Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 971/TB-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN, CHỈ ĐẠO CỦA THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ NGUYỄN VIẾT TIẾN, TẠI HỘI NGHỊ KHOA HỌC VÀ CHỈ ĐẠO TUYẾN CHUYÊN NGÀNH SẢN PHỤ KHOA VÀ NHI KHOA KHU VỰC PHÍA BẮC NĂM 2016

Ngày 30/8/2016, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Khoa học và Chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa khu vực phía Bắc năm 2016 nhằm Sơ kết công tác chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa khu vực phía Bắc 6 tháng đầu năm 2016 và định hướng chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại biểu: Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; Lãnh đạo và cán bộ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương; đại diện Lãnh đạo 31 tỉnh, thành phố phía Bắc (gồm Lãnh đạo Sở Y tế; Lãnh đạo bệnh viện, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Trưởng khoa Nhi và Trưởng khoa Sản của các Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố; Lãnh đạo Bệnh viện, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và cán bộ phụ trách sản phụ khoa, nhi khoa của các Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Nhi; Lãnh đạo và Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của các Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản).

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trình bày báo cáo về thực trạng, kết quả và định hướng về công tác chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản khoa và Nhi khoa; đồng chí Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh trình bày báo cáo thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và Quyết định số 4026/QĐ-BYT về phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh giai đoạn 2010 - 2015; các báo cáo khoa học cập nhật về sản khoa và nhi khoa, ý kiến tham luận của các Sở Y tế, các Bệnh viện, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở báo cáo, tham luận và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đánh giá cao công tác chỉ đạo tuyến, giám sát hỗ trợ cho tuyến dưới của các Bệnh viện đầu ngành sản phụ khoa và nhi khoa trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Qua đó chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, đặc biệt là cấp cứu sản khoa, sơ sinh và trẻ em đã được cải thiện đáng kể, tình trạng chuyển tuyến chưa phù hợp đã được hạn chế; góp phần đáng kể vào việc giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Cụ thể: các Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát huy vai trò của các chuyên khoa đầu ngành, tích cực khảo sát nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức thực hiện hỗ trợ kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới trong lĩnh vực khám chữa bệnh, mở được nhiều lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện thông báo tuyến gửi về các bệnh viện có sai sót chuyên môn để rút kinh nghiệm nhằm tránh tai biến xảy ra. Nhờ vậy, chất lượng khám chữa bệnh chuyên ngành Sản phụ khoa, Nhi khoa đã từng bước được nâng cao. Trình độ chuyên môn và kỹ thuật của tuyến dưới cũng được cải thiện, nhiều kỹ thuật mới đã được chuyển giao cho tuyến dưới, mức độ sai lệch trong chẩn đoán được rút ngắn, nhiều bệnh hiểm nghèo, phức tạp đã có thể được chẩn đoán và xử trí ngay tại tuyến dưới, người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương mình, hạn chế phải chuyển lên tuyến trên, giảm được chi phí khám chữa bệnh của người dân và đã góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện tuyến Trung ương, tạo niềm tin cho nhân dân.

Lãnh đạo Bộ ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, sự nỗ lực của các Bệnh viện đầu ngành chỉ đạo tuyến về sản, nhi cũng như sự quan tâm hỗ trợ của Lãnh đạo các Sở Y tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác chỉ đạo tuyến còn gặp nhiều khó khăn như: Một số cơ sở y tế có chức năng chỉ đạo tuyến chưa thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo tuyến; công tác chỉ đạo tuyến chưa chú trọng đến chỉ đạo tuyến một cách toàn diện các mặt; tuyến dưới thiếu nhân lực và trang thiết bị y tế, rất khó khăn trong việc chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố, thiếu kinh phí để triển khai chỉ đạo tuyến và giám sát... Chính vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân bị hạn chế, bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị vẫn còn nhiều, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Để khắc phục được những khó khăn và thực hiện tốt hơn công tác chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa trong 6 tháng cuối năm và năm 2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có ý kiến kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, cụ thể như sau:

1. Lãnh đạo các viện cần quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo tuyến. Việc chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật phải bám sát vào các định hướng chuyên môn của Ngành, nhất là các định hướng trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản. Chú trọng đến tổ chức cung cấp dịch vụ cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em của người dân.

2. Trước khi tiến hành chuyển giao kỹ thuật, thực hiện việc chỉ đạo tuyến, cần khảo sát kỹ từng tỉnh, từng bệnh viện về hiện trạng yếu kém chuyên môn kỹ thuật gì, nhu cầu cần hỗ trợ kỹ thuật và các điều kiện sẵn sàng thực hiện kỹ thuật, để có kế hoạch chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho phù hợp và hiệu quả.

3. Tăng cường việc đào tạo cập nhật kiến thức hồi sức cấp cứu sản khoa (kíp phẫu thuật cấp cứu sản khoa, kíp hồi sức nội khoa trong sản khoa) và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Đào tạo cập nhật kiến thức nhi khoa và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới: đào tạo liên tục, đào tạo thông qua hội thảo/hội nghị/tập huấn, đào tạo online/qua hội chẩn telemedicine. Chú ý hỗ trợ việc phân loại sàng lọc từ phòng khám cho đến chăm sóc theo dõi chuyển dạ, cấp cứu sơ sinh, nhi khoa; phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

4. Thực hiện Hướng dẫn quốc gia về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh; đào tạo người đỡ đẻ có kỹ năng, chuẩn hóa kỹ năng chăm sóc thiết yếu sớm, cấp cứu các tai biến sản khoa, sơ sinh.

5. Củng cố, vận hành có hiệu quả đơn nguyên sơ sinh tại Bệnh viện huyện.

6. Hỗ trợ để Bệnh viện huyện thuộc các vùng khó khăn thực hiện được cấp cứu sản khoa toàn diện.

7. Thực hiện các can thiệp chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi: nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ khỏe, lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh. Lưu ý việc sàng lọc, phân loại bệnh ngay từ phòng khám.

8. Thực hiện tốt các nội dung công tác chỉ đạo tuyến: Lập kế hoạch chỉ đạo tuyến; công tác đào tạo, tập huấn cán bộ y tế; công tác nghiên cứu khoa học; công tác chuyển giao chuyên môn kỹ thuật; việc chỉ đạo tuyến cần lồng ghép với các yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn khác như: Giám sát đáp ứng tử vong mẹ; giám sát hỗ trợ các can thiệp (phá thai an toàn); dự phòng lây truyền HIV, giang mai, viêm gan B từ mẹ sang con; hỗ trợ sinh sản; sàng lọc phát hiện và điều trị sớm các tổn thương ở cổ tử cung cũng như ung thư cổ tử cung.

9. Tăng cường kinh phí chỉ đạo tuyến: Các cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng dự toán chi cho công tác chỉ đạo tuyến theo kế hoạch để báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khi phân bổ dự toán ngân sách được giao.

10. Đối với công tác kiểm tra, đánh giá, báo cáo: Các tuyến tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác chỉ đạo tuyến thường xuyên. Báo cáo đầy đủ về công tác chỉ đạo tuyến theo quy định. Phản hồi trong chỉ đạo tuyến và giám sát thực hiện khuyến nghị của đoàn giám sát. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác chỉ đạo tuyến.

Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ xin thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến để các đơn vị biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến (để báo cáo);
- Các Vụ, Cục: BMTE, KCB (để thực hiện);
- BV Phụ Sản Trung ương (để thực hiện);
- BV Nhi Trung ương (để thực hiện);
- Sở Y tế, BV tỉnh, TTCSSKSS tỉnh 31 tỉnh phía Bắc (để thực hiện);
- Các BV Sản Nhi/Nhi của 31 tỉnh phía Bắc (để thực hiện);
- Lưu: VT.VPB1.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn
Xuân Trường