VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VIỆC TIẾP TỤC CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH TRA
Ngày 07 tháng 04 năm 2009, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để nghe Thanh tra Chính phủ báo cáo về nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh tra (sau đây gọi là dự án Luật). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu.
Sau khi nghe Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, thay mặt Trưởng Ban soạn thảo, báo cáo và ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, cơ quan dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
1. Chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (dự kiến tháng 5 năm 2009).
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm yêu cầu chất lượng; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 01 tháng 9 năm 2009;
2. Trong việc nghiên cứu, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, cần phải quán triệt các quan điểm và tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
a) Việc sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra phải là một bước hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đồng thời không gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động của các cơ quan hành chính và doanh nghiệp;
b) Phạm vi nghiên cứu, sửa đổi Luật thanh tra là một số vấn đề lớn, cơ bản, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong tổ chức và hoạt động thanh tra. Tập trung vào làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác; phạm vi, đối tượng thanh tra của các cơ quan thanh tra thuộc hệ thống thanh tra từ trung ương đến địa phương, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; khắc phục những trùng lắp, chồng chéo về chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra, giữa các cấp thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan nhà nước khác;
c) Về nguyên tắc, chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành là thống nhất với nhau trong một tổ chức thanh tra. Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực chỉ có một tổ chức thanh tra là công cụ để phục vụ công tác quản lý, điều hành thống nhất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với ngành, lĩnh vực được phân công. Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ có thể tổ chức thành các phòng trực thuộc.
Chỉ thành lập tổ chức thanh tra ở một số tổng cục lớn, có phạm vi, đối tượng quản lý rộng, được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Mối quan hệ giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tổng cục phải bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành chung, thống nhất của Bộ trưởng đối với các ngành, lĩnh vực được phân công.
Để bảo đảm trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực quản lý xây dựng tại các đô thị đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, phải bảo đảm có lực lượng thanh tra chuyên ngành đủ mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trên lĩnh vực này;
d) Phải đổi mới tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ phải thực sự trở thành bộ máy giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở.
Cần làm rõ phạm vi, đối tượng thanh tra và chức năng, thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ; mối quan hệ giữa Thanh tra Chính phủ với thanh tra chuyên ngành.
Kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Chính phủ phải phục vụ và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |