ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/TB-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 4 năm 1985 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THƯỜNG TRỰC UBND THÀNH PHỐ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG THỦY HẢI SẢN XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Ngày 26 tháng 3 năm 1985, đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Võ Danh thay mặt thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì cuộc họp về công tác quản lý thị thường mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu trên địa bàn thành phố. Tham dự cuộc họp có đại diện: Sở Thủy sản, Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố, Ban Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố (Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế).
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình thị trường thủy hải sản xuất khẩu trên địa bàn thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau:
I.- Thời gian qua, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ văn Kiệt đã có chủ trương thống nhất giá mua tôm xuất khẩu trên khu vực các tỉnh phía Nam. Nhưng do tình hình các tỉnh thiếu tiền mặt thu mua, nên lượng tôm, mực vẫn còn tiếp tục về thành phố và một số xí nghiệp trung ương, các đơn vị của tỉnh đóng trên địa bàn thành phố thậm chí một số đơn vị không có chức năng cũng tổ chức thu mua với giá ngày càng tăng. Vì vậy thành phố cần có biện pháp quản lý thống nhất thị trường các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng cạnh tranh, nâng giá làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
II.- Để xác lập trật tự thị trường và quản lý lượng hàng thủy hải sản về thành phố trên cơ sở chọn lọc đưa đi xuất khẩu và điều hòa tiêu thụ nội địa, Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố chủ trương:
1. Giao Sở Thủy sản thành phố cử một đồng chí Phó Giám đốc làm Trưởng Ban chỉ đạo công tác quản lý thị trường thủy hải sản trên địa bàn thành phố (thay vì trước đây phân công cho Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố). Ban chỉ đạo này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố với sự tham gia các thành viên của các đơn vị sau:
- Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố.
- Văn phòng UBND Thành phố (đ/c Lê Huỳnh).
- Ủy ban Vật giá thành phố.
- Ban Quản lý thị trường thành phố.
- Công an thành phố (cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế)
- Ngân hàng thành phố.
- Đại diện UBND các Quận, Huyện trọng điểm được phân công quản lý địa bàn.
2. a) Ban chỉ đạo quản lý mặt hàng thủy hải sản trên địa bàn thành phố có trách nhiệm phân công các quận, huyện (có cửa ngõ ra vào thành phố và có chợ đầu mối lớn như: huyện Thủ đức, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 1, quận 5, quận 6, quận 8) tổ chức quản lý và thu mua các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu (tôm, mực…) để giao nguyên liệu cho các xí nghiệp đông lạnh thành phố chế biến xuất khẩu theo sự chỉ định và điều hòa của Ban chỉ đạo. Với số ngoại tệ thu được từ số hàng thủy hải sản xuất khẩu này, Ban chỉ đạo giải quyết và cân đối quyền lợi (quyền sử dụng ngoại tệ) cho các quận, huyện và các xí nghiệp đông lạnh tham gia một cách thỏa đáng và có khuyến khích.
b) Các quận, huyện được phân công tổ chức quản lý địa bàn các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu cần thành lập ngay tiểu Ban chỉ đạo công tác này của quận huyện do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện (phụ trách về tài mậu) làm Trưởng ban với các thành phần: Giám đốc Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận, huyện, đại diện xí nghiệp đông lạnh được phân công nhận nguyên liệu… theo đó Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận huyện là đơn vị kinh tế, hành chánh đứng ra tổ chức quản lý và thu mua các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu tại địa bàn quận, huyện.
Các quận, huyện và các cơ quan khác không được phân công quản lý và thu mua các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu đều phải ngừng các hoạt động thu mua các mặt hàng này và chuyển giao cho các thương lái cho các quận, huyện được phân công để tổ chức quản lý và thu mua.
3. Về công tác cải tạo thương lái các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu nhằm sử dụng tiền vốn, tay nghề, phương tiện của các thương lái, các quận, huyện được phân công có trách nhiệm triển khai công tác đăng ký hành nghề của các thương lái, phổ biến quy chế hợp tác hoạt động với Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận huyện (do Ban chỉ đạo nói trên của thành phố hướng dẫn) trong đó nêu rõ: các quyền lợi, các nguyên tắc cần tuân thủ để họ ký kết hợp đồng hoạt động với Công ty cung ứng quận, huyện.
Khi đăng ký, các quận huyện cấp giấy hành nghề cho họ (mỗi thương lái chỉ được đăng ký tại 1 quận, huyện) và quận huyện lập danh sách phân loại ra:
- Thương lái đầu đàn hiện ở thành phố.
- Thương lái đường dài ở các tỉnh.
- Các tiểu thương chân rết.
Bảng danh sách phân loại thương lái, các Tiểu ban ở quận huyện cần gửi đến: Ban chỉ đạo nói trên của thành phố, Ban Quản lý thị trường thành phố và Công an thành phố (Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế) để kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động của các thương lái.
Đối với thương lái không đăng ký hành nghề hoặc mới hành nghề sau này, còn ngoan cố không chấp hành công tác cải tạo và quản lý của thành phố, Công an thành phố (Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế) và Ban Quản lý thị trường thành phố cần triển khai các biện pháp hành chánh một cách kiên quyết để đưa các thương lái vào con đường làm ăn ngay thẳng với Nhà nước.
Về chính sách thuế đối với thương lái: để giảm bớt giá mua, giao Ban chỉ đạo của thành phố làm việc với Sở Tài chánh về chính sách thuế đối với các mặt hàng thủy hải sản, nếu ở tỉnh đã thu, thành phố cho miễn thuế, nếu chưa đóng ở gốc thì đơn vị thu mua phải nộp thuế 1 lần với tỷ lệ 2% giá mua tại xí nghiệp. Ngoài ra, những người đăng ký hành nghề tại thành phố được hưởng lãi 2% mỗi ký lô tôm còn phải đóng thuế lợi tức theo biểu thuế áp dụng ngành thương nghiệp.
4.- Các đơn vị đông lạnh của Trung ương, các đơn vị xuất nhập khẩu các tỉnh bạn đóng trên địa bàn thành phố đều phải chấm dứt các hoạt động thu mua các mặt hàng thủy hải sản trên địa bàn thành phố. Giao đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo công tác này của thành phố báo cáo vấn đề này với bộ Hải sản để chỉ đạo các xí nghiệp của Bộ đóng tại thành phố ngừng tổ chức thu mua và giao các mối lái lại cho các quận huyện thành phố nếu có.
5.- Về giá cả : đưa vào khung giá thu mua tôm được Hội đồng Bộ trưởng cho phép, đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo công tác này của thành phố cần bàn với Bộ Hải sản xin hướng dẫn giá mua tại thành phố cho phù hợp với tình hình, đồng thời phối hợp cùng Ủy ban Vật giá thành phố nghiên cứu, đề xuất với Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố duyệt khung giá mua các mặt hàng tôm, mực xuất khẩu trên địa bàn thành phố, trên cơ sở là tuyệt đối không đẩy giá, thu hút hàng các tỉnh; định giá mua hợp lý có thể chấp nhận được.
Bảng khung giá cần được xác định bình quân cho 3 loại tôm: tôm càng, tôm thẻ loại 1, 2 và tôm thẻ loại 3, 4, 5, 6 và không được vượt quá tỉ giá bình quân là 200đ/1USD.
6.- Ban quản lý thị trường, Công an thành phố (Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế) cần phân công bộ phận chuyên trách theo dõi mặt hàng tôm, mực xuất khẩu để:
- Thực hiện các biện pháp hành chính đối với các thương lái còn ngoan cố không đi vào con đường hợp tác làm ăn ngay thẳng với Nhà nước.
- Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các thương lái đã đăng ký hành nghề.
- Đấu tranh với các đơn vị, xí nghiệp của Trung ương, các tỉnh không chấp hành công tác quản lý nói trên của thành phố.
8.- Ngân hàng thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các Ngân hàng quận, huyện ưu tiên đáp ứng nhu cầu tiền mặt mua tôm, mực xuất khẩu cho các Công ty cung ứng hàng xuất khẩu các quận huyện được phân công một cách kịp thời. Các xí nghiệp đông lạnh của thành phố hỗ trợ hàng hóa và kỹ thuật để các Công ty cung ứng quận, huyện thực hiện tốt công tác quản lý và thu mua.
9.- Về tổ chức thực hiện :
a) Trưởng Ban chỉ đạo quản lý thủy hải sản của thành phố có trách nhiệm:
- Phối hợp Ban Cải tạo thành phố (đ/c Sáu Tùng) nghiên cứu dự thảo quy chế quản lý, sử dụng cải tạo thương lái mặt hàng thủy hải sản, trình Thường trực Ủy ban duyệt để hướng dẫn các quận huyện thực hiện.
- Họp với Bộ Hải sản và các xí nghiệp của Bộ để xin ý kiến về việc thành phố triển khai công tác nói trên và báo cáo kết quả cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
- Họp với các quận huyện được phân công và các xí nghiệp đông lạnh của thành phố để triển khai công tác và phân công hoạt động.
- Trước mắt, thường kỳ họp các thành viên Ban chỉ đạo 1 tuần (2 lần): nắm tình hình, lập kế hoạch công tác, phối hợp hoạt động để sớm đưa công tác quản lý của thành phố vào nề nếp.
b) Ban quản lý thị trường, Công an thành phố (Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế) sớm báo cáo các vụ vi phạm quản lý thị trường trong thời gian qua để Văn phòng Ủy ban (đ/c Lê Huỳnh) tập hợp trình Thường trực Ủy ban xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy).
c) Giao Văn phòng UBND Thành phố (Tài mậu) phối hợp cùng Ban cải tạo thành phố (anh Sáu Tùng), Ban quản lý thị trường thành phố nghiên cứu trình Thường trực Ủy ban dự thảo về công tác quản lý thị trường thành phố để chỉ đạo công tác này cho phù hợp với tình hình hiện nay của thành phố.
Thừa lệnh, Thường trực UBND Thành phố, văn phòng xin thông báo các ý kiến chỉ đạo nói trên để các cơ quan chức năng và quận huyện thành phố tổ chức thực hiện.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh