Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 653/TB-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2015

 

THÔNG BÁO

TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG NĂM 2014

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo đến các ngành, các địa phương tình hình tai nạn lao động năm 2014 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong năm 2015 như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ)

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2014 trên toàn quốc đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ làm 6.941 người bị nạn trong đó:

- Số vụ TNLĐ chết người: 592 vụ

- Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 166 vụ

- Số người chết: 630 người

- Số người bị thương nặng: 1.544 người

- Nạn nhân là lao động nữ: 2.136 người

2. So sánh tình hình TNLĐ năm 2014 với năm 2013

Qua các số liệu thống kê về tình hình TNLĐ năm 2014 so với năm 2013 cho thấy số nạn nhân nữ được thống kê trong năm 2014 giảm so với năm 2013 như sau:

TT

Chỉ tiêu thống kê

Năm 2013

Năm 2014

Tăng/giảm

1

Số vụ

6.695

6.709

+14 (0,2 %)

2

Số nạn nhân

6.887

6.943

+56 (0,8 %)

3

Số vụ có người chết

562

592

+30 (5,3 %)

4

Số người chết

627

630

+3 (0,47 %)

5

Số người bị thương nặng

1.506

1.544

+38 (2,0 %)

6

Số lao động nữ

2.308

2.136

-172 (7,45 %)

7

Số vụ có 2 người bị nạn trở lên

113

166

+53 (46 %)

Bảng 1: So sánh tình hình TNLĐ năm 2014 và năm 2013

3. Tình hình TNLĐ ở các địa phương

3.1. Những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người trong năm 2014

TT

Địa phương

Số vụ

Số người bị nạn

Số vụ chết người

Số người chết

Số người bị thương nặng

1

TP. Hồ Chí Minh

1.171

1.176

100

101

205

2

TP. Hà Nội

131

132

33

34

4

3

Bình Dương

428

431

31

33

25

4

Quảng Ninh

462

468

31

36

262

5

Hải Dương

105

105

23

23

59

6

Thanh Hóa

50

57

21

23

34

7

Đồng Nai

1.462

1.550

20

20

183

8

Lai Châu

22

31

19

19

1

9

Long An

166

166

17

17

17

10

Lâm Đồng

26

37

16

16

21

Bảng 2: 10 địa phương xảy ra vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất năm 2014

Các địa phương trên có tổng số người chết vì tai nạn lao động chiếm 51% tổng số người chết vì TNLĐ trên toàn quốc.

3.2. So sánh TNLĐ tại 10 địa phương để xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất năm 2014

Theo số liệu báo cáo, Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ TNLĐ nhiều nhất, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ TNLĐ chết người cao nhất cả nước:

TT

Địa phương

Số vụ

Số vụ chết người

Số người chết

2013

2014

Tăng/ giảm

2013

2014

Tăng/ giảm

2013

2014

Tăng/ giảm

1

TP. Hồ Chí Minh

822

1.171

+ 349

90

100

+ 10

92

101

+ 9

2

TP. Hà Nội

126

131

+ 5

35

33

- 2

44

34

- 10

3

Bình Dương

621

428

- 193

27

31

+ 4

27

33

+ 6

4

Quảng Ninh

528

462

- 66

32

31

- 1

36

36

0

5

Hải Dương

75

105

+ 30

9

23

+ 14

12

23

+ 9

6

Thanh Hóa

44

50

+ 6

17

21

+ 4

21

23

+ 2

7

Đồng Nai

1.690

1.462

- 228

26

20

- 6

26

20

- 6

8

Lai Châu

12

22

+ 10

10

19

+ 9

10

19

+ 9

9

Long An

72

166

+ 94

8

17

+ 9

9

17

+ 8

10

Lâm Đồng

8

26

+ 18

2

16

+ 14

8

16

+ 8

Bảng 3: So sánh tình hình TNLĐ năm 2014 với năm 2013 của 10 địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất

4. Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2014

- Vụ tai nạn cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/01/2014 làm 06 người chết và 01 người bị thương - nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

- Vụ tai nạn ngạt khí xảy ra vào 10g30 ngày 11/4/2014 làm 03 người chết và 03 người bị thương tại công ty cổ phần Vĩnh Phát, Khu Công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Vụ tai nạn đá lăn xảy ra vào 13g30 ngày 23/4/2014 làm 02 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 125- Cencol, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

- Vụ tai nạn lao động sập cẩu xảy ra vào 7g30, ngày 09/7/2014 làm chết 2 người và bị thương 4 người tại công trường thi công Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (gói thầu EX 10, nhà thầu phụ là Công ty cổ phần cầu 12), thuộc địa bàn phường Hải Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.

- Vụ tai nạn lao động sụp đổ xảy ra vào 08g00, ngày 27/7/2014 làm 03 người chết và 02 người bị thương tại công trình Bể chứa nước tinh khiết thuộc nhà máy xử lý nước sạch Formusa, Hà Tĩnh.

- Vụ tai nạn lao động sạt lở, đá trượt xảy ra vào 18g00, ngày 01/8/2014 làm chết 05 người tại khu vực mỏ đá A Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Kiên Giang.

- Vụ tai nạn lao động do ngạt khí xảy ra vào 09g30 phút ngày 11/8/2014 làm 01 người chết và 04 người bị thương tại Hầm phụ thi công số 3, hạng mục Hầm áp lực dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Chu Linh - Cốc San tại thôn Chu Can Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, Tỉnh Lào Cai.

- Vụ tai nạn lao động do nổ hóa chất xảy ra vào 15g30 ngày 17/10/2014 làm 03 người chết tại công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Đặng Huỳnh, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

II. PHÂN TÍCH CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG TỪ CÁC BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2014 trong khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 592 vụ tai nạn lao động chết người, nhưng đến ngày 05 tháng 02 năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới nhận được 202 biên bản điều tra (224 người chết). Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có một số đánh giá như sau:

1. Tình hình tai nạn lao động chết người theo loại hình cơ sở sản xuất (Phân tích từ 202 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người)

- Loại hình công ty TNHH chiếm 35,6% số vụ tai nạn chết người và 35,7% số người chết;

- Loại hình công ty cổ phần chiếm 29,4% số vụ tai nạn chết người và 29,9% số người chết;

- Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 15,8% số vụ tai nạn và 16,2% số người chết;

- Loại hình doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 11,3 % số vụ tai nạn và 10,8% số người chết;

- Loại hình công ty liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài chiếm 3,1% số vụ tai nạn và 3,6% số người chết.

2. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người (Phân tích từ 202 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người)

- Lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết;

- Lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 11% tổng số vụ và 12% tổng số người chết;

- Lĩnh vực dịch vụ chiếm 9,4% tổng số vụ và 8,5% tổng số người chết;

- Lĩnh vực cơ khí chế tạo chiếm 5,5 % tổng số vụ và 5,8% tổng số người chết;

- Lĩnh vực dệt may, da giày chiếm 4,9% tổng số vụ và 4,5% tổng số người chết.

3. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất (Phân tích từ 202 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người)

- Ngã từ trên cao chiếm 30,7% tổng số vụ và 30,8% tổng số người chết;

- Điện giật chiếm 23,8% tổng số vụ và 21,8% tổng số người chết;

- Vật rơi, đổ sập chiếm 14,9% tổng số vụ và 14,7% tổng số người chết;

- Tai nạn giao thông chiếm 12% tổng số vụ và 12% tổng số người chết;

- Máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn chiếm 7,9% tổng số vụ và 7,2% tổng số người chết;

- Vật văng bắn chiếm 3,5% tổng số vụ và 3,1% tổng số người chết;

- Ngạt khí chiếm 3% tổng số vụ và 5,8% tổng số người chết.

4. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người (Phân tích từ 202 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người)

* Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 72,7%, cụ thể:

- Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 26,7% tổng số vụ;

- Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 18,3% tổng số vụ;

- Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ;

- Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 12,3% tổng số vụ;

- Do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4%.

* Nguyên nhân người lao động chiếm 13,4%, cụ thể:

- Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 11,9% tổng số vụ;

- Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,5% tổng số vụ;

Còn lại 13,9% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.

5. Xử lý trách nhiệm đối với vụ tai nạn lao động

Năm 2014, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 03 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân có liên quan, trong đó có 02 vụ đã khởi tố, cụ thể:

- Vụ tai nạn do cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/01/2014 làm 06 người chết và 01 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 54/QĐ-PC45 ngày 18/6/2014 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về an toàn lao động”, hiện vẫn đang tiếp tục điều tra, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Vụ tai nạn lao động do nổ xảy ra vào 15g30 ngày 17/10/2014 làm 03 người chết tại công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Đặng Huỳnh, Phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra - Công an Thanh phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 560-01 ngày 12/11/2014 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người” và Quyết định số 1003-50 ngày 12/11/2014 khởi tố bị can Huỳnh Văn Hải (Giám đốc công ty) về tội "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người” theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tình hình TNLĐ năm 2014 so với năm 2013

Năm 2014, số nạn nhân là lao động nữ giảm 128 người (giảm 7,45%), số vụ TNLĐ tăng 14 vụ (tăng 0,2%), tổng số nạn nhân tăng 56 người (tăng 0,8%), số người chết tăng 3 người (tăng 0,47%), số vụ có người chết tăng 30 vụ (tăng 5,3%). Đặc biệt số người bị thương nặng và số vụ có từ 02 nạn nhân trở lên tăng lần lượt là 2,0% và 46% (chi tiết tại Bảng 1 nêu trên). Thành phố Hồ Chí Minh có số vụ tai nạn lao động năm 2014 tăng so với năm 2013 là 42%.

2. Tình hình điều tra tai nạn lao động

Đa số các vụ tai nạn lao động có khai báo đã được điều tra đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế. Tuy nhiên nhiều địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; số biên bản nhận được chỉ chiếm 34% tổng số vụ TNLĐ chết người. Do sự phối hợp chưa tốt trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC ngày 12/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nên tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người vẫn còn rất chậm so với quy định.

Trong năm 2014, một số địa phương đã tiến hành điều tra tai nạn lao động và báo cáo về Bộ khẩn trương, kịp thời như: thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương; trong đó tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, Lào Cai là những địa phương thực hiện tốt nhất chế độ báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Chất lượng báo cáo tai nạn lao động năm 2014

Nhiều địa phương đã thực hiện việc báo cáo tình hình tai nạn lao động theo đúng mẫu và thời gian quy định tại Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế. Nhiều địa phương không có “Báo cáo TNLĐ theo loại hình doanh nghiệp, nghề nghiệp” hoặc số liệu báo cáo không đầy đủ, không đúng biểu mẫu quy định. Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương đã cải thiện so với những năm trước tuy nhiên vẫn còn thấp, đặc biệt thành phố Cần Thơ theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh trên địa bàn có tổng số 5.769 doanh nghiệp nhưng chỉ có 01 doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động.

Theo số liệu báo cáo trong năm 2014 có 19.780/269.554 (ước tính 6,9%) doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động, (năm 2013 là 19.818/375.000 doanh nghiệp). Do vậy, gây khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc. Đề nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương kiên quyết xử phạt các doanh nghiệp không báo cáo định kỳ về tai nạn lao động theo quy định của Chính phủ.

4. Thiệt hại về vật chất

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2014 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là 90,78 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 7,76 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 80.944 ngày.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN THỰC HIỆN NĂM 2015

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong năm 2014, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:

1. Các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện và làm việc trong không gian hạn chế.

2. Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ tai nạn lao động để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động cũng như có biện pháp khắc phục những sai phạm.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức của các Bộ, ngành, địa phương để chủ động thông tin tuyên truyền về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động, nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tăng cường tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn và phương án xử lý sự cố và ứng cứu khẩn cấp.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc việc điều tra, báo cáo TNLĐ, sự cố nghiêm trọng theo quy định. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp không khai báo, báo cáo TNLĐ.

6. Các tổ chức người sử dụng lao động vận động hội viên quan tâm thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động; chủ động xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn và phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp.

7. Công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động tuân thủ nội quy, quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động lao động, cảnh giác phát hiện những nguy cơ về tai nạn lao động, sự cố để kịp thời thông báo đến người có trách nhiệm để có biện pháp xử lý kịp thời.

8. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015 nhằm đạt các mục tiêu của Chương trình Quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; CQ thuộc CP;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam;
- UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố;
- Các đồng chí Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, Cục ATLĐ (10 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Doãn Mậu Diệp