BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2014/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2014 |
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba, ký tại La Ha-ba-na ngày 27 tháng 3 năm 2014, có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.
Bộ ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Chương trình theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đây gọi tắt là “bên Việt Nam” và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba, sau đây gọi tắt là “bên Cu-ba”, căn cứ Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Cu-ba về xây dựng chương trình nghị sự kinh tế song phương, ký ngày 07 tháng 8 năm 2013 tại Hà Nội, hai Bên đã thỏa thuận chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn với các kiện sau:
Lời giới thiệu
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Cu-ba đang trải qua thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử, giữa hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, các ngành và các lĩnh vực của đời sống xã hội hai nước có mối quan hệ và tiếp xúc chặt chẽ.
Quan hệ song phương đã đi vào giai đoạn phát triển cao nhất, hai nước đang có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề quốc tế nổi bật và những vấn đề có liên quan đến lợi ích cơ bản của mỗi nước.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ về chính trị, kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Cu-ba ngày càng được củng cố. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cu-ba tại khu vực Châu Á và Châu Đại dương.
Trong Tuyên bố chung ký giữa hai nước nhân chuyến thăm chính thức Cu-ba của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Tư năm 2012, lãnh đạo hai nước đã bày tỏ hài lòng về sự phát triển đạt được trong mối quan hệ song phương và chia sẻ mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ chính trị và trao đổi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về những vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm; tranh thủ tiềm năng của mỗi nước nhằm mở rộng và đa dạng hóa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và tìm kiếm các cơ chế để thúc đẩy hợp tác.
Trong các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Cu-ba, hai Bên đã đánh giá tích cực sự cần thiết xây dựng mối quan hệ kinh tế song phương với tầm nhìn trung và dài hạn, phù hợp và có tính đến các tiền đề và mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế quốc gia của Cu-ba giai đoạn 2011-2015 và dự báo đến 2016, Đường lối chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Cách mạng đã được thông qua tại Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba, cũng như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2012-2020, đã được bổ sung và mở rộng trong năm 2011, được thông qua tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có tính đến tiềm năng to lớn và cơ hội mà sự hợp tác bổ sung mang lại cho nhau, sự tin tưởng lẫn nhau, nguyện vọng và mối quan tâm chung, nhằm đưa quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước chuyển sang giai đoạn cao hơn, căn cứ vào các thỏa thuận trong Biên bản Ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba ký ngày 07/8/2013 tại Hà Nội, Việt Nam, hai bên đã thống nhất Chương trình Nghị sự kinh tế song phương trung hạn, trong đó xác định chiến lược chủ đạo để hai nước sử dụng như kim chỉ nam phấn đấu tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại trong 5 năm tới.
Để thúc đẩy phát triển toàn diện và sâu sắc mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Cu-ba, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, hai Bên nhất trí xây dựng Chương trình Nghị sự kinh tế song phương trung hạn trên tinh thần bình đẳng, lợi thế so sánh của mỗi nước và tạo sự bổ sung lẫn nhau nhằm đạt được kết quả có lợi cho cả hai Bên.
Chương trình Nghị sự xác định mục đích, mục tiêu cụ thể và định hướng đối với hợp tác song phương trong 5 năm tới nhằm mở rộng và làm sâu sắc sự hợp tác này.
Từ việc triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự, hai bên sẽ đa dạng hóa hợp tác song phương, mở ra những chân trời mới cho cơ hội kinh doanh và đầu tư chung. Những mục tiêu chính của Chương trình Nghị sự kinh tế song phương:
1. Đưa ra tầm nhìn chiến lược của mối quan hệ kinh tế song phương trung hạn và dài hạn, có tính đến sự phát triển bối cảnh quốc tế.
2. Mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế song phương trên tất cả các lĩnh vực.
3. Thúc đẩy trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ, gia tăng đầu tư chung và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau.
4. Phối hợp chặt chẽ hơn các sáng kiến kinh tế và thương mại trong những lĩnh vực hợp tác mà hai Bên cùng quan tâm.
5. Xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác kinh tế và thương mại song phương trong 5 năm tới.
6. Phối hợp cùng tham gia hợp tác tại thị trường thứ ba.
7. Giám sát, đánh giá các mục tiêu đã đề ra và các hoạt động phát triển hợp tác chiến lược.
8. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước trong những lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm.
CÁC NHIỆM VỤ HỢP TÁC KINH TẾ CHÍNH
I. Mở rộng và đa dạng hóa trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ.
1. Hai Bên sẽ rà soát lại Hiệp định về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác ký giữa hai Chính phủ ngày 8 tháng 4 năm 1996 và xúc tiến việc ký kết Hiệp định thương mại mới giữa hai nước, tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước được tiếp cận tự do tại thị trường của nhau và góp phần phát triển thương mại dịch vụ và đầu tư, có tính đến các thay đổi về cơ cấu của nền kinh tế Cu-ba cũng như kinh tế quốc tế.
2. Hai Bên sẽ làm việc tích cực và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng và đa dạng hóa trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều,
3. Phía Cu-ba sẽ củng cố và gia tăng xuất khẩu thuốc và sản phẩm công nghệ sinh học do Cu-ba sản xuất, cũng như nỗ lực nhằm đa dạng hóa hơn nữa cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam.
4. Trong lĩnh vực dịch vụ y tế, phía Cu-ba sẽ cung cấp các dịch vụ y tế theo nhiêu phương thức khác nhau, đáp ứng mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp và cơ sở y tế của Việt Nam, khả năng phát triển và bố trí nguồn nhân lực hiện có. Theo hướng này, trong những trường hợp có thể, phía Cu-ba sẽ làm việc theo hướng kết hợp chương trình cung cấp dịch vụ y tế Cu-ba với việc cung cấp thuốc và sản phẩm công nghệ sinh học của Cu-ba. Sẽ hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam để triển khai các chương trình y tế cho phép đưa vào hoặc tăng cường sự hiện diện của thuốc và sản phẩm công nghệ sinh học của Cu-ba trên thị trường Việt Nam. Phía Cu-ba cũng sẵn sàng nhận đào tạo có trả phí ở trình độ đại học và trên đại học các chuyên ngành hiện đang được giảng dạy tại các trường Đại học Y khoa của Cu-ba.
5. Hai Bên sẽ cùng làm việc để thúc đẩy quảng bá du lịch hai nước cũng như việc trao đổi giữa các công ty, các đơn vị du lịch, tăng cường mối quan hệ và hợp tác giữa các hãng lữ hành của hai nước. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Cu-ba các loại hàng hóa vật tư phục vụ du lịch, cũng như phát triển các hình thức du lịch kết hợp kinh doanh, du lịch sức khỏe, với nòng cốt là các công ty Việt Nam đang hoạt động tại Cu-ba trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế khác.
6. Phía Cu-ba sẽ xúc tiến thực hiện các khóa học dành cho cán bộ quản lý, chuyên gia, nghiên cứu viên và giảng viên của Việt Nam ở trình độ thạc sỹ và các khóa đào tạo sau đại học ở Cu-ba, cũng như nhận mở các khóa đào tạo chuyên ngành tiếng Tây Ban Nha tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
7. Phía Cu-ba sẽ xúc tiến xuất khẩu dịch vụ và công nghệ sản xuất đường mía.
8. Phía Cu-ba sẽ xúc tiến xuất khẩu chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm cả cung cấp thiết kế và kỹ thuật xây dựng.
9. Phía Cu-ba sẽ xúc tiến xuất khẩu chuyên gia văn hóa trong các hoạt động như quản lý văn hóa, giảng dạy nghệ thuật, hoạt động văn hóa cộng đồng và thiết kế các chương trình văn hóa.
10. Phía Cu-ba sẽ xúc tiến xuất khẩu dịch vụ phòng trừ sâu bệnh và sử dụng chế phẩm sinh học do Tập đoàn Labiofam Cu-ba phát triển.
11. Hai Bên sẽ triển khai các sáng kiến nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường các nước Mỹ la tinh và vùng Caribe, cũng như các doanh nghiệp Cu-ba xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trên cơ sở tranh thủ sự hiện diện của nước này hoặc nước kia tại các khu vực này.
12. Phía Cu-ba sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ thị trường Việt Nam, có tính đến kinh nghiệm đã tích lũy được và chuỗi dịch vụ logistic đã được hình thành từ nhiều năm qua cũng như sự sẵn sàng của Chính phủ Việt Nam tiếp tục cung cấp gạo cho Cu-ba. Phía Việt Nam sẽ đảm bảo cung cấp cho Cu-ba đến 300 nghìn tấn gạo theo phương thức hiện hành đã được Chính phủ hai nước đồng thuận, có tính đến từng bước áp dụng thông lệ thương mại quốc tế.
13. Phía Cu-ba sẽ tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam một số hàng hóa mà Cu-ba có nhu cầu như than antraxit sử dụng trong sản xuất và chế biến niquel, cà phê, nguyên liệu và vật tư phục vụ ngành công nghiệp nhẹ, cũng như hàng tiêu dùng và nguyên vật tư phục vụ các ngành kinh tế khác.
1. Hai Bên khuyến khích hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư chung.
2. Các lĩnh vực phía Việt Nam quan tâm đầu tư vào Cu-ba bao gồm thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là dầu khí và khoáng sản; năng lượng tái tạo; phát triển du lịch; công nghệ thông tin và truyền thông; nông nghiệp và sản xuất bao bì.
3. Hai Bên sẽ phối hợp khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào Đặc khu phát triển Mariel, đóng góp kinh nghiệm, cung cấp hàng hóa, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và bí quyết (know how), cần thiết cho sự phát triển của Đặc khu.
4. Hai Bên sẽ khuyến khích việc trao đổi kinh nghiệm, và thông tin liên quan đến quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư nước ngoài gắn với việc thành lập các Đặc khu Phát triển.
III. Tăng cường Hợp tác Tài chính.
1. Hai Bên sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác tài chính nhằm góp phần thúc đẩy phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế và tài chính giữa Việt Nam và Cu-ba.
2. Phía Cu-ba đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với Việt Nam.
3. Hai Bên sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho hợp tác trao đổi song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cu-ba, xuất phát từ mức độ và kết quả hợp tác đã đạt được và trên cơ sở thỏa thuận hợp tác ký giữa hai Bộ.
NHỮNG LĨNH VỰC HỢP TÁC KINH TẾ
1. Hai Bên sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, tập trung vào một số lĩnh vực sau: phối hợp hình thành các dự án hợp tác chung cho phép chuyển giao công nghệ, kiến thức, phương pháp chẩn đoán, đào tạo tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp; triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký giữa hai nước như dự án phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 4 (2011-2015),
2. Hai Bên sẽ trao đổi thông tin và cung cấp chuyên gia hướng dẫn về phát triển mô hình quản lý kinh tế hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp ở mỗi nước.
3. Hai bên khuyến khích trao đổi kinh nghiệm về mô hình quản lý hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ quy mô hộ gia đình làm nông nghiệp và những vấn đề khác góp phần phát triển nông thôn và gia tăng sản xuất.
4. Hai Bên sẽ mở rộng việc tập huấn cho người sản xuất nông nghiệp và người có quyền sử dụng đất tham gia sản xuất lương thực về kiến thức, kỹ thuật sản xuất, quản lý và quản trị trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như trao đổi kinh nghiệm về các chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp.
5. Hai bên sẽ cùng làm việc trong các dự án hợp tác và phát triển công nghệ nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường mối quan hệ hợp tác, thông qua xác định nguồn vốn vay có thể tiếp cận được để thực hiện các dự án, góp phần thay thế hiệu quả hàng nhập khẩu trong các mục tiêu sau: sản xuất lúa gạo, từng bước tăng dần sản lượng cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra, mở rộng dần dần các dự án hợp tác cho đến khi đạt diện tích 30 nghìn ha, tăng năng suất ở những diện tích đã trồng lúa; sản xuất đậu tương, ngô, cao lương, kê và một số ngũ cốc có hạt khác, chế biến bột khoai lang và khoai tây, nguyên liệu làm thức ăn cho người và gia súc.
6. Hai Bên cùng nghiên cứu và xúc tiến phát triển chuỗi sản xuất quốc gia, khuyến khích du nhập công nghệ sau thu hoạch.
7. Thúc đẩy việc hình thành hệ thống tổng hợp trao đổi giống cây trồng có tiềm năng năng suất cao đối với cây ăn quả (quả bơ), cây lương thực có hạt (gạo, ngô và đậu tương), rau màu (sắn) và các cây trồng khác, gắn kết với 1 chương trình nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật phổ cập ứng dụng kết quả nghiên cứu.
8. Hai Bên sẽ cụ thể hóa việc ký kết hiệp định thú y và bảo vệ thực vật nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi sản phẩm động thực vật.
9. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như phát triển một số giống cá nước ngọt và tôm.
10. Đẩy mạnh hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Cu-ba trong lĩnh vực thủy sản như giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (RIA) và Tập đoàn doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm (GEIA).
1. Hai Bên sẽ phát triển và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ trên cơ sở Thỏa thuận ký năm 2009 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp Nhẹ Cu-ba (cũ). Theo hướng này, khuyến khích phát triển thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Cu-ba trong các lĩnh vực may mặc, sản xuất đồ nội thất, da giày, các sản phẩm nhựa và bao bì.
2. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án liên quan đến ngành công nghiệp cơ khí luyện kim của Cu-ba, chủ yếu là kim khí trên cơ sở hiện đại hóa và tận dụng năng lực sản xuất hiện tại nhằm góp phần thay thế hàng nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu.
3. Khởi động lại sự hợp tác với các nhà máy đóng tàu của Việt Nam và xem xét khả năng cung cấp vật tư phục vụ đóng tàu.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển Chương trình công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là các sản phẩm sữa, trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất hiện tại của một số sản phẩm như pho mát creme, sữa chua và sữa đặc.
1. Hai Bên sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
2. Hai Bên sẽ phát triển và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền cũng như vùng biển đặc quyền kinh tế của Cu-ba ở vịnh Mê-xi-cô.
3. Khuyến khích phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như phát triển các ứng dụng và sản phẩm điện tử sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
4. Khuyến khích Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PTSC) tham gia phát triển Căn cứ Dịch vụ Hậu cần Dầu khí dự kiến sẽ thành lập tại Đặc khu Phát triển Mariel (ZEDM).
IV. Công nghệ thông tin và Viễn thông.
1. Hai Bên sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Khuyến khích thực hiện các dự án phát triển và/hoặc hiện đại hóa ngành công nghiệp viễn thông của Cu-ba hướng vào xuất khẩu và đáp ứng các nhu cầu ưu tiên phát triển của đất nước.
2. Hai Bên sẽ khuyến khích phát triển các dự án viễn thông và dịch vụ hạ tầng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, nhằm sử dụng tiềm năng kỹ thuật của Cu-ba, kết hợp với nguồn lực, sản phẩm và thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực này và tất cả những gì phía Cu-ba có thể đóng góp.
3. Tiếp tục các nỗ lực cùng với phía Việt Nam tìm ra điều kiện hai Bên cùng chấp nhận được để tham gia các dự án mà các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ở các nước khác.
4. Cùng nhau phát triển các sản phẩm phục vụ ngành viễn thông như thẻ SIM- SCRACH và các sản phẩm khác, thông qua phương thức hình thành liên doanh hoặc thông qua cách thức hợp tác khác nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
5. Hai Bên sẽ hợp tác phát triển các giải pháp tin học thông qua hình thức liên doanh, từ khâu thiết kế, sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ đi kèm. Dự án này dự kiến sản xuất thiết bị tin học, bao gồm cả sản phẩm tiêu chuẩn, phù hợp với lợi ích kinh doanh.
6. Khuyến khích phát triển các thiết bị mới và dự án liên quan đến lĩnh vực này, trên cơ sở có được các phòng nghiên cứu hiện đại mà hai Bên cùng đầu tư để phát triển các dịch vụ công nghệ và ứng dụng mới chủ yếu để phục vụ xuất khẩu.
7. Đánh giá khả năng phát triển các dự án tin học hóa xã hội và chính phủ trực tuyến, phù hợp với kinh nghiệm và mối quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả việc thành lập các trung tâm dữ liệu.
8. Khuyến khích sản xuất thẻ thông minh và các dự án có liên quan đến dịch vụ này. Cùng nhau phát triển các thiết bị, dịch vụ và giải pháp nghe nhìn cũng như các sản phẩm điện tử nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, cung cấp cho ngành du lịch và xuất khẩu.
1. Hai Bên sẽ nỗ lực tăng cường xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ được phát triển bởi ngành công nghệ sinh học Cu-ba, sử dụng các phương thức khác nhau và phù hợp với các quy định hiện hành của hai nước.
2. Làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý dược Việt Nam và Cu-ba như là một cách thức đẩy nhanh hơn các giai đoạn và các quy trình đăng ký sản phẩm mới của Cu-ba.
3. Hai Bên tăng cường hợp tác để tiến tới thỏa thuận về việc hợp tác sản xuất vắc xin, sản phẩm dược sinh học tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu thông qua hình thức chuyển giao công nghệ.
4. Hai Bên đã thỏa thuận trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định về Y tế giữa hai nước.
1. Hai Bên sẽ tăng cường hợp tác về du lịch trong những lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm.
2. Hai Bên sẽ khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nỗ lực để cụ thể hóa các dự án đầu tư hai nước cùng quan tâm.
3. Phía Cu-ba khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam về du lịch trong các chuyên ngành đào tạo cơ bản tại Cu-ba, cung cấp cho Việt Nam chuyên gia kỹ thuật hoặc lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn trong lĩnh vực du lịch.
Tăng cường hoạt động của Ủy ban hỗn hợp doanh nghiệp Việt Nam - Cu-ba thông qua những hành động cụ thể sau:
a) Khuyến khích nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa tham gia tìm kiếm các cơ hội thương mại và đầu tư mà hai Bên cùng quan tâm, nhằm góp phần đa dạng hóa xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Cu-ba vào thị trường Việt Nam, cũng như tìm kiếm các nhà cung cấp và/hoặc khách hàng.
b) Xúc tiến quảng bá về Hội chợ Thương mại quốc tế La Habana thông qua việc gửi sớm các thông tin về Hội chợ, thư mời cũng như điều kiện tham gia.
c) Hỗ trợ tiếp đón các đoàn doanh nghiệp, tổ chức chương trình làm việc, tạo thuận lợi tiếp xúc song phương với các đối tác Cu-ba, thu xếp các cuộc gặp gỡ trao đổi và tổ chức diễn đàn doanh nghiệp theo chức năng.
d) Quan tâm theo dõi kết quả các chuyến thăm đã thực hiện cũng như các cuộc tiếp xúc thương mại nhân dịp được giao tổ chức các chương trình làm việc.
e) Tổ chức các phiên họp của Ủy ban hỗn hợp doanh nghiệp song phương, tạo điều kiện duy trì các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp 2 nước, thúc đẩy trao đổi nội dung quan tâm hợp tác và nhận dạng các cơ hội thương mại và kinh doanh mới.
Hai Bên thống nhất giao cho Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam Cu-ba về Hợp tác kinh tế và kỹ thuật, trên nền tảng hệ thống hợp tác hiện tại và phù hợp với Chương trình. Nghị sự này, định hướng và phối hợp hợp tác song phương và chịu trách nhiệm đánh giá thực hiện Chương trình Nghị sự này.
Nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung ghi trong Chương trình Nghị sự kinh tế song phương, Hai Bên sẽ đàm phán và thỏa thuận các hành động cụ thể và kế hoạch thực hiện trong vòng sáu tháng sau ngày Chương trình được ký và có hiệu lực.
Chương trình này là chiến lược để định hướng triển vọng mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương trong 5 năm tới.
Các dự án và hành động cụ thể, tùy theo tính chất sẽ được hai Chính phủ, các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp của hai nước thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu, mối quan tâm chiến lược và khả năng của các bên.
Những vấn đề không được đề cập đến trong Bản quy hoạch này sẽ được các Bên có liên quan phối hợp giải quyết phù hợp với các nguyên tắc đã được quy định.
Chương trình này có hiệu lực tạm thời kể từ ngày ký và có hiệu lực chính thức vào ngày một Bên nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ theo luật pháp của mỗi nước để Chương trình có hiệu lực.
Sáu (06) tháng trước ngày Chương trình Nghị sự kết thúc hiệu lực, hai Bên thông qua đàm phán có thể cập nhật và gia hạn Chương trình Nghị sự này.
Các Bên có thể thống nhất về các thay đổi của Chương trình này vào bất cứ thời điểm nào, những thay đổi này sẽ phải được lập thành văn bản và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trừ khi các Bên thống nhất vấn đề khác, các dự án và chương trình đang được thực hiện tại thời điểm kết thúc Chương trình này, sẽ tiếp tục được phát triển cho đến khi kết thúc hoàn toàn.
Ký tại La Habana, Cu-ba ngày 27 tháng 3 năm 2014, bằng hai bản gốc, bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, mỗi Bên giữ một bản, các văn bản có giá trị như nhau.
THAY MẶT | THAY MẶT |
- 1 Thông báo 36/2016/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định công nhận tương đương quá trình học tập, văn bằng đại học và sau đại học giữa Việt Nam và Cu-ba
- 2 Thông báo hiệu lực của Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật và phát triển giữa Việt Nam và Va-nu-a-tu
- 3 Thông báo hiệu lực của Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động (Convention on International Interests in Mobile Equipment) do Bộ Ngoại giao ban hành
- 4 Thông báo hiệu lực Nghị định thư của Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động về các vấn đề đặc thù đối với trang thiết bị tàu bay (Protocol to the Convention on International Interests in Mobile Equipment on Matters Specific to Aircraft Equipment) do Bộ Ngoại giao ban hành
- 5 Thông báo hiệu lực của Công ước về Biển báo và Tín hiệu Đường bộ do Bộ Ngoại giao ban hành
- 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 1 Thông báo hiệu lực của Công ước về Biển báo và Tín hiệu Đường bộ do Bộ Ngoại giao ban hành
- 2 Thông báo hiệu lực của Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động (Convention on International Interests in Mobile Equipment) do Bộ Ngoại giao ban hành
- 3 Thông báo hiệu lực Nghị định thư của Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động về các vấn đề đặc thù đối với trang thiết bị tàu bay (Protocol to the Convention on International Interests in Mobile Equipment on Matters Specific to Aircraft Equipment) do Bộ Ngoại giao ban hành
- 4 Thông báo hiệu lực của Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật và phát triển giữa Việt Nam và Va-nu-a-tu
- 5 Thông báo 36/2016/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định công nhận tương đương quá trình học tập, văn bằng đại học và sau đại học giữa Việt Nam và Cu-ba