VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 151/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2007 |
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG
Ngày 12 tháng 8 năm 2007, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp với lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ về vấn đề giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.
Sau khi nghe Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo tình hình và xu hướng giá cả thị trường 7 tháng đầu năm 2007, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
1. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã xem xét, cân nhắc kỹ các yếu tố và điều kiện, từ đó báo cáo và được Quốc hội thông qua mức tăng trưởng kinh tế năm 2007 là 8,2 đến 8,5%. Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ luôn hướng vào hai mục tiêu phấn đấu là đạt tăng trưởng cao (8,5%) và kiểm soát để mức tăng giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế. Đến nay, kinh tế 6 tháng đầu năm 2007 đạt mức tăng trưởng 7,87%, cao hơn mức tăng giá (tăng giá 7 tháng là 6,19%). Như vậy, mục tiêu chỉ đạo, điều hành bảo đảm tăng trưởng kinh tế, kiểm soát giá cho đến nay vẫn thực hiện được. Tuy nhiên, nếu điều hành linh hoạt hơn, kiểm soát giá cả chặt chẽ, hiệu quả hơn thì tỷ lệ tăng giá trong 7 tháng vừa qua sẽ thấp hơn 6,19%.
2. Kinh tế nước ta tuy tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá cao (tăng 7,87% trong 6 tháng) nhưng so với mục tiêu đặt ra vẫn còn thấp. Để đạt mức tăng trưởng 8,5% đề ra cho cả năm, nhiệm vụ trong những tháng còn lại là rất nặng nề. Những ách tắc, khó khăn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư nhà nước, nhập siêu và áp lực tăng giá… còn rất lớn. Để bảo đảm điều hành, chỉ đạo của Chính phủ năm 2007 đạt được mục tiêu tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động triển khai các giải pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, có kết quả các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường tại Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007, trong đó, tập trung cho các nhóm giải pháp sau:
Tập trung tháo gỡ các ách tắc cho sản xuất, kinh doanh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tiếp tục chỉ đạo và có những giải pháp thật tốt trong việc phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; khoanh vùng, xử lý dập dịch kịp thời những ổ dịch mới xuất hiện, không để lây lan sang địa bàn khác. Nghiên cứu và làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp để đẩy mạnh phát triển các khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi lớn, sản xuất giống sạch bệnh, thức ăn gia súc đạt tiêu chuẩn chất lượng; chỉ đạo tốt vụ Thu Đông và vụ Mùa để bảo đảm đạt sản lượng lương thực theo kế hoạch.
Bộ Công thương áp dụng các biện pháp và chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống. Tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư vào ngành điện, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung, sửa đổi, tháo gỡ ngay các quy định hiện đang gây ách tắc, chậm trễ trong việc giải ngân vốn cho các dự án, công trình, nhất là các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập nhóm công tác liên ngành để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng của các dự án, công trình xây dựng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Rà soát lại các quy định, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan liên quan đến giải phóng mặt bằng, giải ngân, thanh, quyết toán, các quy định về đấu thầu, phê duyệt dự án…
Đẩy mạnh xuất khẩu
Bộ Công thương rà soát mặt hàng và thị trường để có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng mặt hàng, nhóm hàng, nhất là những mặt hàng ta có lợi thế hoặc có cơ hội xuất khẩu. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong điều hành xuất khẩu gạo theo hợp đồng đã ký là 4,4 triệu tấn, tạm thời không ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo nữa, kiểm soát tiến độ xuất khẩu gạo cho phù hợp với yêu cầu điều hành giá cả, thị trường. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện chủ trương giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, bảo đảm tuân thủ theo lộ trình đã cam kết nhưng có tính đến các ảnh hưởng đối với sản xuất trong nước và xuất khẩu, có biện pháp kiểm soát đảm bảo hạ giá những mặt hàng đã hạ thuế nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu.
Bộ Y tế tiếp tục chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là nhập khẩu thuốc; đồng thời, áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm đủ thuốc cho chữa bệnh.
Về điều hành giá cả
Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá bán lẻ xăng, có tính đến tình huống giá thế giới tăng trong thời gian tới; tạm thời chưa tăng giá than bán cho 4 hộ tiêu thụ lớn trong nước, nghiên cứu để điều chỉnh giá bán dầu vào thời điểm thích hợp để bảo đảm nguồn cân đối ngân sách nhà nước.
Bộ Công thương chỉ đạo Tổ điều hành thị trường trong nước theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, kịp thời đề xuất với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp chính sách và cơ chế cân đối cung cầu các mặt hàng chiến lược.
Ngân hàng Nhà nước rà soát lại các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phải kiểm soát, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền Việt Nam. Thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng và hợp lý các giải pháp về sử dụng các công cụ thị trường mở, mua ngoại tệ dự trữ để điều hoà tổng phương tiện thanh toán một cách linh hoạt, hiệu quả.
Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Thủ tướng khả năng sử dụng một phần quỹ dự trữ ngoại tệ vào mục tiêu đầu tư thay thế cho việc phát hành trái phiếu quốc tế, bảo đảm hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương họp báo để thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân về chỉ đạo của Chính phủ đối với quản lý, điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế để bảo đảm năm 2007 tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Công văn số 319/TTg-KTTH về việc tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo số 63/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về việc triển khai các biện pháp ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát năm 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành