Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:  113/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO BAN TRỰC TUYẾN VỚI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2008 VÀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

Ngày 27 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì giao ban trực tuyến với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk. Cùng dự giao ban có các Phó Thủ tướng: Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 4 tháng đầu năm 2008 và thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát. Kết thúc giao ban, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Trong Điều kiện giá cả, lạm phát vẫn ở mức cao, các địa phương đã chấp hành nghiêm kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tích cực triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, nhất là việc chủ động rà soát để đình hoãn, giãn tiến độ đối với các dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa bảo đảm đủ các Điều kiện, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm tuy có nhiều khó khăn nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng khá. Các tỉnh, thành phố đều thể hiện quyết tâm không Điều chỉnh mà phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra. Các biện pháp kiềm chế lạm phát bước đầu đã có tác dụng, tốc độ tăng giá hàng hóa tiêu dùng đã có chiều hướng chững lại. Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, găm hàng, tăng giá; thực hiện nghiêm kỷ luật về giá, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Về tình hình kinh tế-xã hội cả nước 4 tháng đầu năm 2008

Mặc dù có nhiều khó khăn do biến động của giá cả, lạm phát, thời tiết, dịch bệnh, nhưng với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân nên kinh tế quý I năm 2008 của cả nước vẫn tăng trưởng; tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Tốc độ tăng GDP quý I đạt 7,4%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,4%, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 18,2 tỷ USD, tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2007. Giá cả tháng 4 đã có dấu hiệu chững lại (tháng 2 tăng 3,56%, tháng 3 tăng 2,99%, tháng 4 tăng 2,2%).

Chính trị xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng, an ninh... được khẩn trương triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,8%) và thấp xa so với mục tiêu kế hoạch cả năm (8,5 đến 9% và phấn đấu đạt mức cao hơn); giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp-xây dựng chỉ đạt 8,1%, thấp hơn 1% so với mức tăng cùng kỳ năm 2007. Mặc dù sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu (tăng 71% so với cùng kỳ năm 2007) và nhập siêu 4 tháng đã bằng 60,4% kim ngạch xuất khẩu.

Giá tiêu dùng tuy đã có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức rất cao; tháng 3 năm 2008 tăng 9,19% so với tháng 12 năm 2007. Nếu so với tháng 3 năm 2007 thì tốc độ tăng giá lên đến 19,39%, là mức tăng giá cao nhất trong nhiều năm qua.

Lạm phát và nhập siêu tăng cao cùng với những biến động bất thường của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến sản xuất, đến tăng trưởng của nền kinh tế và môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh.

3. Những nhiệm vụ trong thời gian tới:

Các tỉnh, thành phố căn cứ Điều kiện và tình hình thực tế của địa phương đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp mà Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ đã đề ra, bảo đảm đạt được kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực: tài chính, tiền tệ, sản xuất, xuất khẩu, an sinh xã hội; đạt cho được các chỉ tiêu kinh tế theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, cùng cả nước phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2008 Khoảng 7%.

Trước mắt, phải tập trung tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh phát triển sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đặc biệt chú ý phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư của các thành phần kinh tế; phát triển mạnh các dịch vụ. Kiên quyết sắp xếp, bố trí lại kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2008 theo Nghị quyết của Chính phủ để tập trung vốn cho những dự án, công trình sớm phát huy hiệu quả. Các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện Điều hành vốn đầu tư trong tổng mức đã giao, không Điều chỉnh tăng thêm. Ngân hàng bảo đảm đủ vốn và ngoại tệ phục vụ kịp thời và thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút mạnh và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Thực hiện nghiêm việc rà soát, tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong 8 tháng còn lại của năm 2008. Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra để bảo đảm việc tuân thủ quy định tiết kiệm theo đúng Quyết định số 390/2008/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phải tập trung chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu về những mặt  hàng thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, điện, than, xăng, dầu, thép, phân bón, giấy, các loại thuốc chữa bệnh, xi măng và một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu trong mọi tình huống với giá cả hợp lý, không được để thiếu hàng gây đột biến về giá và ngăn chặn đầu cơ, buôn lậu.

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội. Trước hết phải thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các địa phương rà soát lại, nắm chắc tình hình thực hiện, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nhất thiết không để đồng bào bị thiếu đói.

Tập trung làm tốt công tác an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nhất là vào dịp những ngày lễ lớn 30/4, 1/5 và những ngày tổ chức các sự kiện quan trọng của đất nước.

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp về an toàn giao thông.

4. Về các kiến nghị của địa phương:

- Về chuyển kinh phí hỗ trợ cho những hộ gia đình có trâu, bò chết trong đợt rét đậm, rét hại ở một số địa phương, Bộ Tài chính kiểm tra cụ thể để chuyển đủ kinh phí cho các địa phương hỗ trợ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

- Đồng ý với Bộ Tài chính nâng mức hỗ trợ đối với 01 con trâu, bò bị chết trong đợt rét đậm, rét hại lên 2 triệu đồng, theo nguyên tắc: ngân sách trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách địa phương 30%. Riêng đối với một số tỉnh miền núi khó khăn, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ cấu hỗ trợ cụ thể theo hướng cao hơn. Yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng.

- Về cấp bù kinh phí cho các địa phương do thực hiện quy định về miễn thủy lợi phí, trước mắt, Bộ Tài chính tạm ứng cho các địa phương để có nguồn thực hiện ngay từ quý II năm 2008; đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương xác định cụ thể số kinh phí hỗ trợ cho từng địa phương, trên cơ sở đó chủ động bố trí nguồn xử lý dứt Điểm trong quý II năm 2008.

- Về xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng xây dựng hồ thủy lợi Krong Búk Hạ, Đắk Lắk: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giải quyết cụ thể, theo hướng: giao đất, giao rừng và khoán quyền sử dụng rừng ổn định lâu dài cho dân thiếu đất sản xuất; khi hộ dân nhận khoán quyền sử dụng rừng ổn định lâu dài thì được hưởng các chính sách ưu đãi về lâm nghiệp như: hỗ trợ gạo, nhận tiền bảo vệ rừng, hỗ trợ nhà ở, đất ở... theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Về xây dựng chương trình đầu tư chống sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và đề xuất biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Về cơ chế hỗ trợ cho một số địa phương đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân; chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo...: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, địa phương liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xử lý cụ thể.

- Về bố trí bổ sung vốn cho các công trình trọng Điểm của thành phố Đà Nẵng (cầu Thuận Phước): đồng ý tạm ứng vốn đầu tư xây dựng năm 2009 là 100 tỷ đồng để thành phố Đà Nẵng tập trung hoàn thành sớm đưa công trình vào sử dụng.

- Về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Bộ Tư pháp sớm có ý kiến thẩm định để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Về sửa đổi Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Hải Phòng: Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 274/VPCP-ĐP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Việc xây dựng cảng Lạch Huyện là hết sức cấp bách, vì hiện nay Cảng Hải Phòng đã quá công suất: giao Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tập trung chuẩn bị để triển khai Dự án.

- Về đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở các đơn vị hành chính mới được thành lập: trước mắt thực hiện theo Quyết định số 390/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tạm dừng việc xây dựng trụ sở cơ quan, đơn vị hành chính).

- Về đề nghị bổ sung nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư đường giao thông đến trung tâm xã mới được chia tách thuộc một số huyện của thành phố Hải Phòng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xem xét cụ thể, tổng hợp vào danh mục hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Về đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho phép lập dự án Nhà máy sản xuất thép Posco tại vịnh Văn Phong: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thẩm định Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về các đề nghị: hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ các công trình giao thông, bệnh xá của các lâm trường bàn giao cho địa phương quản lý: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương liên quan để xử lý cụ thể.

- Về đề nghị hỗ trợ bổ sung vốn trong kế hoạch năm 2008 để thực hiện theo Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng Tây Nguyên đến năm 2010: Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn từ Khoản tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để hỗ trợ các địa phương. Ngoài ra, các địa phương chủ động sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương để xử lý.

- Về các đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện theo Thông báo số 103/TB-VPCP ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ và đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: thực hiện theo Thông báo số 110/TB-VPCP ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ.

- Về các kiến nghị cụ thể khác của các địa phương: giao các Bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý cụ thể và trả lời địa phương.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, TTĐT,
các Vụ: TH, TKBT, ĐP, KGVX, NC, KTN, ĐMDN;
- Lưu: VT, KTTH (5b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc