Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 90/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 15 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009, 02 tháng đầu năm 2010 và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010; tình hình thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và chống ngập trên địa bàn thành phố; Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị có liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn thành phố; ý kiến của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thường trực Chính phủ đánh giá cao và biểu dương những kết quả khá toàn diện đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2 năm 2008, 2009 của thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình lạm phát tăng cao, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến nước ta, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực, phấn đấu, năng động, sáng tạo và chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ với sự chỉ đạo tập trung, điều hành linh hoạt, quyết liệt, cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn Thành phố đạt 10,7% góp phần để tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 6,3%. Năm 2009, Thành phố thực hiện đạt 18/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, riêng 02 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (thành phố đạt 8%, bằng 1,53 lần so với cả nước) và kim ngạch xuất khẩu tuy chưa hoàn thành nhưng cũng đạt ở mức cao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội vượt kế hoạch (tăng 23,1% so với cùng kỳ); chỉ số giá cả được kiểm soát thấp hơn so với bình quân chung của cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Hai tháng đầu năm 2010, Thành phố cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp đều cao hơn cả nước; đặc biệt Thành phố đã làm tốt việc kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết Canh Dần.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần quyết tâm hơn nữa, phát huy những thành tựu đạt được để giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, vị trí trung tâm về nhiều mặt đối với cả nước, cùng cả nước phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ trung bình thế giới.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2010

1. Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn và sự kiện trọng đại. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Thành phố cần tập trung nỗ lực cao nhất để đóng góp thiết thực cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009 (GDP tăng khoảng 11%); hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng nhưng phải chú ý nâng cao chất lượng, tăng trưởng cả về quy mô và chiều sâu, tăng trưởng và phát triển hài hòa, tiến tới bền vững. Thành phố cần chú ý chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Tình hình giá cả một số nguyên vật liệu có xu hướng tăng trong thời gian tới do năm 2010 là năm thực hiện nhiều cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về lộ trình giảm thuế nhập khẩu và mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thành phố cần phát huy những kết quả đạt được trong việc kiểm soát giá cả thị trường trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, tiếp tục triển khai quyết liệt trong năm 2010, nhất là kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu để góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, không để lạm phát cao trở lại. Đồng thời, Thành phố cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế, giảm số vụ ùn tắc giao thông; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt lưu ý chủ động đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm theo kiểu xã hội đen có sử dụng vũ khí nóng.

2. Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 với mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao hơn, chất lượng cao hơn, hiệu quả và cạnh tranh tốt hơn, tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, thành phố cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm và cũng là 03 khâu đột phá lớn:

- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế và đầu tư;

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới;

- Đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên lĩnh vực giao thông và chống ngập để tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

3. Để đầu tư nhanh hơn hệ thống kết cấu hạ tầng, thành phố cần tập trung thực hiện các công việc chủ yếu sau:

a) Khẩn trương rà soát lại quy hoạch (quy hoạch chung, ngành, lĩnh vực) để cập nhật, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của Thành phố; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để các dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân được hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ, từ đó sẽ phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng. Muốn vậy, thành phố cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí vốn và thuê tư vấn có năng lực lập dự án, thiết kế dự toán để kêu gọi đầu tư và tìm kiếm nguồn vốn triển khai thực hiện trước công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án, công trình trọng điểm.

b) Thành phố là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và thủy triều dâng, do đó cần chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể như trồng rừng, thực hiện nhanh quy hoạch thủy lợi chống ngập úng bằng các dự án xây dựng công trình thủy lợi, cống và đê bao nhằm giảm thiểu tác hại.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ

Thường trực Chính phủ đồng ý các kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

1. Về bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng:

a) Về Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành:

Chấp thuận chủ trương cho Ủy ban nhân dân thành phố tiến hành nghiên cứu việc tổ chức kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác (Cần Giờ) bằng một nút giao thông khác mức; giao Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị kỹ Báo cáo đánh giá tác động môi trường để có cơ sở thuyết phục nhà tài trợ bổ sung vốn cho việc xây dựng nút giao này. Trong trường hợp các nhà tài trợ không đồng ý, giao Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn khác để thực hiện công trình như một dự án độc lập (tên là dự án Nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác) và đầu tư thực hiện đồng thời với tiến độ của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

b) Về Dự án xây dựng Vành đai 3:

Do ngân sách Trung ương còn hạn chế nên không thể đầu tư đồng thời toàn tuyến mà mỗi địa phương trên Vành đai 3 (thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An) có trách nhiệm huy động nguồn vốn để đầu tư và xây dựng đoạn đường trên địa bàn mình quản lý; Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm làm đầu mối lập quy hoạch, thiết kế, dự toán toàn tuyến, hoàn thiện hồ sơ dự án để bàn giao cho các địa phương thực hiện. Do đó, Thành phố thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 12 tháng 01 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ.

c) Về Dự án đường trên cao số 1, 2, 3 và 4:

Chấp thuận chủ trương cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư hợp tác (PPP), ngân sách nhà nước bố trí vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; thành phố kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện các công trình trên bằng hình thức BOT hoặc hình thức công tư hợp tác; trong đó trước mắt ưu tiên đầu tư cho tuyến trên cao số 1 nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trục Bắc - Nam và tạo động lực cho việc kêu gọi đầu tư vào các tuyến trên cao còn lại.

d) Về thực hiện sáu tuyến tàu điện ngầm (metro) theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố:

- Về tuyến tàu điện ngầm (metro) số 1 và số 2:

Chấp thuận cho phép tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương được tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; Thành phố cần khẩn trương hoàn chỉnh dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để được ký Hiệp định vay vốn trong năm 2010.

- Về tuyến tàu điện ngầm (metro) số 5:

+ Chấp thuận cho thành phố sử dụng nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha cho tuyến đường sắt đô thị số 5 và đồng ý chủ trương phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1: từ Ngã 4 Bảy Hiền - cầu Sài Gòn; giai đoạn 2: từ Ngã 4 Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới; trong đó, giai đoạn 1 sử dụng nguồn vốn ODA 500 triệu EURO của Chính phủ Tây Ban Nha. Chính phủ sẽ thu xếp nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2 để sớm hoàn thành toàn bộ dự án.

+ Chấp thuận chủ trương chỉ định thầu Nhóm GEV (do Chính phủ Tây Ban Nha đề nghị) để thực hiện dự án theo hình thức chìa khóa trao tay (Turnkey) và làm đầu mối thu xếp vốn cho toàn bộ dự án.

+ Chấp thuận chủ trương thành lập Tổ công tác cấp Chính phủ về tuyến metro số 5, gồm đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố để cùng với Nhóm công tác của phía Tây Ban Nha thảo luận các vấn đề liên quan đến việc tài trợ cho dự án, hỗ trợ việc thực hiện các thủ tục để tiến tới ký Hiệp định vay chính thức giữa 2 Chính phủ.

- Về các tuyến tàu điện ngầm (metro) số 3, số 4 và số 6:

Chấp thuận về chủ trương khẩn trương tìm nguồn vốn đầu tư cho 03 dự án này; giao Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan liên quan tìm kiếm nguồn vốn để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

đ) Về nguồn vốn đối với các công trình kiểm soát triều thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh để phòng chống biến đổi khí hậu: giao Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ 02 công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận và Sông Kinh để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký tham gia chương trình ORIO của Chính phủ Hà Lan.

Đồng ý về nguyên tắc tạm ứng vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 để lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cân đối, đề xuất mức cụ thể.

2. Về cơ chế tài chính tạo nguồn vốn đầu tư phát triển:

a) Về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng:

- Giai đoạn hiện nay là thời cơ thuận lợi để thu hút vốn viện trợ phát triển (ODA), các nhà tài trợ đặc biệt là Nhật Bản đã đánh giá tốt công tác giải ngân nguồn vốn ODA trong năm 2009 của Việt Nam và Thành phố, do đó Thành phố cần khẩn trương đề xuất các dự án cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào danh mục chung kêu gọi vốn ODA năm 2010 và những năm sau.

- Chính phủ tạo mọi cơ chế tài chính thuận lợi cho thành phố huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức trong các thành phần kinh tế và trong nhân dân. Cho phép thành lập Tổ công tác gồm đại diện Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh và sớm trình Chính phủ thông qua.

b) Trong khi Chính phủ chuẩn bị ban hành quy định chung cho việc huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của một tổ chức kinh tế không phải là doanh nghiệp nhà nước; chấp thuận chủ trương cho thực hiện thí điểm việc bảo lãnh phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế hoặc ngân hàng nước ngoài cho vay đối với 02 dự án: xây dựng cầu đường Nhơn Trạch và Tuyến xe điện mặt đất số 1 Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe miền Tây (Tramway số 1); giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo nhà đầu tư xây dựng dự án cụ thể, trên cơ sở đó Thành phố xem xét kỹ uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính của nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Về xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý đô thị:

a) Về vấn đề kiểm soát dân số tại thành phố Hồ Chí Minh: giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều thuộc Luật cư trú và đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng dân số cơ học tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

b) Về vấn đề kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân: chấp thuận chủ trương cho thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và thực hiện thí điểm việc điều chỉnh tăng mức thu các loại phí liên quan đến đăng ký mới và lệ phí lưu hành của phương tiện giao thông cá nhân. Đề án thu phí phải được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và số tiền thu được sử dụng để đầu tư lại cho hạ tầng giao thông thành phố.

c) Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước: giao thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chuẩn bị đề án theo nguyên tắc chung là bộ máy tổ chức phải phù hợp với nhiệm vụ quản lý, phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có quy mô dân số 10 triệu dân, tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành nhiệm vụ chính trị và kinh tế - xã hội được giao và làm việc với Bộ Nội vụ để Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

4. Về các kiến nghị khác:

a) Đối với các dự án ODA:

- Dự án Xây dựng đại lộ Đông - Tây và Cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 1): trong khi chờ thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định, chấp thuận chủ trương cho phép Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc phê duyệt trước một số dự toán cấp bách đối với phần tăng thêm do phát sinh các hạng mục mới thuộc hai dự án này và việc phê duyệt đảm bảo không vượt phạm vi giá trị của Hiệp định vay còn lại của hai dự án.

- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét những đề nghị của nhà tài trợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề liên quan đến việc thanh toán điều chỉnh giá cho các hạng mục thuộc hai dự án này bỏ thầu bằng đồng Yên nhưng trên thực tế mua bằng Việt Nam đồng.

- Đối với một số dự án sử dụng vốn ODA có phát sinh vướng mắc do nhà thầu không đảm bảo năng lực trong quá trình thực hiện, trì trệ, làm kéo dài tiến độ dự án, chấp thuận chủ trương cho phép Ủy ban nhân dân thành phố được quyết định chỉ định nhà thầu khác thay thế để tiếp tục thực hiện phần còn lại của hợp đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình, không phải tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu khác.

b) Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài theo hình thức hợp đồng BT: chấp thuận cho phép Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt biểu khối lượng của dự án này và chỉ định nhà thầu tư vấn giám sát độc lập để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

c) Dự án đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 và Dự án đầu tư xây dựng tuyến Xe điện mặt đất số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây):

Hai dự án trên đã lập thiết kế cơ sở và được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đã thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư (dự án nhóm A); do đó, cho phép Thành phố được tiếp tục triển khai thực hiện 02 Dự án trên theo quy định của Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao trong việc thẩm định, phê duyệt dự án và cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai xây dựng trong quý II năm 2010; không phải tiến hành lại thủ tục thẩm định phê duyệt dự án theo quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BT.

d) Trong khi chờ hướng dẫn xử lý chuyển tiếp việc thực hiện Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 sang thực hiện Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009, tạm thời cho phép các cấp thẩm quyền phê duyệt dự án của Thành phố được quyết định điều chỉnh dự án theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP đối với dự án nộp hồ sơ trước ngày Nghị định 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Còn đối với hồ sơ điều chỉnh dự án nộp từ ngày Nghị định 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thực hiện theo văn bản xử lý chuyển tiếp của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Về một số vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương giải quyết, trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và thành phố Hồ Chí Minh biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
-Tổng cục Thống kê;
- TU, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, ĐP, TCCV, NC, KGVX, QHQT;
- Lưu: VT, KTN (4).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM  




Văn Trọng Lý