Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 103/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Ngày 18 tháng 3 năm 2009 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì phiên họp về Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tham gia cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo về việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2008 và kế hoạch năm 2009; ý kiến của lãnh đạo các cơ quan dự họp; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

1. Đánh giá chung

Chương trình triển khai đã được gần 3 năm, trong thời gian qua việc triển khai đã có những tiến bộ; Chương trình đã thực hiện được nhiều nội dung, thông qua công tác truyền thông đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chương trình đã thực hiện được tất cả các nội dung đã đề ra và đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể như sau:

- Về tăng cường quản lý nhà nước: đã bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; khi triển khai Chương trình cả nước mới có một Trung tâm, nhưng đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố có Trung tâm tiết kiệm năng lượng.

- Về công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin, báo chí thực hiện nhiều chương trình và chuyên mục về tiết kiệm năng lượng; xây dựng được 52 chương trình truyền hình giải trí tiết kiệm năng lượng. Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh triển khai thí điểm cuộc vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình; xây dựng được nhiều công trình khí sinh học với các quy mô khác nhau tại nhiều địa phương; tổ chức cuộc thi Toà nhà tiết kiệm năng lượng, tổ chức hội chợ triển lãm các sản phẩm và dịch vụ tiết kiệm năng lượng, dịch vụ kỹ thuật công nghệ tiết kiệm năng lượng...

- Về phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp: xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, phương pháp thử cho một số sản phẩm; dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho một số đơn vị sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng; phổ biến thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình, tập thể phục vụ sinh hoạt; thực hiện chương trình quảng bá sử dụng đèn Compact, đến cuối năm 2008 đã tiêu thụ tại thị trường trong nước hơn 23 triệu bóng đèn Compact các loại, tăng 40%/năm. Tuy nhiên, bóng đèn tròn tiêu thụ trong nước vẫn còn khoảng 40 triệu bóng.

- Về thực hiện chương trình trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: đã hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng xây dựng chương trình Tiết kiệm năng lượng tổng thể, mô hình thí điểm tiết kiệm năng lượng và đào tạo cán bộ quản lý năng lượng; khảo sát, đánh giá tiềm năng tiết kiệm cho khoảng 500 doanh nghiệp trọng điểm; tổ chức kiểm toán năng lượng cho trên 200 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

- Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các toà nhà: xây dựng, biên soạn các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng; đề xuất các giải pháp về quy hoạch xây dựng đô thị, thiết kế kiến trúc; hướng dẫn sử dụng các loại thiết bị điều hoà không khí trung tâm, đun nước nóng; các loại vật liệu, thành phẩm xây dựng trong thiết kế, thi công trang trí nội ngoại thất nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Về thực hiện chương trình trong ngành giao thông vận tải: đã có một số đề xuất các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu cho các phương tiện đường sắt; ứng dụng thí điểm Cabin điện tử trong công tác đào tạo lái xe; chế tạo thử nghiệm nồi hơi sử dụng năng lượng khí xả trên tàu thuỷ.

- Về các dự án thí điểm đầu tư: trong thời gian qua, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ gần 20 tỷ đồng cho việc triển khai các dự án thí điểm tại một số doanh nghiệp và hỗ trợ đầu tư xây dựng một số cơ sở thử nghiệm; ngoài ra còn có sự hỗ trợ tài chính của một số tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn có một số điểm cần phải khác phục trong thời gian tới, như: chưa đưa ra được tiêu chí đánh giá định lượng hiệu quả của các dự án, các chương trình; Ban chỉ đạo cần họp thường xuyên hơn để có các đánh giá và chỉ đạo cần thiết về các hoạt động của chương trình; công tác truyền thông chưa đưa đến được từng hộ gia đình trên phạm vi toàn quốc,...

2. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan

Hiệu suất chung của ngành năng lượng Việt Nam còn ở mức thấp, khả năng của lĩnh vực tiết kiệm còn rất lớn, chính vì vậy cần triển khai mạnh mẽ và có cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh chương trình. Các Bộ, ngành cần chủ động xây dựng chương trình để thực hiện và tập trung thực hiện ngay một số việc sau đây:

a) Bộ Công Thương

- Xây dựng và tính toán các tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả đạt được của chương trình, bao gồm: hiệu suất hay cường độ năng lượng của các ngành (Công nghiệp, Giao thông vận tải...) và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Xây dựng các chương trình truyền thông, các tiêu chí tiết kiệm năng lượng của các hộ gia đình, các cơ quan, các tòa nhà để phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng. Mở rộng cuộc vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Phụ nữ các tỉnh chủ trì ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Tăng cường phát triển các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, tiến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng.

- Khẩn trương hoàn thiện Luật Tiết kiệm năng lượng để trình Quốc hội trong năm 2009.

- Đẩy nhanh chương trình dãn nhãn tiết kiệm năng lượng, tiến tới thực hiện dán nhãn bắt buộc đối với các thiết bị điện được sử dụng nhiều.

- Củng cố bộ phận điều phối, theo dõi, tổng hợp nhu cầu đầu tư cho các dự án lớn, trên cơ sở đó đề xuất các nguồn kinh phí cho chương trình.

- Chọn một số ngành công nghiệp, một số doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để xây dựng các dự án thực hiện; các dự án có thể vay ưu đãi theo quy định trong Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ của các Sở Công nghiệp, Điện lực, các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và các doanh nghiệp trọng điểm.

- Phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất các chính sách tăng thuế nhập khẩu hay cấm nhập khẩu bóng đèn tròn.

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế hỗ trợ cho sản xuất và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

- Về kinh phí cho chương trình: Bộ cần làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị vốn cho dự án, nếu thiếu sẽ xem xét bổ sung vào tháng 10 hàng năm. Vốn ngân sách cấp chủ yếu cho các nghiên cứu, truyền thông và hỗ trợ một phần cho đầu tư; các công trình đầu tư lớn chủ yếu thực hiện vay ưu đãi theo các Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008. Kết hợp vốn trong nước với các nguồn vốn hỗ trợ từ các nước và các tổ chức quốc tế.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông

- Vận động từng gia đình, đưa chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng trong đánh giá gia đình văn hóa, đưa nội dung về tiết kiệm năng lượng trong các cuộc họp về tổ dân phố, từng bước hình thành ý thức trong mọi người dân.

- Xây dựng các chương trình, mỗi chương trình đều có tên để dễ nhớ, dễ thực hiện, như: phát động phong trào xây dựng gia đình xanh, tòa nhà xanh, mỗi gia đình có một giàn đun nước dùng năng lượng mặt trời... với sự tham gia của các tổ chức quần chúng, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân,...

c) Bộ Xây dựng: đẩy mạnh triển khai và hướng dẫn các Sở Xây dựng áp dụng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với 100% các tòa nhà xây dựng mới.

d) Bộ Giao thông vận tải

- Đẩy mạnh triển khai các nội dung của Chương trình mục tiêu, tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng của các phương tiện giao thông và công tác kiểm định tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện giao thông.

- Đánh giá các chương trình thí điểm sử dụng các dạng năng lượng mới (LPG, CNG, nhiên liệu sinh học) trong các phương tiện vận tải để xem xét mở rộng ứng dụng.

- Quy hoạch hệ thống giao thông vận tải phù hợp, hệ thống phương tiện giao thông công cộng tiện lợi để hạn chế phương tiện cá nhân.

đ) Bộ Khoa học và Công nghệ

- Xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng và định mức tiêu hao năng lượng của các thiết bị điện để không cho các thiết bị không đạt tiêu chuẩn vào Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật hoàn chỉnh (hiệu suất, chất lượng và phương pháp thử) cho thiết bị đun nước nóng năng lượng mặt trời.

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đề xuất cơ chế hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển các dạng năng lượng ít ảnh hưởng và góp phần cải thiện môi trường: năng lượng tái tạo, sử dụng phế thải nông nghiệp, rác thải của các thành phố để phát điện.

g) Bộ Tài chính

Phối hợp với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các Trung tâm đào tạo chuyên sâu về kỹ năng kiểm toán và tư vấn đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng.

- Cơ chế hỗ trợ tài chính, miễn và giảm thuế cho các cơ sở sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng.

- Mở rộng đối tượng các doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế.

h) Bộ Giáo dục và Đào tạo: tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học của các cấp học; chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu và tập huấn hướng dẫn giáo viên cốt cán các cơ sở về phương pháp giảng dạy và sử dụng tài liệu trên.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông;
- Các Tập đoàn: Điện lực VN, Dầu khí VN, CN Than và Khoán sản Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Các Vụ: TKBT, ĐP, TH, KTTH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (5b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý