Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 897/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2022

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG PHÙNG ĐỨC TIẾN TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2022

Ngày 11 tháng 02 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị, cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, các tổ chức quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí; dự họp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND), Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận và chỉ đạo như sau:

1. Về đánh giá kết quả công tác trong năm 2021

Trong năm 2021, ngành Thú y và các địa phương đã triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Từ năm 2019 - 2021, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đặc biệt quan tâm, ban hành văn bản chỉ đạo, phê duyệt các Đề án, Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật (Cúm gia cầm (CGC), Lở mồm long móng (LMLM), Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Viêm da nổi cục (VDNC), Dại và dịch bệnh thủy sản, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030” nhằm củng cố, kiện toàn năng lực toàn ngành Thú y đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là cơ sở rất quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân và ngành Thú y tổ chức triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030.

Công tác thú y nói chung, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh động vật trong những năm qua đã được các địa phương quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; kết quả là các loại dịch bệnh trên động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển tốt, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, các tháng đầu năm 2022 là thời gian cao điểm về tái đàn vật nuôi và bắt đầu thời vụ nuôi trồng thủy sản, mật độ đàn vật nuôi tăng cao, thời tiết giao mùa nên rất dễ phát sinh dịch bệnh động vật; cùng với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, thời tiết biến đổi theo hướng cực đoan, ô nhiễm môi trường, hạ tầng phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại nhiều địa phương, hoạt động giao lưu thương mại, vận chuyển động vật sản phẩm động vật gia tăng,... nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra là rất cao, cần chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

2. Về công tác trọng tâm trong năm 2022

a) Đối với các địa phương

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người; đồng thời theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu kép, vừa phòng chống có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vừa bảo vệ, phát triển sản xuất; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT; trong đó chú trọng tổ chức những biện pháp sau:

- Ưu tiên bố trí các nguồn lực để tập trung tổ chức có hiệu quả các Đề án Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện.

- Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh trên động vật, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm, đặc biệt các bệnh nguy hiểm như: CGC, LMLM, Tai xanh, VDNC, Dại,...

- Hướng dẫn người nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học; thường xuyên chủ động vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

- Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân và cộng đồng.

- Yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (Hệ thống VAHIS), nhất là trong bối cảnh Covid-19; thống nhất chỉ đạo sử dụng số liệu dịch bệnh trên Hệ thống VAHIS để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của các cấp chính quyền địa phương; không phát sinh biểu mẫu báo cáo để giảm thiểu áp lực cho các cơ quan, lực lượng thú y các cấp; chỉ đạo tổ chức xây dựng, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong công tác thú y.

- Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

- Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh động vật; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã và thôn/bản/ấp; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

- Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; lưu ý bố trí kinh phí và tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm vào cùng một thời điểm trên phạm vi toàn tỉnh để bảo đảm hiệu quả; bố trí kinh phí dự phòng hỗ trợ, xử lý trong các trường hợp gia súc, gia cầm phản ứng chết do yếu tố rủi ro không mong muốn; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức xây dựng, xin ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền của địa phương quyết định về khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

b) Giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục

- Theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương đặc biệt đối với bệnh nguy hiểm như CGC, LMLM, DTLCP, VDNC, Tai xanh, Dại,... trên động vật trên cạn; các bệnh AHPND, WSD, IHHND, EHP trên tôm, xuất huyết và gan thận mủ trên cá tra, một số bệnh trên cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, cá nuôi truyền thống,...

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện của các địa phương.

- Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi rút CGC tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát chủ động DTLCP, LMLM, VDNC, Dại trên động vật; nghiên cứu bệnh LMLM; xác định hiệu lực các loại vắc xin phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.

- Tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 434/QĐ- TTg ngày 24/3/2021; đồng thời đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2022 để kịp thời triển khai giám sát dịch bệnh (cả giám sát chủ động và giám sát bị động) ngay từ đầu vụ nuôi, đặc biệt các bệnh trên tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm,… nhằm hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Thành lập các tổ công tác đến các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng các chuỗi, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật,...

- Nghiên cứu, sản xuất vắc xin chủ lực (CGC, LMLM, Tai xanh, Dại, DTLCP, VDNC,…) trong nước để chủ động nguồn vắc xin; đánh giá hiệu lực vắc xin để khuyến cáo cho các địa phương, người chăn nuôi; khẩn trương hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện việc kiểm nghiệm, khảo nghiệm, thí điểm sử dụng diện hẹp vắc xin DTLCP, đồng thời tổ chức giám sát, đánh giá để bảo đảm vắc xin DTLCP khi được cấp phép lưu hành đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về khoa học, kỹ thuật và quy định.

- Tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước về phòng chống dịch bệnh động vật, phòng chống kháng thuốc.

- Chuẩn bị các điều kiện tổ chức các hội nghị chuyên đề về: Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; phòng, chống dịch bệnh thủy sản; xúc tiến thương mại, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; nghiên cứu, sản xuất thuốc và vắc xin thú y.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tổ chức triển khai công tác thông tin, tuyên truyền trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất ATDB.

- Chủ động tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất ATDB tại các địa phương.

c) Giao Cục Chăn nuôi

- Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các Sở Nông nghiệp và PTNT về tổ chức thực hiện xây dựng, xin ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

- Khẩn trương chủ trì phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý nhà nước, thống kê, dự báo và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các Sở Nông nghiệp và PTNT về tổ chức xây dựng, xin ý kiến, hoàn thiện chiến lược (kế hoạch) phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

d) Giao Tổng cục Thủy sản

- Tập trung hướng dẫn, triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt. Thực hiện các giải pháp tổng thể chỉ đạo phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nhóm đối tượng nuôi chủ lực tôm, cá tra.

- Theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất giống thủy sản, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học cải tạo môi trường để tham mưu Bộ chỉ đạo sản xuất kịp thời, hiệu quả; chủ động hướng dẫn các địa phương và người nuôi về mùa vụ thả nuôi, quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản phù hợp với thực tiễn.

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản và cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời với các cơ quan thú y để phối hợp chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn người nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

- Kịp thời nắm bắt, hướng dẫn các địa phương xây dựng, đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản đúng quy hoạch và phát huy thế mạnh của các địa phương về nuôi trồng thủy sản.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Nông nghiệp & PTNT, Cơ quan QLCN Thú y các tỉnh, tp;
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục (để t/h);
- Cục Chăn nuôi (để t/h);
- Tổng cục Thủy sản (để t/h);
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan (để t/h);
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Văn Thành