Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 132/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2001

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 132/TB-VPCP NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN MẠNH CẦM TRONG CUỘC HỌP BÀN VỀ CÔNG TÁC XUẤT KHẨU CỦA HAI NGÀNH HÀNG DỆT MAY VÀ DA GIẦY

Ngày 12 tháng 9 năm 2001 tại Văn phòng Chính phủ, sau khi nghe báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh thực hiện kế hoạch xuất khẩu năm 2001 và công tác chuẩn bị cho kế hoạch năm 2002 của hai ngành hàng dệt may và da giầy, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Trong mấy năm qua, hàng dệt may và da giầy có tăng trưởng xuất khẩu nhanh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và giải quyết tốt một phần lao động có tay nghề ở các địa phương. Tuy vậy, phương thức sản xuất - kinh doanh chủ yếu vẫn là gia công cho nước ngoài nên giá trị thực tế thu về còn thấp, chỉ đạt mức 15 - 20% kim ngạch xuất khẩu của hai ngành hàng. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là giá trị vật tư, nguyên phụ liệu đầu vào của sản xuất chủ yếu sử dụng vật tư nhập khẩu có giá thành cao, chịu sự biến động lớn của thị trường thế giới. Tình trạng này dẫn đến sản phẩm của hai ngành hàng trên thị trường xuất khẩu có sức cạnh tranh yếu; về lâu dài, có nguy cơ bị hàng hoá của các nước trong khu vực lấn át về thị trường cũng như cả về mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

2. Trên cơ sở chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty Dệt may cần chủ động làm việc với các đơn vị trong ngành để xây dựng các chương trình đầu tư cụ thể ở từng khu vực sản xuất, báo cáo Bộ Công nghiệp triển khai từng Đề án cụ thể.

Bộ Công nghiệp làm việc cụ thể với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan, khẩn trương hoàn thiện chiến lượng phát triển ngành da giầy, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2001; trong đó cần chú trọng công tác đầu tư để tạo nguồn nguyên liệu và gia công chế biến nguyên phụ liệu ngành da có chất lượng cao.

Các biện pháp hỗ trợ đã và đang áp dụng vừa qua đối với xuất khẩu nói chung và hai ngành hàng nói riêng là mang tính tình thế; về lâu dài, để tạo nên sự tăng trưởng bền vững, đạt các mục tiêu của thời kỳ 2005 - 2010, hai ngành hàng dệt may và da giầy cần tập trung nghiên cứu, triển khai đồng thời các công tác theo hướng sau:

a. Xử lý các yếu tố sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào mà then chốt là đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo nguồn vật tư, nguyên phụ liệu trong nước đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng xuất khẩu, (đặc biệt là đối với vật tư ngành dệt và công nghệ chế biến ngành da), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

b. Đẩy mạnh việc thiết kế, sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

c. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại lên một bước mới, trong đó chuyển dần từ việc thụ động ký các hợp đồng gia công, hợp đồng bán FOB… sang việc lập văn phòng đại diện, mở chi nhánh tại các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc…), để có thể trực tiếp hoặc hợp tác, liên doanh nhằm hình thành mạng phân phối, kinh doanh các hàng hoá dệt may, giày dép mang thương hiệu riêng. Riêng vấn đề này, Tổng công ty cần có Đề án trình Chính phủ hỗ trợ thí điểm thực hiện tại ở một - hai thị trường trọng điểm.

Trong quá trình xây dựng các dự án đầu tư cho thời kỳ sau năm 2003, hai ngành hàng cần lưu ý việc một số tổ chức quốc tế như WTO, EU sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về số lượng hàng dệt may, giầy dép, cũng như giảm thuế nhập khẩu, tạo nên sức cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với sản phẩm của hai ngành hàng này trên thị trường thế giới.

3. Căn cứ chiến lược phát triển ngành hàng và các định hướng lớn nêu trên, Hiệp hội hai ngành hàng dệt may và da giầy cần có cơ chế phối hợp hành động cụ thể với các Hội viên trong công tác xúc tiến thương mại một cách có hiệu quả, trong đó chú trọng tìm hiểu và nắm bắt những thay đổi về pháp luật, chính sách thương mại, chính sách thuế, các quy định hải quan, các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu vào các thị trường có tiềm năng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật, các nước EU…; theo dõi và cung cấp thông tin chung về thị trường các nước, các đối thủ cạnh tranh…. để có các đối sách cụ thể và phối hợp giữa các Hội viên nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dệt may, giày dép, bảo đảm quyền lợi chung của các nhà sản xuất và kinh doanh.

Để giúp các Hiệp hội làm tốt nhiệm vụ nêu trên, yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại chỉ thị các Đại sứ quán, tham tán thương mại phải thường xuyên theo dõi và có báo cáo hàng tháng, hàng quý về các vấn đề liên quan cho các Bộ, ngành và các Hiệp hội liên quan trong nước.

4. Về một số kiến nghị của hai ngành dệt may, da giày:

a. Để hỗ trợ sản xuất trong nước, đồng ý với kiến nghị của Bộ Công nghiệp nêu tại Công văn số 3770/CV-KHĐT ngày 11 tháng 9 năm 2001, về việc quản lý nhập khẩu mũ giày trong gia công hàng xuất khẩu. Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp phối hợp xử lý cụ thể.

b. Đồng ý về nguyên tắc việc thưởng xuất khẩu theo kim ngạch xuất khẩu đối với các sản phẩm ngành dệt may và da giày. Bộ Tài chính bàn với Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại để xử lý cụ thể.

c. Quỹ Hỗ trợ phát triển đẩy nhanh việc thẩm định các dự án về sản xuất giày dép, sợi và vải nguyên liệu thuộc đối tượng được vay tín dụng nhà nước; cần lưu ý đối với những hạng mục công trình xử lý môi trường, nước thải và hạ tầng phục vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.

d. Bộ Tài chính xem xét và có cơ chế giải quyết hợp lý về thuế đối với vật tư, nguyên phụ liệu tạm nhập để gia công hàng dệt may, giày dép dư thừa sau gia công nhưng không tái xuất được, phải huỷ bỏ một cách lãng phí; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 01 tháng 11 năm 2001.

đ. Về công tác đào tạo kỹ sư, cán bộ chuyên ngành của hai ngành dệt may và da giầy, ngoài kế hoạch đào tạo chung của ngành giáo dục - đào tạo, hai Tổng công ty ngành hàng cần bàn với các Trường Đại học để có kế hoạch đào tạo bổ sung có mục tiêu, đồng thời có gắn với việc tài trợ cũng như việc bảo đảm việc làm của hai ngành cho kỹ sư, cán bộ sau khi kết thúc khoá đào tạo; trước mắt tập trung vào đào tạo bổ sung hoặc nâng cao cho các cán bộ kỹ thuật đang làm việc tại các doanh nghiệp dệt may, giầy dép.

e. Về những kiến nghị khác của ngành dệt may và ngành da giầy đã được Bộ Thương mại tổng kết, kiến nghị tại Công văn số 2029/TMXNK ngày 15 tháng 8 năm 2001 và Văn phòng Chính phủ đã thông báo gửi các cơ quan tại Công văn số 3928/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 8 năm 2001, các Bộ, ngành nghiên cứu, xử lý trong năm 2001; những vấn đề vượt thẩm quyền, các cơ quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo các cơ quan hữu quan biết, thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.

 

Nguyễn Quốc Huy

(Đã ký)