Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 82/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH VỀ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT LỰC LƯỢNG TRỊ AN CƠ SỞ

Ngày 20 tháng 02 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề nghị xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp đề nghị của Bộ Công an và ý kiến các bộ, ngành liên quan; ý kiến của Lãnh đạo và đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận như sau:

1. Đồng ý về sự cần thiết xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.

Về nội dung Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an lưu ý một số vấn đề sau đây:

a) Cần xác định lại tên gọi của Luật cho phù hợp hơn. Có thể lấy tên là Luật về các lực lượng  tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

b) Xác định rõ tính chất, vị trí, vai trò của các lực lượng trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, của lực lượng Công an đối với các lực lượng này. Trên cơ sở đó, quy định cơ chế phát huy quyền làm chủ, sự tự nguyện của nhân dân ở cơ sở tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền địa phương;

c) Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn tính hợp lý, tính khả thi, dự báo của nội dung, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, tạo sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành liên quan, nhất là đối với Chính sách 4 (xác định cụ thể việc bảo đảm điều kiện hoạt động cụ thể cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do địa phương tự cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân, phát huy tính tự quản gắn với đẩy mạnh thực hiện hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền);

d) Nghiên cứu, đề xuất quy định theo hướng không đưa lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (để tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành);

đ) Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật liên quan đến nhiều luật và văn bản dưới luật. Do vậy, Bộ Công an cần rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến xã hội, các quy định của pháp luật hiện hành đang điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nội dung các chính sách dự kiến của Đề nghị xây dựng Luật để đề xuất hướng xử lý cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc mâu thuẫn.

2. Giao Bộ Công an tiếp thu các ý kiến tham gia, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm chất lượng; gửi Bộ Tư pháp thẩm định; trình Chính phủ xem xét, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Ủy ban PL, Ủy ban QP-AN của QH;
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: NC, CN, KTTH, Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, PL (2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục