Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2003

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 84/TB-VPCP NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 12/2003/CT-TTG NGÀY 16 THÁNG 5 NĂM 2003 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Ngày 06 tháng 6 năm 2003, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Bình Thuận, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua, kế hoạch triển khai Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý bến chỉ đạo như sau:

Bảo vệ và phát triển rừng là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách và các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng của nước ta đã tăng đáng kể từ 28,8% (năm 1993) lên trên 36% (năm 2002), góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng và cải thiện môi trường sinh thái. Tuy nhiên vấn đề nhức nhối và nghiêm trọng hiện nay là "lâm tặc" vẫn ngang nhiên phá hoại rừng, nhất là các khu rừng giàu, rừng gỗ quý, chống đối người thi hành công vụ. Điều này không những làm huỷ hoại tài nguyên và môi trường sinh thái mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân đối với vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, điều hành, thực thi pháp luật.

Ngày 16 tháng 5 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, đề ra 18 nhóm giải pháp. Đây là việc làm rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương phải nhận rõ trách nhiệm của mình, xác định rõ nguyên nhân chủ yếu của việc phá rừng để đề ra các biện pháp xử lý thích hợp; đồng thời việc này cũng yêu cầu phải làm kiên trì, kiên quyết đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng quân đội, Công an, Kiểm lâm trên địa bàn cùng các lực lượng tại chỗ của địa phương để truy quét "lâm tặc" bảo vệ rừng.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và tài nguyên của quốc gia (trong đó có tài nguyên rừng) thuộc địa phương quản lý, đúng với quy định tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp. Các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng đã được Chỉ thị của Thủ tướng và hệ thống các văn bản khác của Nhà nước đã quy định tương đối đầy đủ và đồng bộ, phải được tổ chức thực hiện tốt, trong đó cần tập trung làm một số việc sau đây:

1. Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của các cấp, các ngành, của chủ rừng và từng người dân; thu hút được toàn xã hội tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Các cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong việc phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông về những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; những lợi ích to lớn do việc bảo vệ và phát triển rừng đem lại đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Xử lý nghiêm khắc đối với bọn lâm tặc, coi đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn tệ nạn phá rừng. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phải lập danh sách bọn lâm tặc thuộc địa bàn quản lý của mình, tập trung chỉ đạo phân loại làm rõ bọn cầm đầu, chủ mưu, chuyên nghiệp phá rừng để có biện pháp xử lý theo pháp luật.

Các cơ quan thừa hành pháp luật phải thật sự mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp bảo vệ phát triển rừng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để làm tăng hiệu quả về mặt răn đe giáo dục, ngăn chặn lâm tặc tái diễn tình trạng phát rừng. Phải xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc bao che, dung túng để lâm tặc phá rừng hoặc thông đồng với lâm tặc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không đúng thẩm quyền, sai mục đích, những trường hợp cán bộ trực tiếp, liên quan trách nhiệm để lâm tặc phá rừng gây thiệt hại lớn.

3. Trong khi nghiên cứu, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh xử phạt hành chính, cần phải có biện pháp xử phạt thích hợp, bảo đảm tính nghiêm khắc trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:

- Cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm và các ngành liên quan áp dụng xử phạt hành chính trong quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo đúng quy định tại Nghị định số 17/2002/NĐ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời thực hiện các biện pháp:

Thu hồi giấy phép lái xe của những lái xe trực tiếp tham gia vận chuyển lâm sản trái phép. Riêng động vật hoang dã sau khi tịch thu phải đưa đi cứu hộ hoặc thả về môi trường sống của chúng; đối với gỗ và các loại lâm sản cùng với tang vật (xe ôtô, các loại xe, máy cưa xẻ và phương tiện dùng để vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép) tịch thu, giao lực lượng kiểm lâm quản lý, chậm nhất là sau một tháng phải phát mại, nộp ngân sách nhà nước; tiền phát mại lâm sản và tang vật tịch thu, được trích dùng cho quỹ phòng chống chặt phá rừng và chống buôn lậu lâm sản theo quy định tại Công văn số 354/CP-NN ngày 09 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và được trích 10% giá trị lâm sản và tang vật phát mại, giao kiểm lâm quản lý, chi thưởng cho người có công tố cáo, cung cấp thông tin chính xác về các vụ lâm tặc phá rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Nắm chắc đối tượng buôn lậu, kinh doanh lâm sản trái phép để có các biện pháp xử lý thích hợp như rút giấy phép kinh doanh; điều tra thu thập chứng cứ để khởi tố và xử lý theo pháp luật.

- Hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra các địa phương việc giao đất, giao và khoán rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản và các tổ chức để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện cơ chế hưởng lợi quy định tại Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp và Quyết định số 187/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh.

Đối với các lâm trường quốc doanh được giao quản lý chủ yếu là đất có rừng tự nhiên hoặc đất được qui hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu để trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, hạn chế và tiến tới đình chỉ, không giao chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên. Đối với các lâm trường quốc doanh làm nhiệm vụ trồng rừng sản xuất thì hoạt động theo cơ chế như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ cho sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến lâm sản.

Đối với những vùng rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, các vùng rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và xung yếu (kể cả rừng trồng) cần quy hoạch đưa vào rừng đặc dụng để nhà nước đầu tư quản lý bảo vệ từ nguồn vốn ngân sách.

- Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định, điều kiện cần thiết để được đăng ký kinh doanh gỗ và lâm sản; các chính sách khuyến khích đầu tư, chế biến tiêu thụ gỗ rừng trồng thay thế gỗ rừng tự nhiên; chính sách nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên để phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Đồng thời với việc truy quét, ngăn chặn lâm tặc bảo vệ rừng, phải chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng di dân tự do, đẩy mạnh sản xuất nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc miền núi.

Các tỉnh có dân di cư tự do đi, phải tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ đồng bào các điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống để đồng bào yên tâm sinh sống, gắn bó với quê hương, không du canh du cư, di dân tự do.

Đối với các tỉnh có dân di cư tự do đến, phải quan tâm quy hoạch, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, cả đồng bào mới đến và đồng bào tại chỗ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phải kiên quyết xử lý ngăn chặn việc mua bán sang nhượng đất đai trái phép, tiếp tục phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc có khó khăn về nhà ở từng bước nghiên cứu sản xuất sử dụng cấu kiện nhà bằng bê tông, trong giai đoạn trước mắt, các xã vùng đặc biệt khó khăn, được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên để hỗ trợ đồng bào làm nhà ở, nhưng phải có kế hoạch, qui hoạch cụ thể và kiểm tra chặt chẽ không để lợi dụng phá rừng.

Đối với những diện tích đất lâm nghiệp khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào thì phải áp hình thức giao đất thích hợp để tránh việc tuỳ tiện chuyển nhượng đất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ tập trung của Nhà nước theo cộng đồng, buôn làng về hạ tầng kinh tế - xã hội.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ sơ kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời phát hiện, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

5. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chỉ thị cho các đơn vị của ngành mình để phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai tốt Chỉ thị của Thủ tướng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh biết, thực hiện.

 

Nguyễn Công Sự

(Đã ký)