BỘ NGOẠI GIAO |
|
Số: 012/2011/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG BÁO HIỆU LỰC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
“Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về hợp tác phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán, ký tại Hà Nội ngày 03 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2011”.
Bộ Ngoại giao kính chuyển Bản sao lục Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ HỢP TÁC PHÒNG, CHỐNG BUÔN BÁN NGƯỜI VÀ BẢO VỆ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, sau đây được gọi là “hai Bên”;
Với sự quan ngại sâu sắc về nạn buôn bán người, coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người, là sự chà đạp thô bạo lên danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thân thể, tinh thần, tình cảm và nhân cách của con người; gây hại đến các mối quan hệ xã hội và giá trị đạo đức;
Nhằm mục đích phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là các nhóm, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia liên quan trực tiếp đến buôn bán người và bảo vệ nạn nhân theo tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và phù hợp với pháp luật hiện hành của mỗi nước;
Tin tưởng rằng hợp tác về thực thi pháp luật và điều tra hình sự là một biện pháp hiệu quả trong đấu tranh chống tội phạm buôn bán người;
Với mong muốn tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Giải thích từ ngữ
Trong khuôn khổ Hiệp định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Buôn bán người” là việc tuyển chọn, vận chuyển, chuyển giao, che giấu hoặc tiếp nhận người bằng các thủ đoạn đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các hình thức ép buộc khác; bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng tình trạng dễ bị tổn thương của người bị hại; hoặc đưa và nhận tiền hoặc lợi ích khác để đạt được sự đồng ý của một người nào đó đang quản lý một người khác nhằm mục đích bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, lao động khổ sai, lấy đi bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Việc tuyển chọn, vận chuyển, chuyển giao, che giấu hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi vì mục đích bóc lột sẽ bị coi là buôn bán dù việc đó không liên quan tới bất cứ thủ đoạn nào nêu tại khoản 1 Điều này.
2. “Nạn nhân” là người bị buôn bán mang quốc tịch Việt Nam hoặc Lào hiện đang ở tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào bị một người hay một nhóm người sử dụng một trong các thủ đoạn nêu tại khoản (1) của Điều này nhằm mục đích bóc lột.
Điều 2. Phạm vi hợp tác
Phù hợp với các quy định của Hiệp định này và pháp luật hiện hành của mỗi Bên và các điều ước quốc tế khác liên quan tới tội phạm buôn bán người mà hai Bên đã phê chuẩn hoặc tham gia, hai Bên cam kết dành cho nhau sự hợp tác ở mức tối đa trong các nội dung sau:
1. Phòng ngừa buôn bán người;
2. Phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán người;
3. Bảo vệ nạn nhân;
4. Nâng cao năng lực trong phòng, chống buôn bán người.
Điều 3. Biện pháp phòng ngừa
1. Hai Bên sẽ tiến hành bổ sung, hoàn thiện pháp luật cần thiết và áp dụng các biện pháp phù hợp để đảm bảo việc thực thi pháp luật và quyền tài phán của nước mình phù hợp với tuyên bố hoặc điều ước quốc tế mà nước mình ký kết hoặc gia nhập.
2. Hai Bên sẽ xây dựng các chương trình giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tăng cường các dịch vụ xã hội như: y tế, trợ giúp tâm lý, pháp lý... và phối hợp thực hiện các chiến dịch truyền thông trong nội địa và dọc tuyến biên giới giữa hai nước nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm buôn bán người trong cộng đồng dân cư, đặc biệt đối với nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm này.
Điều 4. Biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán
1. Hai Bên cam kết áp dụng những biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Theo đó các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên phải tiến hành mọi biện pháp có thể để bảo đảm an toàn cho nạn nhân:
a) Được đối xử công bằng, trợ giúp về pháp lý. Nạn nhân không bị giam giữ, không bị xử lý về hành vi xuất, nhập cảnh bất hợp pháp hoặc bất cứ hành vi vi phạm hành chính nào liên quan đến việc trở thành nạn nhân của họ;
b) Được bố trí ăn, ở và bảo vệ theo quy định của chính sách và pháp luật mỗi nước trong thời gian chờ làm thủ tục hồi hương;
c) Được đối xử nhân đạo, bảo đảm an toàn, giữ bí mật thông tin và tôn trọng nhân phẩm trong suốt quá trình bảo vệ, hồi hương và tham gia tố tụng hình sự;
d) Được hỗ trợ, điều trị về tâm lý, khám sức khỏe và được cung cấp các hỗ trợ cần thiết khác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước và theo từng trường hợp cụ thể của nạn nhân.
2. Nạn nhân dưới 18 tuổi được chăm sóc một cách phù hợp với lứa tuổi trong quá trình bảo vệ, hồi hương và tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.
3. Con dưới 18 tuổi của nạn nhân đi cùng được hưởng chính sách bảo vệ như đối với nạn nhân.
4. Các cơ quan hữu quan của hai Bên cần áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho nạn nhân, người làm chứng và gia đình của họ không bị trả thù hoặc đe dọa trong và sau quá trình điều tra.
Điều 5. Hợp tác trong đấu tranh chống tội phạm buôn bán người
1. Các cơ quan có thẩm quyền trong điều tra, xử lý tội phạm buôn bán người của hai Bên, nhất là ở khu vực biên giới chung giữa hai nước, sẽ hợp tác chặt chẽ, tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất theo sự thỏa thuận nhằm trao đổi thông tin về nạn nhân, tội phạm buôn bán người để đề ra kế hoạch, biện pháp hợp tác hiệu quả.
2. Hai Bên sẽ tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ của các cơ quan liên quan nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng ngừa, điều tra, xử lý các vụ án buôn bán người và bảo vệ nạn nhân.
3. Hai Bên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, phát hiện, bắt giữ và chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan của mỗi Bên và các quy định tại Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN ký ngày 29 tháng 11 năm 2004 tại Kua-la-lum-pơ, Tuyên bố chung về hợp tác phòng, chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mê kông, ký ngày 14 tháng 12 năm 2007 tại Bắc Kinh và Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ký ngày 06 tháng 7 năm 1998 tại Hà Nội.
4. Các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên sẽ hợp tác trong việc thu thập và trao đổi thông tin liên quan đến buôn bán người như: tuyến đường, địa điểm, đối tượng, phương thức và thủ đoạn buôn bán người và thông tin về cá nhân các đối tượng buôn bán người.
Điều 6. Xác định và chuyển giao nạn nhân
1. Hai Bên cam kết hợp tác nhằm bảo đảm xác minh, xác định và hồi hương nạn nhân an toàn và nhanh chóng
2. Căn cứ để xác định nạn nhân
a) Tài liệu, bằng chứng do hai Bên cung cấp;
b) Lời khai và bằng chứng do nạn nhân cung cấp;
c) Kết quả xác minh của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Bộ An ninh Lào;
d) Lời khai của người thực hiện hành vi buôn bán người;
e) Thông tin do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ có liên quan cung cấp;
f) Thông tin từ các nguồn khác cung cấp.
3. Cơ quan chủ trì việc xác minh, giao nhận nạn nhân về phía nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và về phía nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là Cục Cảnh sát điều tra, Bộ An ninh
Cơ quan chủ trì của hai Bên có những nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức xác minh về nhân thân, quốc tịch nạn nhân;
b) Chuẩn bị việc bàn giao và tiếp nhận nạn nhân;
c) Tiến hành việc giao, nhận nạn nhân theo kế hoạch đã được chuẩn bị;
d) Đảm bảo an toàn cho nạn nhân trong quá trình giao nhận.
4. Trình tự, thủ tục xác minh và chuyển giao nạn nhân
a) Cơ quan chủ trì của Bên yêu cầu sẽ chuyển cho cơ quan chủ trì Bên được yêu cầu hồ sơ đề nghị xác minh và tiếp nhận nạn nhân. Hồ sơ gồm: văn bản đề nghị xác minh và tiếp nhận (bằng ngôn ngữ tiếng Anh hoặc ngôn ngữ Bên được yêu cầu), Bản tự khai theo mẫu (có ảnh kèm theo) do hai Bên thống nhất và các tài liệu khác giúp cho việc xác minh nhân thân và quốc tịch (nếu có);
b) Cơ quan chủ trì của Bên được yêu cầu xác minh và trả lời kết quả cho Bên yêu cầu trong thời gian nhanh nhất và không quá ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu về việc đồng ý tiếp nhận hay không tiếp nhận nạn nhân. Trường hợp đồng ý tiếp nhận, cơ quan chủ trì của Bên được tiếp nhận sẽ cấp giấy thông hành hoặc ủy quyền cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước mình (sau đây gọi tắt là cơ quan đại diện) ở Bên yêu cầu cấp giấy thông hành về nước cho nạn nhân;
c) Sau khi nhận được văn bản đồng ý tiếp nhận nạn nhân, cơ quan chủ trì của Bên yêu cầu thông báo cho cơ quan chủ trì Bên được yêu cầu trước ít nhất 05 (năm) ngày làm việc về danh sách nạn nhân, thời gian, phương tiện và cửa khẩu quốc tế để tiến hành trao trả;
d) Phương thức chuyển giao hồ sơ: thông qua cơ quan đại diện của nước mình hoặc chuyển trực tiếp cho cơ quan chủ trì;
e) Việc trao trả nạn nhân được tiến hành tại các cửa khẩu quốc tế và vào thời gian cụ thể do hai Bên thống nhất. Cán bộ có thẩm quyền của hai Bên tiến hành ký nhận vào biên bản giao nhận.
Điều 7. Tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân
1. Hai Bên cam kết tiến hành các biện pháp nhằm hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập xã hội và gia đình một cách an toàn.
2. Hai Bên sẽ phối hợp hỗ trợ xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tái hòa nhập cộng đồng.
Điều 8. Cơ quan chủ trì
1. Để thực hiện Hiệp định này hai Bên chỉ định Cơ quan chủ trì thực hiện Hiệp định là:
a) Về phía Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Công an;
b) Về phía Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là Bộ An ninh.
2. Cơ quan chủ trì của hai Bên có trách nhiệm tham vấn và thống nhất về các biện pháp cần thiết để thực hiện Hiệp định này.
3. Nhiệm vụ của Cơ quan chủ trì:
a) Xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động chung cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan của hai Bên tiến hành thực hiện nội dung Hiệp định này;
b) Hàng năm, đánh giá kết quả các hoạt động phối hợp và đề xuất nội dung thúc đẩy hợp tác thực hiện Hiệp định báo cáo Chính phủ mỗi Bên.
c) Đề xuất tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất nhằm đánh giá việc tổ chức thực hiện Hiệp định này;
d) Lập hồ sơ, cơ sở dữ liệu về công tác phòng, chống buôn bán người của các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan tổ chức trong nước của mỗi Bên và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Điều 9. Bảo mật thông tin
Các tin tức, tài liệu trao đổi cho nhau phải được bảo đảm bí mật theo quy định pháp luật của mỗi Bên. Những tin tức, tài liệu này chỉ được sử dụng cho việc thực hiện các yêu cầu của Bên yêu cầu, không trao cho Bên thứ 3 nếu chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bên cung cấp.
Điều 10. Điều khoản không ảnh hưởng
Các điều khoản của Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của hai Bên trong thực hiện các điều ước quốc tế mà mình là thành viên trước khi ký kết Hiệp định này.
Điều 11. Giải quyết tranh chấp
Mọi bất đồng và tranh chấp nảy sinh liên quan đến việc giải thích và thi hành Hiệp định này được giải quyết một cách hữu nghị thông qua tham vấn giữa hai Bên hoặc qua đường ngoại giao.
Điều 12. Sửa đổi bổ sung Hiệp định
Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung khi có sự thống nhất của hai Bên bằng văn bản thông qua đường ngoại giao.
Điều 13. Đình chỉ thực hiện Hiệp định
Một Bên có thể tạm thời đình chỉ toàn bộ hoặc một phần việc thực hiện Hiệp định này vì các lý do trật tự công cộng, an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng hoặc lý do khác. Việc đình chỉ và chấm dứt đình chỉ Hiệp định phải được thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao.
Điều 14. Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
1. Hiệp định này có hiệu lực sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày một Bên nhận được thông báo sau cùng của Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ theo pháp luật của mỗi nước để Hiệp định có hiệu lực.
2. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia qua đường ngoại giao về việc chấm dứt Hiệp định. Việc chấm dứt đó sẽ có hiệu lực sau 90 (chín mươi) ngày làm việc kể từ ngày Bên kia nhận được thông báo.
3. Trong trường hợp chấm dứt hiệu lực, Hiệp định này vẫn tiếp tục được áp dụng đối với các yêu cầu hợp tác được đưa ra trước ngày kết thúc Hiệp định.
Để làm bằng, người được ủy quyền đầy đủ của Chính phủ mỗi Bên dưới đây, ký Hiệp định này.
Làm tại Thủ đô Hà Nội, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 03 tháng 11 năm 2010, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh được dùng làm cơ sở./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |