tượng và đã được xử lý), các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích đã được xử lý thu hồi. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, tỷ lệ hoàn trả vốn vay cũng khả quan, cho thấy các gia đình và học sinh đã có ý thức tốt trong việc trả nợ để tạo nguồn vốn cho vay các năm tiếp theo.
II Về các nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả Chương trình trong thời gian tới
1. Về đối tượng vay:
a) Trong giai đoạn hiện nay chưa điều chỉnh đối tượng cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối hợp với các cơ quan liên quan có đánh giá, thống kê số đối tượng gia đình có từ hai con đi học trở lên nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để cân nhắc, xem xét kiến nghị giải pháp phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ này, dự kiến nguồn vốn cần thiết nếu bổ sung cho đối tượng này vay.
b) Về đối tượng HSSV thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh: Trước ngày 30 tháng 5 năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí và thời gian cho vay theo nguyên tắc một năm xem xét lại một lần về hoàn cảnh, thời gian cho vay đối với từng đối tượng.
2. Về nguồn vốn:
a) Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 25 tháng 2 năm 2011, trước ngày 01 tháng 4 năm 2011, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn ổn định cho cả chương trình, đảm bảo Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn vốn kịp thời cho vay trước mỗi kỳ nhập học.
b) Để thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm bổ sung về nguồn vốn cho chương trình: Trong năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với một số trường, vận động các tổ chức tài chính cùng Nhà nước tham gia thực hiện Chương trình, phấn đấu đến năm 2012, các tổ chức tài chính, tín dụng cùng tham gia vào Chương trình tín dụng đối với HSSV.
c) Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng kế hoạch cho việc huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong năm 2012 và 2013, có dự kiến trường hợp tăng mức cho vay.
3. Về mức cho vay:
Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét nghiên cứu việc điều chỉnh mức cho vay cho phù hợp với lộ trình tăng học phí, mức tăng giá cả thị trường và phân loại theo địa bàn khó khăn khác nhau.
4. Về lãi suất cho vay:
Giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay sao cho sát với lãi suất cho vay hộ nghèo, phù hợp với khả năng của người vay và để giảm một phần áp lực cấp bù từ Ngân sách Nhà nước.
5. Về nhu cầu vay để mua máy tính:
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm việc với một số tập đoàn cung máy tính, kết hợp tuyên truyền vận động các cơ quan, doanh nghiệp tặng HSSV máy tính cũ để phục vụ học tập, chậm nhất vào cuối tháng 5 năm 2011 có thông điệp chính thức về lộ trình triển khai chương trình máy tính giá rẻ cho HSSV.
6. Về công tác kiểm tra, giám sát:
Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong việc bình xét đối tượng, sử dụng khoản vay, công tác thu hồi nợ...2 lần trong một năm.
7. Về công tác thông tin, báo cáo và tuyên truyền:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, đăng tải tài liệu về Chương trình và tài liệu sơ kết 3 năm trên mạng Internet (Website "Vay vốn đi học") để phục vụ công tác tuyên truyền và tra cứu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
b) Trong tháng 3 năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương để yêu cầu các Sở giáo dục chỉ đạo các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có một buổi sinh hoạt chuyên đề với đầy đủ tài liệu để tuyên truyền về chương trình này cho các em học sinh lớp 9 và lớp 12, đảm bảo từ năm 2011, học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều biết về Chương trình cho vay này; hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp bố trí bộ phận theo dõi thực hiện Chương trình.
c) Trên cơ sở kết quả Hội nghị sơ kết 3 năm và các tài liệu liên quan, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình chuyên đề để tuyên truyền, giới thiệu về kết quả 3 năm thực hiện, nhất là những kinh nghiệm triển khai có kết quả để vận động sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội nhận ủy thác, Hội Khuyến học Việt Nam cùng tham gia, tạo thêm nhiều nguồn cung cấp thông tin về Chương trình cho toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cung cấp các thông tin và tài liệu liên quan cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện, triển khai Thông tư liên tịch về việc cung cấp thông tin cho Website "Vay vốn đi học", thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin về quá trình vay vốn và học tập của HSSV để nhà trường, đơn vị sử dụng lao động, gia đình và các em HSSV thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
đ) Trong năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước được phân loại theo địa phương, theo giới... để làm cơ sở cho việc bình xét đúng đối tượng vay vốn và các mục tiêu khác.
e) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các địa phương làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để các đối tượng học nghề có đầy đủ thông tin về chương trình, tránh để các em vì thiếu thông tin mà không vay được vốn từ Chương trình.
g) Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, công bố thông tin trên WebSite về tình hình thu nợ của các địa phương, phân loại theo đối tượng vay trước và sau khi thực hiện Quyết số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương có căn cứ rà soát đánh giá khả năng thực hiện việc thu hồi nợ đến hạn, có đề nghị khen thưởng đối với các tổ tiết kiệm vay vốn, tổ chức nhận ủy thác làm tốt công tác thu hồi nợ.
h) Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo sát nhu cầu vay vốn của từng học kỳ để có giải pháp đảm bảo nguồn vốn kịp thời.
i) Trước tháng 6 năm 2011, trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm, Ủy ban nhân dân các cấp tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện tại địa phương để báo cáo Hội đồng nhân dân đưa vào nội dung Nghị quyết phiên họp Hội đồng nhân dân giữa năm 2011 để có giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình trong thời gian tới.
k) Ủy ban nhân dân các địa phương có sáng kiến kết nối giữa nội dung cho vay đi học và giải quyết việc làm, có biện pháp trong việc giới thiệu các em đã vay, sau khi tốt nghiệp có thể về công tác tại địa phương.
8. Về việc sửa đổi, bổ sung chính sách:
Trước ngày 30 tháng 5 năm 2011, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng thu hưởng, mức vay, lãi suất và các chính sách liên quan khác để thực hiện từ năm học mới phù hợp với chuẩn nghèo mới ban hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |