VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM.
Ngày 13 tháng 02 năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện phát triển lưới điện Thông minh tại Việt Nam. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương và EVN. Sau khi nghe EVN và Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến các đại biểu tham dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
1. Từ cuối năm 2012, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai thực hiện. Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam (Ban Chỉ đạo), gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, đơn vị điện lực để chỉ đạo triển khai thực hiện. Kết quả, đến cuối năm 2013: nhiều nhà máy điện, trạm biến áp 500 kV, 220 kV và 110 kV đã được kết nối SCADA về Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia; Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cũng đã được kết nối với hầu hết các nhà máy điện và nhiều trạm biến áp truyền tải; các dự án SCADA, miniSCADA đang được triển khai sẽ góp phần nâng cao khả năng điều hành hệ thống điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực.
Một số dự án về phát triển lưới điện thông minh cũng đang được các đơn vị trong EVN nghiên cứu, thử nghiệm, trước khi xem xét, ứng dụng rộng rãi, bao gồm: Dự án thử nghiệm Hệ thống đo đếm tiên tiến (AMI); Dự án thử nghiệm tích hợp các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo và Dự án thí điểm trạm biến áp, nhà máy điện điều khiển xa,...
Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, các đơn vị liên quan và các kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện vẫn còn một số tồn tại và bộc lộ một số hạn chế, như: Còn nhiều nhà máy điện, trạm biến áp truyền tải chưa kết nối SCADA và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; nhiều trạm biến áp, nhà máy thiếu tín hiệu hoặc mất kết nối chưa được khắc phục kịp thời. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2013 thiết lập hoàn chỉnh hệ thống thu thập số liệu, giám sát điều khiển SCADA, hệ thống đo đếm từ xa tới toàn bộ các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW, các trạm biến áp từ 110 kV trở lên trong hệ thống điện vẫn chưa thực hiện được. Các đường truyền phục vụ cho vận hành, bảo vệ hệ thống điện còn yếu, thiếu linh hoạt; việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật liên quan tới phát triển lưới điện thông minh chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Các hạn chế trên, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm an ninh, an toàn cung cấp điện trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện Hệ thống điện của Việt Nam đã có quy mô tương đối lớn và sẽ được phát triển nhanh trong thời gian tới.
2. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, từ năm 2015 chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh, từ năm 2021 chuyển sang thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; như vậy, thời gian để tái cơ cấu EVN không còn dài. Lộ trình phát triển lưới điện thông minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện, nếu lưới điện thông minh không phát triển đúng theo lộ trình đã đề ra, quá trình phát triển thị trường điện cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, trong thời gian tới cần khẩn trương tập trung nguồn lực để thực hiện, không chỉ tập trung vào các dự án thí điểm mà cần làm đồng bộ, trên diện rộng, trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh bán điện đến lĩnh vực dịch vụ, phụ trợ ngành điện; việc triển khai cần khẩn trương, nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững và hiệu quả.
Để quá trình phát triển lưới điện thông minh theo đúng tiến độ được phê duyệt, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
a) Bộ Công Thương:
- Tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của ngành điện lực Việt Nam. Ban hành các tiêu chí cần phải đạt được tại một số mốc thời gian (năm 2015, 2020,...) về: chất lượng điện năng (tần số, điện áp, sóng hài, mức nhấp nháy điện áp, dao động điện áp,…) chất lượng dịch vụ cung cấp điện (các chỉ số SAIDI, SAIFI, MAIFI,...); các chỉ tiêu kỹ thuật (tổn thất, tự dùng, suất tiêu hao nhiên liệu,...); năng suất lao động (người/MW, người/triệu kWh,…),…. Đề ra mục tiêu rút ngắn và từng bước đuổi kịp trình độ của các nước có ngành điện phát triển trong khu vực và trên thế giới.
- Trên cơ sở các tiêu chí đề ra, Ban Chỉ đạo cần công bố cho các khách hàng sử dụng điện biết, tổ chức tuyên truyền để người dân, các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích thu được, từ đó tích cực hợp tác để đẩy nhanh quá trình phát triển lưới điện thông minh.
- Trên cơ sở lộ trình, mục tiêu phát triển lưới điện thông minh ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Chỉ đạo cần lập chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Ban Chỉ đạo cần tổ chức họp thường xuyên để thảo luận về các đề án, dự án; tổ chức đi kiểm tra thực tế để xem xét, chỉ đạo kịp thời.
- Hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, bao gồm các đề án sau: Nghiên cứu phát triển hệ thống SCADA trong hệ thống điện Việt Nam; Nghiên cứu phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; Nghiên cứu mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực.
- Khẩn trương phê duyệt hoặc thông qua việc bổ sung, sửa đổi các quy định, quy trình, quy phạm,... áp dụng cho các công trình điện áp dụng công nghệ mới (hệ thống tự động hóa, điều khiển từ xa đối với trạm biến áp và nhà máy điện; vận hành và xử lý sự cố đối với trạm biến áp và nhà máy điện điều khiển từ xa, trạm biến áp không người trực,….), tạo cơ sở pháp lý khi đưa các công trình này vào vận hành.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính cho phát triển lưới điện thông minh và cơ chế tài chính khuyến khích đối với khách hàng tham gia chương trình quản lý phụ tải.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn vốn tài trợ của các nước và các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho lưới điện thông minh.
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để sử dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học liên quan vào phát triển lưới điện thông minh.
b) Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, bao gồm các đề án: nghiên cứu phát triển hệ thống SCADA trong hệ thống điện Việt Nam; nghiên cứu phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; nghiên cứu mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực. Tập đoàn báo cáo Ban Chỉ đạo Lưới điện Thông minh thông qua Đề án tổng thể trước khi phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện.
- Trong khi chờ đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo các công việc đang triển khai, trong đó lưu ý:
+ Khẩn trương triển khai Hệ thống SCADA cho Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền (dự án NEW SCADA) và dự án Nâng cấp hệ thống SCADA của Trung tâm điều độ tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
+ Nghiên cứu phương án thuê công tơ điện tử để áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện, trong đó có khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, để có thể sử dụng rộng rãi biểu giá bán điện theo thời gian (TOU).
+ Về dự án thử nghiệm hệ thống cơ sở hạ tầng đo đếm tiên tiến (AMI-Advanced Metering Infrastructure) tại một số khách hàng lớn của EVNHCMC để thực hiện chương trình quản lý phụ tải: Tập đoàn cần cân nhắc, lựa chọn các tiêu chí hệ thống AMI, báo cáo Ban Chỉ đạo Lưới điện Thông minh để có hướng dẫn về lộ trình áp dụng, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí khi đưa vào những chức năng chưa cần thiết.
- Phát triển hệ thống đường truyền và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều độ, vận hành và bảo vệ hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu vận hành tin cậy, linh hoạt, bảo đảm an ninh, an toàn cung cấp điện.
- Về triển khai dự án thí điểm xây dựng trạm biến áp không người trực tại Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực: cần nghiên cứu kết hợp, bố trí Trung tâm điều khiển xa trong một trạm biến áp hiện có hoặc dự kiến xây dựng, bảo đảm thuận tiện trong việc thao tác, vận hành các trạm biến áp không người trực và tiết kiệm chi phí.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |