ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/TB-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 7 năm 1987 |
THÔNG BÁO
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 157/QĐ VÀ CHỈ THỊ SỐ 21/CT CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI
Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban Kinh tế đối ngoại của thành phố (số 157/QĐ-UB ngày 08-6-1987), đồng thời lại có chỉ thị về việc tổ chức triển khai hoạt động của Ban Kinh tế đối ngoại (số 21/CT-UB ngày 11-6-1987). Nay Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố thấy cần xác định rõ mối quan hệ giữa Ban Kinh tế đối ngoại với một số ban ngành tổng hợp và cơ sở để tạo được các quan hệ công tác gắn bó, phối hợp hài hòa, tránh trùng dẫm, phát huy được tính chủ động sáng tạo của cơ sở và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh sản xuất, đồng thời cũng bảo đảm được việc quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ, linh hoạt. Cụ thể như sau :
1) Mối quan hệ giữa Ban Kinh tế đối ngoại với Ủy ban Kế hoạch thành phố:
a) Căn cứ các chỉ tiêu về kế hoạch kinh tế-xã hội hàng năm của thành phố đã được Ủy ban nhân dân thành phố chánh thức ban hành, Ban Kinh tế đối ngoại chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Kế hoạch thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan để hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực kinh tế đối ngoại trực thược Ủy ban nhân dân thành phố lập chương trình, dự án về kết hoạch hàng năm, về hoạt động kinh tế và kỹ thuật đối ngoại. Như vậy là :
- Ủy ban Kế hoạch thành phố chịu trách nhiêm giao sổ kiểm tra kế hoạch hàng năm cho các đơn vị kế hoạch thuộc khối Kinh tế đối ngoại. Ban Kinh tế đối ngoại sẽ cùng các đơn vị này bàn việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị. Ban Kinh tế đối ngoại chịu trách nhiệm tổng hợp chung kế hoạch kinh tế đối ngoại hàng năm và kế hoạch kinh tế đối ngoại dài hạn của thành phố.
- Ban Kinh tế đối ngoại cùng Ủy ban Kế hoạch theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và kiến nghị việc bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu này (nếu có).
- Tất cả các chỉ tiêu xuất nhập khẩu không ghi trong kế hoạch năm đã được duyệt, cơ quan chủ quản cấp thành phố muốn được xuất nhập phải bàn với Ban Kinh tế đối ngoại để Ban trao đổi ý kiến với cơ quan chức năng, kiến nghị Thường trực Ủy ban xét quyết định.
- Đối với các chương trình, dự án đầu tư liên doanh liên kết thuộc lĩnh vực kinh tế đối ngoại của đơn vị cơ sở cấp thành hoặc của quận, huyện, với quy mô đầu tư từ dưới 1 triệu đô-la Mỹ, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm cho Ban Kinh tế đối ngoại xét duyệt. Vốn đầu tư từ 1 triệu đô-la Mỹ trở lên do Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố sẽ thành lập Hội đồng thẩm định các phương án đầu tư vốn nước ngoài chuyên xét về mặt hiệu quả kinh tế và khả năng tái tạo ngoại tệ trả nợ vay của từng phương án. Ban Kinh tế đối ngoại, Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh, Trung tâm phát triển xuất khẩu, Tổng Công ty xuất nhập khẩu và một số cơ quan liên quan sẽ là nòng cốt của Hội đồng này. Hội đồng này sẽ quan hệ chặt chẽ với Hội đồng thẩm tra về mặt xây dựng cơ bản các phương án đầu tư.
2) Mối quan hệ với Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố và các đơn vị kinh doanh thành phố như Công ty Du lịch, Công ty Cung ứng tàu biển, Công ty Dịch vụ Việt kiều và xuất khẩu tại chỗ, các công ty khác, các quận huyện :
a) Căn cứ thông báo số 12/TB ngày / /1983 của Thường vụ Thành ủy, Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (IMEXCO) là đầu mới tập trung về kinh doanh xuất nhập khẩu của thành phố; Ban Kinh tế đối ngoại có nhiệm vụ giúp đỡ Tổng Công ty thực hiện tốt chức năng này.
b) Các đơn vị kinh doanh cơ sở cấp thành và cung ứng xuất khẩu các quận, huyện được quyền chủ động hoàn toàn đối với các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh nghiệp vụ, kinh doanh tạo ngườn hàng cung ứng cho xuất khẩu và chịu sự kiểm ra, kiểm soát của Ban Kinh tế đối ngoại là cơ quan chức năng giúp ủy ban nhân dân thành phố trong lĩnh vực này. Trong mối quan hệ, Ban Kinh tế đối ngọai không can thiệp vào các hoạt động kinh doanh cụ thể của các đơn vị kinh tế cơ sở. Trường hợp Ban phát hiện thấy hoạt động kinh doanh của đơn vị cơ sở không phù hợp với chủ trương, chánh sách, nhiệm vụ phương hướng chung và kế hoạch không bảo đảm hiệu quả kinh tế thì Ban cần trực tiếp góp ý kiến với đơn vị kinh doanh cơ sở.
c) Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố phải đảm bảo thực hiện chánh sách thương nhân, thị trường, xác định hiệu quả kinh doanh từng thời kỳ (tối thiểu là hàng quý) thông báo cho Ban Kinh tế đối ngoại. Ban chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân về việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để Tổng Công ty kinh doanh đúng chánh sách thương nhân, thị trường và có hiệu quả kinh tế.
d) Các đơn vị kinh doanh đã được Thường trực Ủy ban chấp thuận cho giao dịch trực tiếp với Công ty nước ngoài để bàn về các phương án liên doanh liên kết kinh tế, nhận vốn đầu tư, cần thông quan nội dung đàm phán và hợp đồng ký kết vơi Ban Kinh tế đối ngoại là cơ quan được Thường trực Ủy ban ủy quyền xem xét thẩm định. Nếu người nước ngoài yêu cầu cơ quan chánh quyền thành phố phê duyệt xác nhận các hợp đồng thì Ban Kinh tế đối ngoại được Thường trực Ủy ban ủy nhiệm xem xét phê duyệt.
đ) Ban Kinh tế đối ngoại theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Tổng Công ty xuất nhập khẩu hoạt động xuất nhập khẩu theo đúng kế hoạch đặc biệt là việc nhập nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất. Căn cứ các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu đã được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt. các hợp đồng của Tổng công ty (gồm cả các đơn vị trực thuộc) ký với thương nhân nước ngoài về kinh doanh xuất nhập khẩu đều không phải thông qua Ban Kinh tế đối ngoại.
e) Ban Kinh tế đối ngoại xem xét và quyết định việc cho các công ty cung ứng hàng xuất khẩu của quận, huyện, các sở ngành được ủy thác xuất và nhập cho các đơn vị ngoại thương khác, nếu xét Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố không đủ điều kiện đảm nhiệm Các hợp đồng về ủy thác xuất nhập khẩu nói trên sẽ do Ban Kinh tế đối ngoại xét duyệt.
f) Ban Kinh tế đối ngoại được Thường trực Ủy ban ủy nhiệm xem xét việc cử các đoàn của thành phố đi giao dịch về kinh tế đối ngoại, hoặc một số lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực kinh tế đối ngoại do Thường trực Ủy ban giao trách nhiệm nghiên cứu nêu ý kiến, chịu trách nhiệm đề xuất thành phần đi, thời hạn đi, nhiệm vụ nội dung đàm phán ; kiến nghị với Thường trực Ủy ban và Thường trực Thành ủy để lãnh đạo cấp trên quyết định chủ trương.
g) Ban Kinh tế đối ngoại được Thường trực Ủy ban ủy nhiệm xem xét việc cho mời các đoàn thương nhân nước ngoài vào thành phố trên cơ sở đề nghị của các đơn vị kinh doanh cơ sở được ngành chủ quản hoặc lãnh đạo quận, huyện thông qua. Đối với các đoàn khác ngoài lĩnh vực kinh tế đối ngoại sẽ do Thường trực Ủy ban giao trách nhiệm, và trên cơ sở đó Ban KTĐN sẽ xem xét đề xuất ý kiến Ban Kinh tế đối ngoại sẽ trực tiệp với các cơ quan chức năng như Ngoại vụ, Công an đề xuất nghiên cứu giải quyết chu đáo việc cho các đoàn khách vào thành phố.
3) Mối quan hệ với Ủy ban Vật giá thành phố :
- Ban Kinh tế đối ngoại có nhiệm vụ trao đổi với Ủy ban Vật giá, trong khuôn khổ Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền, xét và giải quyết các mức giá về bán hàng nhập và mua hàng xuất ; cũng như giá bán hàng của cửa hàng Intershop, giá bán hàng cho các Việt kiều.
Các mức giá nói trên đều phải tuân thủ chánh sách giá của Trung ương và Thành phố đã quy định.
- Ban có nhiệm vụ cùng Ủy ban Vật giá, kiểm tra tất cả các đơn vị kinh tế của thành phố và quận, huyện trong việc chấp hành chế độ giá về hàng xuất và hàng nhập. Việc xử lý các hành vi vi phạm luật lệ về giá thuộc cơ quan chức năng.
4) Mối quan hệ với Sở Tài chánh :
- Sở Tài chánh là cơ quan chức năng giám đốc các đơn vị kinh tế cơ sở chấp hành các luật lệ về tài chánh của Nhà nước và thành phố.
Ban Kinh tế đối ngoại có nhiệm vụ phối hợp và giúp Sở Tài chánh thực hiện chức năng của mình đối với các đơn vị có liên quan đến kinh tế đối ngoại.
- Sở Tài chánh được Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của thành phố (TK 9946). Ban Kinh tế đối ngoại phối hợp với Sở Tài chánh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các nơi có nghĩa vụ đóng góp cũng như việc chi xuất ngoại tệ của tài khoảng 9946 đúng chủ trương và các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố. Việc chi ngoại tệ của thành phố, về nguyên tắc Thường trực Ủy ban ký văn bản (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực và Phó Chủ tịch Kinh tế đối ngoại ký). Những khoản chi ngoại tệ đã có chủ trương của Ủy ban nêu thành văn bản quy định (như cấp tiền tiêu vặt cho cán bộ đi nước ngoài) thì do Ban Kinh tế đối ngoại giải quyết.
5) Mối quan hệ với Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố :
- Ban Kinh tế đối ngoại cùng với Sở Tài chánh, có nhiệm vụ trao đổi với Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố về tất cả các vấn đề liên quan đến ngoại tệ trong và ngoài nước, trong phạm vi chi tiêu kế hoạch hàng năm mà Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định.
- Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương sẽ cung cấp cho Ban Kinh tế đối ngoại thành phố và giúp đỡ cho Ban các thông tin cần thiết để phục vụ cho việc quản lý kinh tế đối ngoại của thành phố.
6) Mối quan hệ với Trung tâm Phát triển xuất khẩu :
Chỉ thị số 21/CT UB đã nêu rõ quan hệ giữa Ban Kinh tế đối ngoại với Trung tâm Phát triển Xuất khẩu, nay xác định thêm :
a) Hai cơ quan cần gắn bó chặt chẽ, phối hợp tổ chức nghiên cứu, tham mưu cho Thường trực Ủy ban trong việc quản lý hành chánh kinh tế Nhà nước các vấn đề về kinh tế đối ngoại, đặc biệt là xuất nhập khẩu (giá cả, thương nhân, thị trường, hiệu quả kinh tế).
b) Trung tâm phát triển xuất khẩu cần đi sâu vào lĩnh vực thông tin kinh tế đối ngoại, nghiên cứu tình hình thị trường bên ngoài, nêu ý kiến về các chánh sách và chương trình hàng xuất khẩu của thành phố cho các năm tới, thông báo cho Ban Kinh tế đối ngoại để giúp Ban có đủ dữ kiện xử lý nghiệp vụ hàng ngày.
c) Ban Kinh tế đối ngoại và Trung tâm phát triển xuất khẩu phối hợp với Ban Tổ chức chánh quyền để xây dựng đề án tổ chức đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ kinh tế đối ngoại, nằm trong khuôn khổ kế hoạch đào tạo chung của thành phố.
7) Mối quan hệ vớ Ban Kinh tế Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban :
- Ban Kinh tế đối ngoại là một cơ quan chức năng vừa làm tham mưu, vừa làm quản lý, có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố. Các báo cáo này sẽ đồng gửi cho Ban Kinh tế Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố...
- Để giúp cho Ban Kinh tế đối ngoại làm tốt nhiệm vụ trên đây các đơn vị kinh doanh như Tổng Công ty xuất nhập khẩu, Công ty Du lịch, Công ty Cung ứng tàu biển, Công ty Dịch vụ Việt kiều về xuất nhập khẩu tại chỗ, Công ty phục vụ cơ quan nước ngoài, Công ty vận tải biển v.v... và các cơ quan chức năng như Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương, Hải quan thành phố... cần gửi báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, quý cho Ban Kinh tế đối ngoại để kịp tổng hợp báo cáo phục vụ cho lãnh đạo thành phố.
Trên đây là một số điểm cần nói rõ thêm trong mối quan hệ giữa Ban Kinh tế đối ngoại với một số ngành chức năng tổng hợp và đơn vị kinh doanh cơ sở. Ban Kinh tế đối ngoại là một mô hình mới thử nghiệm. Hoạt động của Ban Kinh tế đối ngoại trong khuôn khổ về chức năng và nhiệm vụ đã được quy định nhằm đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo thống nhất lãnh vực kinh tế đối ngoại của thành phố theo chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành phố. Hoạt động của Ban phải đồng thời bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở; không được gây trở ngại khó khăn mà phải tạo mọi điều kiện tốt cho sự hoạt động về sản xuất kinh doanh của các đơn vị này. Trong quá trình công tác các cơ quan ban ngành, quận, huyện, các đơn vị cơ sở cần nêu ý kiến đóng góp để xây dựng cho các mối quan hệ về công tác kinh tế đối ngoại ngày một hoàn thiện.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh