VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2007 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐỒNG THÁP
Ngày 23 tháng 12 năm 2006, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2006 và một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đoàn kết phấn đấu, vượt qua khó khăn, tạo nên sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh năm 2006 đạt 14,27%, đứng thứ hai trong các tỉnh Tây Nam Bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kim ngạch xuất khẩu tăng 43,3%; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư và phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung cả nước và của Vùng.
Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn là tỉnh nghèo, có điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu kém, thường xuyên bị lũ tàn phá; cơ cấu kinh tế mang nặng tính thuần nông; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp so với Vùng và bằng 63% bình quân chung của cả nước; thu-chi ngân sách chưa đảm bảo cân đối, còn phải dựa vào trợ cấp từ ngân sách trung ương; tai nạn giao thông chưa được đẩy lùi, số người chết năm 2006 tăng 20% so với năm 2005.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đạt được nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 và hoàn thành những mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, Tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số công tác sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản để trong thời gian ngắn có thể đưa kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh vượt mức 300 triệu USD. Từ đó, giải quyết việc tiêu thụ nông sản, thuỷ sản cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tham gia sâu hơn vào hợp tác và phân công lao động quốc tế.
2. Tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, làm tốt hơn nữa việc xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài; có chính sách phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn để thu hút lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.
3. Phát triển thêm các cơ sở dạy nghề nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo. Xây dựng và nâng cấp các trường học theo hướng chuẩn hoá cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình để nâng cao chất lượng dạy và học. Ưu tiên vốn đầu tư, trong đó có nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục-thể thao. Rà soát, thống kê các hộ nghèo và cận nghèo, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn theo chính sách của Nhà nước để xoá đói, giảm nghèo một cách vững chắc.
4. Tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh, huyện đến xã việc phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở lúa; bệnh lở mồm, long móng ở gia súc và dịch cúm ở gia cầm.
Kiên quyết chặn đứng và đẩy lùi tai nạn giao thông. Tỉnh phải quan tâm chỉ đạo thực hiện cho bằng được việc giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là giảm số người chết (mức giảm thấp nhất phải tương đương với mức tăng của năm 2006 so với năm 2005 và phấn đấu giảm thêm 5%).
Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về tiếp tục đầu tư vốn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Tỉnh:
a) Các dự án kênh Tân Thành-Lò Gạch, kênh Đường Thét-Cầu Lố và nạo vét sông Sở Hạ-Cái Cỏ: đã bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh thực hiện nhanh và phải đảm bảo quy trình, chất lượng công trình.
b) Dự án quốc lộ N2 đoạn Mỹ An-Vàng Cống: đã bố trí trong danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng phê duyệt dự án để khởi công trong năm 2007.
c) Để xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đồng ý thuê tư vấn nước ngoài, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính tìm nguồn vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự toán của dự án nâng cấp Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận-Vàm Cống, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để thực hiện trong năm 2007-2008.
đ) Việc đầu tư giai đoạn II tuyến đường nối từ cửa khẩu Dinh Bà đến đường xuyên Á thuộc địa phận tỉnh Prây-Veng, Campuchia là cần thiết, Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để đưa vào chương trình đàm phán của Uỷ ban Hợp tác Việt Nam-Campuchia, trình Thủ tướng Chính phủ.
e) Đối với các công trình đường ô tô đến trung tâm 28 xã, Trung ương đã bố trí vốn xây dựng đường đến trung tâm xã của 04 xã: An Bình B, Hoà Bình, Thạnh Lợi, Tân Công Sinh với tổng mức đầu tư là 34,5 tỷ đồng, Tỉnh cấn sớm triển khai và phải đảm bảo quy trình, chất lượng công trình. Số xã còn lại theo đề nghị của Tỉnh, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng địa phương rà soát lại, xác định định mức, tiêu chí đầu tư, vốn đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện trong các năm 2008-2010.
g) Việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn từ thị xã Cao Lãnh đến thị trấn Hồng Ngự là cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ giai đoạn đến năm 2010 và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, tìm nguồn vốn để đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về việc hỗ trợ và giúp đỡ Tỉnh tạo thế chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai và ổn định đời sống nhân dân:
a) Đối với các dự án: kè chống xói lở thị trấn Hồng Ngự, đê bao chống lũ bảo vệ thị xã Cao Lãnh, chống sạt lở ở Trạm kiểm soát biên phòng A Đôn và Cả Xiêm, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ cho tỉnh 08 tỷ đồng; số vốn còn lại của các dự án này, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn bố trí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Đối với khối lượng hoàn thành (89 tỷ đồng) của Chương trình tôn nền vượt lũ các cụm, tuyến dân cư (theo Quyết định số 216/2002/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ), giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Chính phủ.
c) Đối với các cụm tuyến dân cư khác (ngoài Quyết định số 216/2002/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ), Tỉnh lập dự án cụ thể, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp nhu cầu vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về việc hỗ trợ và giúp đỡ Tỉnh đảm bảo nhiệm vụ thu-chi ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển:
a) Giao Bộ Tài chính tìm nguồn vốn cho Bộ Giao thông vận tải vay trả đủ nợ gốc hàng năm đối với dự án nâng cấp quốc lộ 30 và quốc lộ 54.
b) Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển giao thông nông thôn.
4. Về việc thành lập thành phố Cao Lãnh trực thuộc tỉnh Đồng Tháp: giao Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 11/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 420/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 326/TB-VPCP năm 2013 Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1 Thông báo 11/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 420/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 326/TB-VPCP năm 2013 Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành