Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 186/TC-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 10 năm 1980

 

THÔNG BÁO ĐẶC BIỆT

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO CHĂN NUÔI GIA ĐÌNH Ở THÀNH PHỐ

Để tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào chăn nuôi phát triển cân đối với trồng trọt, nhằm từng bước xây dựng hoàn chỉnh vành đai thực phẩm của thành phố; Ủy ban Nhân dân thành phố thông báo cho các ngành, quận, huyện tập trung thực hiện các công tác sau đây:

1. Vấn đề giống và cung cấp con giống heo:

 Sở Nông nghiệp:

 – Rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện kế hoạch hợp đồng nuôi heo nái sinh sản, đồng thời có kế hoạch cung cấp đủ 10% yêu cầu heo nái hậu bị và 20% heo đực giống hậu bị cho các huyện ngoại thành, (yêu cầu này không lớn, khoảng 2.633 con heo nái và 163 con heo đực giống hậu bị).

 – Hướng dẫn cho các huyện ngoại thành công thức lai giống heo cho thích hợp, nhất là vấn đề chọn đực giống.

 – Kế hoạch cụ thể cung cấp heo nái và đực giống hậu bị do Sở Nông nghiệp cùng ban Nông nghiệp quận, huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ cấp quận, huyện tổ chức làm.

 – Sớm đưa trạm truyền giống heo đi vào hoạt động, mở rộng màng lưới dẫn tinh.

2. Về công tác thú y:

 Trong năm 1980 – 1981, Sở Nông nghiệp (Trạm Thú y Thành phố) cần giải quyết một số vấn đề:

 – Hoàn thiện hệ thống công tác thú y Nhà nước cấp cho quận, huyện. Các quận ven và huyện ngoại thành lập trạm thú y; còn quận nội thành lập đội thú y trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận.

 – Đến cuối năm 1981, hoàn thành việc xây dựng màng lưới thú y dân lập; đưa 50% màng lưới thú y cấp phường, xã vào hoạt động có nề nếp và thích hợp.

 Sở Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Lương thực, Sở Lao động, Sở Thương nghiệp, Liên hiệp Công đoàn thành phố, nghiên cứu giải quyết một số chính sách cho màng lưới thú y dân lập như: chính sách lương thực, trang bị lao động phù hợp nghề nghiệp, chế độ thù lao, cung cấp phương tiện đi lại như xe đạp v.v… sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt ban hành.

 – Việc cung cấp thuốc thú y cần có quy định cụ thể, đảm bảo bán theo giá cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh và bán theo giá bảo đảm kinh doanh cho các đối tượng khác.

3. Giải quyết thức ăn gia súc:

 – Các huyện, xã ngoại thành và quận, phường có sản xuất nông nghiệp cần phát động phong trào nông dân trồng cây thức ăn gia súc, phấn đấu đạt chỉ tiêu 200m2 cây thức ăn gia súc cho mỗi hộ chăn nuôi.

 Hiện nay thành phố đang triển khai công tác đăng ký kinh doanh, Ban khoa học và kỹ thuật chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và các ngành có liên quan làm đề án về tiểu chuẩn thức ăn gia súc và phân công kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc và nghiên cứu mức độ xử lý những nơi làm ăn gian dối, sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt ban hành.

4. Về tín dụng:

 Trong năm 1979, mặc dù gặp nhiều khó khăn vè tiền mặt, nhưng Ngân hàng thành phố đã cho vay trên 4,5 triệu đồng. Trong năm tới, Ngân hàng thành phố cần duy trì cho vay vốn như trước và mở diện rộng cho bà con nông dân được vay với thủ tục đơn giản.

5. Về xi măng:

 + Ủy ban Kế hoạch thành phố: Nghiên cứu phân phối xi măng cho khoảng 20% số hộ chăn nuôi heo nái ở ngoại thành và ghi rõ chỉ tiêu này cho mỗi huyện. ban Nông nghiệp quận, huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, huyện bàn thống nhất việc phân phối cho từng phường , xã và chỉ dạo cấp phường, xã thực hiện theo đúng yêu cầu.

6. Công tác thu gom phân:

 Thời gian qua việc thu gom phân trong nội thành có tiến triển nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu sót. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp (Công ty phân bón thuốc trừ sâu) cần cải tiến công tác, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ chặt chẽ hơn nữa. Sở Giao thông vận tải, Ủy ban Kế hoạch thành phố cần hỗ trợ cho Sở Nông nghiệp một số xe chuyên dùng và nhiên liệu để thu gom, chở phân trong nội thành .

 Ủy ban Nhân dân thành phố xin thông báo nội dung kết luận trong Hội nghị chăn nuôi gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức và Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trì để Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và lãnh đạo các ngành có liên quan tích cực nghiên cứu, triển khai tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/ THƯỜNG TRỰC




Phan Văn Khải