Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2016 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2017 CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

Ngày 06 tháng 01 năm 2017, tại Hà Nội (Trung tâm Hội nghị quốc tế), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công Thương. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Năm 2016 vừa qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và khu vực thấp hơn so với dự báo; giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô ở mức thấp; nhiều nền kinh tế, đối tác lớn điều chỉnh chiến lược phát triển, chuyển sang bảo hộ thương mại. Tình hình Biển Đông và khu vực diễn biến phức tạp. Ở trong nước, thiên tai, rét hại rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, bão nối tiếp bão, lũ chồng lũ ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ đã gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nước ta, nhất là sản xuất và đời sống của người dân và phải tập trung nguồn lực khắc phục. Khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong suốt năm 2016 là rất lớn, khác biệt hoàn toàn so với các năm trước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 đạt những kết quả tích cực. Có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 02 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt. Môi trường kinh doanh được cải thiện (Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015). Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá. Đặc biệt, phát triển doanh nghiệp khởi sắc với trên 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký trên 891 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn; gần 27 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động; thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD; tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%).

2. Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cụ thể là:

- Công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng cao đạt 11,2% và là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp.

- Đã bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng nhất là bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao (10,2%). Đã tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện cơ bản tốt, từng bước chấn chỉnh bất cập trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

- Là Bộ đi đầu trong cải cách hành chính, đã nghiên cứu cơ cấu bộ máy hoạt động theo hướng tinh giản và hiệu quả, xây dựng được các thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động; rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm gần 30% tổng thủ tục hành chính hiện hành, triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 do Bộ quản lý tại một cửa duy nhất liên thông dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí trong sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo là điểm nhấn về cải cách thủ tục hành chính trong năm 2016 của ngành Công Thương.

- Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực; nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khu vực và trở thành một trong những nền kinh tế đang phát triển có mức độ tự do hóa thương mại cao trên thế giới. Trong bối cảnh khó khăn chung, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 8,6%, xuất siêu gần 2,7 tỷ USD, với 25 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 15 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD; có một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như máy biến áp 500 kV, dàn khoan dầu khí tự nâng, cơ khí phục vụ ngành năng lượng, điện thoại thông minh v.v...; qua đó cải thiện cán cân thanh toán củng cố tăng trưởng bền vững.

- Bước đầu thực hiện tốt Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội liên quan xử lý các dự án làm ăn thua lỗ kéo dài, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

3. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, ngành Công Thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Ngành khai khoáng giảm sút mạnh (giảm gần 6%), trong đó: sản lượng dầu thô khai thác giảm gần 10%, sản xuất than giảm 3,1%; bên cạnh đó, giá của nhiều loại khoáng sản khác cũng suy giảm khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất. Xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra (10%); xuất khẩu vào khu vực ASEAN giảm 4,7%.

- Nhiều dự án thuộc ngành Công Thương trong quá trình triển khai đầu tư, vận hành còn nhiều yếu kém, đã dẫn đến hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, có nguy cơ phá sản, mất tài sản Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Một số dự án đang triển khai bị chậm tiến độ, nhất là một số dự án điện lực làm ảnh hưởng đến bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới.

- Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và sự hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, chiến lược phát triển ô tô, quy hoạch phát triển ngành thép; một số quy hoạch phát sinh yếu tố phức tạp như quy hoạch thủy điện.

- Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm chưa được khắc phục triệt để; tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn chưa được xử lý dứt điểm, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất; diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp, gây bức xúc trong xã hội.

- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã có tiến triển song còn chậm, còn chưa hiệu quả. Bộ Công Thương quản lý nhiều doanh nghiệp lớn nhưng việc triển khai cổ phần hóa còn chậm; tỷ trọng vốn được cổ phần hóa còn rất thấp.

- Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Một số định hướng chiến lược đối với ngành Công Thương

- Phát triển ngành công nghiệp Việt Nam theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững, từ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, than đá, quặng...), chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước mắt vẫn dựa vào công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao, tài nguyên khoáng sản.

- Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương nhất là các địa phương trọng điểm trong sự nghiệp phát triển ngành Công Thương.

- Tiếp tục khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng lớn mạnh, trừ một số lĩnh vực quan trọng nhà nước cần chi phối.

2. Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,7% và các chỉ tiêu liên quan đến ngành Công Thương: Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 ÷ 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% v.v…. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra, cơ bản thống nhất với nhiệm vụ và giải pháp ngành Công Thương đã đề cho năm 2017, ngành Công Thương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

- Lãnh đạo Bộ, các Tập đoàn thuộc Bộ phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh công tác thoái vốn, cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước; tập trung hoàn thành về cơ bản trong năm 2017 việc giải quyết các dự án thua lỗ kéo dài, kém hiệu quả thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương, bảo đảm lợi ích tổng thể và lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

- Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 và đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

- Bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô như điện, than, xăng dầu, phân bón, hóa chất v.v...; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của Bộ Công Thương trong phát triển kinh tế đất nước, nhất là việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của ngành Công Thương.

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, tận dụng hiệu quả thị trường, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế.

- Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu Quốc hội giao trong năm 2017.

- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam; đổi mới toàn diện và phát huy vai trò của các Tham tán thương mại Việt Nam trong tăng cường và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đồng thời, xây dựng cơ chế phù hợp để cơ cấu lại hoạt động thương mại biên giới, tạo đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử kể cả đối với các mặt hàng nông nghiệp; tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường trong nước, triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khơi dậy lòng yêu nước trong việc lựa chọn hàng tiêu dùng trong nước sản xuất.

- Chủ động nghiên cứu xây dựng, triển khai những giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát hàng rào kỹ thuật và bảo hộ, phòng vệ thương mại hợp lý, thúc đẩy sản xuất và phát triển hệ thống phân phối trong nước theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.

- Phát huy vai trò, kinh nghiệm quan trọng của các hiệp hội ngành nghề để chia sẻ và hợp tác chặt chẽ vì sự phát triển của ngành Công Thương.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, quan trọng như công nghiệp ô tô, sản phẩm điện tử, cơ khí v.v... Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước; tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn để tạo ra một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Kết hợp mạnh mẽ công tác nghiên cứu giữa các Viện, Trường, đặc biệt đội ngũ khoa học công nghệ với các cơ sở sản xuất để tăng hàm lượng trí tuệ và trình độ khoa học công nghệ trong các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

3. Về các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trên tinh thần tháo gỡ tối đa để góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại năm 2017 và trong giai đoạn tới. Ngoài ra, theo thẩm quyền, Bộ Công Thương chủ động giải quyết, xử lý các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, không để trường hợp có kiến nghị không được giải quyết.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, KHĐT, TC;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn, TCT thuộc Bộ Công Thương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, TH, KTTH;
- Lưu: VT, CN(3). nvq

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng