ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/TB-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 05 năm 1982 |
THÔNG BÁO
VỀ CUỘC HỌP ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM
Ngày 22-5-1982, đồng chí Nguyễn Võ Danh, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân thành phố, đã làm việc với đại diện một số sở, ban ngành và quận để đánh giá tình hình triển khai thực hiện nghị quyết 15/HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng và Thông tư số 08 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hành tiết kiệm
Tham dự cuộc họp có các đồng chí ở các ngành Trung ương chuyên trách theo dõi việc thực hiện nghị quyết và tiết kiệm.
Sau khi nghe đại diện của các ngành báo cáo tình hình và biện pháp thực hành tiết kiệm, các đồng chí ở các ngành Trung ương góp ý kiến, đồng chí Nguyễn Võ Danh, Phó Chủ Tịch Ủy ban nhân dân thành phố, đã kết luận :
1-Vừa qua, các ngành, các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm thành một nội dung trong chương trình thi đua. Nội dung thi đua nêu ra tương đối toàn diện (tiết kiệm lương thực, nhiên liệu, vật tư, điện, tài chánh v.v…).
Yêu cầu đặt ra hiện nay là từng đơn vị cơ sở, từng ngành, từng cấp phải nêu ra chỉ tiêu tiết kiệm trên từng mặt cho thật cụ thể về mặt định lượng (từ nay đến cuối năm tiết kiệm bao nhiêu tấn xăng, dầu, bao nhiêu tiền, tấn nguyên liệu v.v…) không thể dừng lại ở số tương đối. Công tác chỉ đạo cần được tăng cường hơn nữa.
2- Một số công tác cụ thể sau hội nghị này là :
- Các sở, ban, ngành, quận, huyện phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách tổ chức thực hiện nghị quyết 15 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 08 của Ủy ban nhân dân thành phố về tiết kiệm tại địa phương và ngành mình. Cần hướng dẫn các đơn vị trưc thuộc làm kế hoạch tiết kiệm, nêu lên được những chỉ tiêu tiết kiệm (về định lượng) và nêu ra những biện pháp thực hiện. Căn cứ vào tình hình đơn vị cơ sở, các ngành, quận, huyện xét duyệt chỉ tiêu tiết kiệm của cơ sở và giao chỉ tiêu được duyệt cho đơn vị thực hiện.
Các sở, ban, ban, ngành, quận huyện thành lập ban chỉ đạo theo dõi việc thực hành tiết kiệm,nắm tình hình và hàng tháng báo cáo kết quả tiết kiệm với ban chỉ đạo tiết kiệm của thành phố.
- Ở thành phố thành lập Ban chỉ đạo tiết kiệm để giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo vấn đề tiết kiệm. Thành phần Ban chỉ đạo bao gồm: lãnh đạo ngành Tài chính, Kế hoạch, Lao động, Ban khoa học kỹ thuật, Liên hiệp Công đoàn v.v…do Tài chánh làm Phó ban thường trực và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban (nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo tiết kiệmThành phố sẻ có quyết định riêng).
- Tại Ủy ban Kế hoạch thành phố, thành lập phòng định mức và sớm có chương trình hoạt động. Ủy ban Kế hoạch và Ban Tổ chức chánh quyền nghiên cứu trình Ủy ban quyết định thành lập phòng định mức.
- Từ đầu tháng 6-1982, các sở, ban ngành, quận, huyện phải đăng ký chỉ tiêu tiết kiệm về lao động, vật tư, tiền vốn cả năm 1982, để Ban chỉ đạo trình Ủy ban Nhân dân Thành phố duyệt và thông báo lại chính thức cho các ngành và quận, huyện thực hiện (xem như là chỉ tiêu pháp lệnh). Ban chỉ đạo tiết kiệm Thành phố phải có lịch làm việc về chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể của các ngành và quận, huyện. Phải đặc biệt chú ý các biện pháp cụ thể về tiết kiệm, chống thất thoát tài sản. Năm 1982, toàn Thành phố phải giảm được 50% số tài sản bị thất thoát so với năm trước.
- Ban chỉ đạo tiết kiệm Thành phố căn cứ hướng dẫn Trung ương để có hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện, ban hành quy định về khen thưởng và kỷ luật trong vấn đề tiết kiệm, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Phát triển sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, vì vậy từ năm 1982, khi xét hoàn thành kế hoạch sản xuất và công tác phải xét kết quả thực hành tiết kiệm.
Trên đây là những nội dung cụ thể cần thực hiện ngay trên lĩnh vực tiết kiệm,Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố xin thông báo để các sở, ban, ngành, quận, huyện biết để tổ chức thực hiện.
| TL. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 6728/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng - giá - thuế đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6728/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng - giá - thuế đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh