TỔNG LIÊN ĐOÀN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/BC-TLĐ | Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2005 |
BÁO CÁO THÁNG 4 NĂM 2005
1. Một số tình hình CNVCLĐ.
Trong tháng 4, việc chuyển, xếp lương mới cho CNVCLĐ trong khối DNNN và HCSN trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn tất. Nhìn chung CNVCLĐ đã bắt đầu nhận tiền lương theo thang, bảng lương mới. Tuy nhiên, tại một số đơn vị do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, người lao động vẫn chỉ được nhận tạm ứng một phần lương mới.
Các khu, cụm công nghiệp hình thành và phát triển tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động địa phương. Hàng vạn CNLĐ địa phương đã có việc làm, giảm số lượng lớn người lao động nhập cư làm việc tại các thành phố có công nghiệp phát triển như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương. Tại Quảng Nam, ước tính khoảng hơn hai vạn lao động thường đi làm việc ở xa đã vào làm ở các DN tại địa phương. Hai khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong thuộc tỉnh Quảng Ngãi cũng đã giải quyết việc làm cho gần một vạn CNLĐ.
Sau Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ và PCCN, tai nạn lao động vẫn liên tiếp xảy ra, làm bị thương và chết nhiều người, đặc biệt tại các công trình đang thi công và khai thác than. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do người sử dụng lao động chưa quan tâm, tổ chức tập huấn và trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, cần thiết cho người lao động. Về phía người lao động còn chủ quan, tính kỷ luật và ý thức trong lao động chưa cao, chưa tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về ATVSLĐ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Chỉ tính riêng trong quý I/2005, tại các đơn vị sản xuất than ở Quảng Ninh đã xảy ra 7 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 10 người. Đáng lưu ý trong số 10 người bị chết đa số là công nhân trẻ ở độ tuổi từ 25 đến 30. Trong tháng, ở Kiên Giang, xảy ra 1 vụ TNLĐ làm 2 người chết; tại Đà Nẵng xảy ra TNLĐ sập giàn giáo nghiêm trọng làm 17 công nhân bị thương, trong đó 9 người bị thương nặng; Hoà Bình riêng vụ nổ hầm lò khai thác than làm 6 người chết.
Về tình hình tranh chấp lao động và đình công: Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tháng 4 cả nước đã xảy ra 6 vụ đình công. Trong đó TP. Hồ Chí Minh 2 vụ, Hà Nội, Hải Dương, Bến Tre, Bình Dương mỗi nơi 1 vụ. Tính theo loại hình DN: 4 vụ xảy ra ở DN liên doanh nước ngoài (liên doanh với Hàn Quốc 2 vụ, với Srilanca 1 vụ; với Nhật Bản 1 vụ) và 2 vụ ở loại hình DN khác. Nguyên nhân của các cuộc đình công là do đơn giá sản phẩm, định mức lao động cao khiến thu nhập của người lao động thấp, DN nợ lương CNLĐ hoặc không tăng lương cho người lao động theo quy định. Sau khi xảy ra sự việc Công đoàn đã phối hợp với cơ quan chức năng tới giải quyết. Hầu hết người lao động đã trở lại làm việc sau khi các DN cam kết sẽ thực hiện các kiến nghị của người lao động.
2- Một số hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30/4, 1/5 và công tác tuyên truyền giáo dục của các cấp công đoàn.
Chào mừng 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2005), Ngày Quốc tế lao động 1-5, ngày sinh nhật Bác 19/5, các cấp công đoàn trong cả nước đã có nhiều hoạt động nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Tổng Liên đoàn LĐVN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ đặc biệt mang tên “Bài ca lao động” và phối hợp với Đài Phát thanh, truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình “Vượt qua thử thách” với chủ để về Ngày Quốc tế lao động 1-5. Nhân dịp này, Lãnh đạo TLĐ đã gặp gỡ, thăm hỏi nguyên cán bộ, phóng viên của tổ chức Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam và các cán bộ công vận. Tổng Liên đoàn đã tổ chức Hội nghị báo chí công đoàn. 40 đại biểu thuộc các báo, nhà xuất bản thuộc hệ thống công đoàn đã thảo luận, đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát triển hệ thống báo chí công đoàn, các nội dung cần tập trung tuyên truyền từ nay đến cuối năm 2005 và được truyền đạt nội dung cơ bản của Thông báo 162 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý báo chí trong tình hình hiện nay. Hầu hết LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn TCT trực thuộc TLĐ đều tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh, thi tìm hiểu chiến dịch giải phóng miền Nam và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước; nói chuyện chuyên đề, thời sự, thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ… tạo không khí sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của CNVCLĐ. LĐLĐ một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức hội thi “Nét đẹp tuổi 30” trong CNVCLĐ. LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử đấu tranh, phát triển của thành phố với tên gọi “Thành phố tự hào”, thu hút hơn 172.000 CNVCLĐ tham gia thi ở cấp cơ sở. Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức gặp mặt gần 200 nhà giáo tham gia kháng chiến chống Mỹ. Để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hi sinh trong công cuộc bảo vệ đất nước, Công đoàn Thương mại và Du lịch VN đã tặng 15 triệu đồng tu sửa Nghĩa trang Trường Sơn và 30 chiếc ghế đá trị giá 12 triệu đồng; tặng 2 nhà tình nghĩa và Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật và nhiễm chất độc da cam trị giá 500 triệu đồng. LĐLĐ Phú Yên tổ chức thăm và tặng quà cho 26 cán bộ Công đoàn từng tham gia kháng chiến chống Mỹ tại mặt trận Phú Yên. Nhân dịp này, Báo Lao động và Báo Người lao động cũng có nhiều bài viết ôn lại lịch sử chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Công tác giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên, CNVCLĐ, giúp người lao động biết tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. Đoàn Chủ tịch TLĐ đã ra Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 14/4/2005 về tiếp tục thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình trong CNVCLĐ. Theo đó yêu cầu các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ thực hiện KHHGĐ; kiểm điểm, đánh giá thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ; xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp; đưa kết quả thực hiện chương trình là 1 chỉ tiêu xét thi đua, khen thưởng, xét công nhận CĐCS vững mạnh; phối hợp với chính quyền đưa các chỉ tiêu này vào nội qui, qui chế, TƯLĐTT… Tại Vĩnh Phúc, công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền giáo dục giới, truyền thông, pháp luật cho trên 20.000 lượt nữ CNVCLĐ. LĐLĐ Hà Nội chuẩn bị, phát hành 3000 tờ gấp hỏi đáp về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong CNVCLĐ. LĐLĐ Hoà Bình tổ chức 8 lớp truyền thông phòng chống ma tuý và các TNXH cho 930 người. LĐLĐ Quảng Ninh phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh tổ chức tập huấn Bộ luật Lao động tại 30 CĐCS thuộc khối DN liên doanh nước ngoài.
Thực hiện Nghị quyết 01/TLĐ-UBATQGTQG ngày 3/8/2004 giữa Tổng Liên đoàn LĐVN và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về tuyên truyền, vận động CNVCLĐ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhiều CĐ ngành TW, LĐLĐ địa phương đã tổ chức phổ biến và cung cấp nhiều tài liệu, sách hướng dẫn chấp hành Luật giao thông đường bộ. Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam kết hợp với Uỷ ban ATGT quốc gia tuyên truyền Luật GTĐBVN, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông cho cán bộ, CNVCLĐ trong ngành ở khu vực miền Trung…
3- Tham gia quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động được các cấp công đoàn chú trọng, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 153 Bộ luật Lao động về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời” để trình Chính phủ ban hành. Người lao động và cán bộ công đoàn ở cơ sở rất quan tâm đến Nghị định này vì đây là điều kiện để tiến tới thành lập CĐCS tại các DN, góp phần thúc đẩy phát triển tổ chức Công đoàn. LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW tiếp tục tham gia ban đổi mới DNNN, chủ động nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc trong sắp xếp lại DNNN như giải quyết việc làm, các chế độ chính sách đối với lao động dôi dư. Các cấp công đoàn tích cực tham gia hội đồng chuyển xếp lương mới và thực hiện chế độ tiền lương mới cho cán bộ, CNVCLĐ. Công đoàn Xây dựng VN phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định phương án sắp xếp lao động của 63 DN thuộc 14 TCT trực thuộc với tổng số 26.433 LĐ, trong đó số lao động có việc làm là 22.319 với tổng số tiền hỗ trợ gần 95 tỷ đồng. Tại Vĩnh Phúc, các CĐCS đã tham gia 327 cuộc kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ. LĐLĐ Hà Nội tổ chức hội thảo tìm giải pháp hạn chế và giải quyết tranh chấp lao động và khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn pháp luật cho đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật. LĐLĐ Bến Tre phối hợp tổ chức kiểm tra 46 DN và cơ sở sản xuất về thực hiện pháp luật lao động. LĐLĐ Tây Ninh tham gia thẩm định định mức lao động, đơn giá tiền lương tại 7 đơn vị, chuyển xếp lương mới cho 33 DNNN và công ty cổ phần. LĐLĐ Ninh Thuận tham gia kiểm tra thực hiện Bộ luật Lao động tại 20 DN.
Nhà ở luôn là vấn đề bức xúc trong CNVCLĐ. Trước tình hình đó, nhiều nơi Công đoàn đã tham mưu, phối hợp với cơ quan quản lý đồng cấp áp dụng nhiều giải pháp, tìm cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để cải thiện nhà ở, góp phần ổn định tư tưởng, giúp người lao động yên tâm công tác. Công đoàn ngành Giao thông Vận tải phối hợp với chuyên môn thực hiện xoá bỏ nhà tranh, tre, dột nát cho công nhân nghèo, giải quyết đủ nước sạch cho CNLĐ tại nơi ở, nơi làm việc, đặc biệt là đối với CNLĐ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có nguy cơ nhiễm độc cao. Tính đến nay, đã có 71 hộ gia đình CNLĐ nghèo trong ngành được hỗ trợ cải tạo nhà ở với số tiền 728 triệu đồng. LĐLĐ Hoà Bình đã phối hợp với các ngành, cơ sở xoá 3 nhà tranh vách đất cho nữ CNVCLĐ với tổng số tiền 41 triệu đồng. Thực hiện chương trình “1 tỷ đồng cho CNLĐ quốc phòng nghèo”, Ban Công đoàn Quốc phòng đã hỗ trợ xây dựng trên 100 nhà tình nghĩa đồng đội cho người lao động trong ngành, phấn đấu làm thêm 100 nhà mới trong năm 2005. Tổng Liên đoàn đã tài trợ 230 triệu đồng xây dựng 10 căn nhà cấp 4 để nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các cháu bị nhiễm chất độc da cam của tỉnh Thái Bình và hỗ trợ LĐLĐ Thái Bình trên 300 triệu đồng để mở lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các cháu bị nhiễm chất độc da cam từ 18 tuổi trở lên.
Các cấp công đoàn tiếp tục chủ động phối hợp, tham gia với chính quyền, chuyên môn tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức và đại hội công nhân viên chức tại các đơn vị. LĐLĐ Bà rịa - Vũng tàu có 99,8% đơn vị HCSN tổ chức hội nghị CBCC và 86% DNNN tổ chức đại hội CNVC. Vĩnh Long, 92% DNNN tổ chức đại hội CNVC và 96% cơ quan HCSN tổ chức hội nghị CBCC. Bình Dương đến nay số đơn vị tổ chức đại hội CNVC và hội nghị CBCC đạt 95,74%. Bến Tre 98% đơn vị HCSN tổ chức Hội nghị CBCC và trên 80% DN tổ chức đại hội CNVC.
Công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tư vấn pháp luật cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm. Tổng Liên đoàn đã có văn bản gửi Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị ra kháng nghị để xem xét lại vụ án tranh chấp lao động tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ và du lịch Liên Hoa (có trụ sở tại TP Vũng Tàu) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ Đồng Nai đã tư vấn về các chế độ, chính sách cho 42 công nhân thuộc 19 công ty…
4- Công tác tổ chức, đào tạo cán bộ công đoàn và phát triển đoàn viên
Công đoàn các cấp đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Tổng Liên đoàn đã tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn làm công tác chính sách, kinh tế, xã hội. Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ tập huấn cho cán bộ CĐ về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi năm 2003. Công đoàn Dầu khí tập huấn cho 58 cán bộ CĐ về thực hiện Điều lệ CĐVN, trong đó tập trung vào việc chỉ đạo, tổ chức đại hội CĐCS. LĐLĐ Nghệ An tập huấn cho hơn 300 cán bộ của 13 CĐCS NQD. LĐLĐ Bình Phước tổ chức tập huấn công tác tài chính CĐ cho cán bộ. LĐLĐ Bến Tre tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 325 cán bộ CĐ xã, thị trấn.
Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên, Ban chỉ đạo của các LĐLĐ tỉnh, TP, Công đoàn ngành TW đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị và bám sát kế hoạch, kết quả hoạt động từng năm. Ngay từ đầu năm, nhiều nơi đã tổ chức khảo sát cơ sở, đẩy mạnh thực hiện công tác phát triển đoàn viên theo kế hoạch, chỉ tiêu được phân bổ. Trong đó, phát triển đoàn viên và CĐCS ở khối xã, phường và mầm non ngoài công lập là chủ yếu. Công tác phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS tại các DN NQD còn gặp nhiều khó khăn, chiếm tỷ lệ thấp. Tính đến ngày 22/3, công đoàn cả nước đã kết nạp mới 450.646 đoàn viên và thành lập mới 5300 CĐCS, nếu trừ đi số lượng giảm thì cả nước đã tăng thêm 391.453 đoàn viên và 4297 CĐCS. Trong tháng, LĐLĐ Cần Thơ thành lập mới 5 CĐCS với 653 đoàn viên mới. LĐLĐ Vĩnh Long thành lập 3 CĐCS, 169 đoàn viên. LĐLĐ Bà rịa - Vũng tàu khảo sát 08 DN NQD, thành lập thêm 4 CĐCS . LĐLĐ Quảng Trị thành lập mới 2 CĐCS NQD với 31 đoàn viên. LĐLĐ Đồng Nai thành lập 9 CĐCS với 167 đoàn viên. LĐLĐ Quảng Ninh thành lập mới 12 CĐCS, trong đó có 2 CĐCS ngoài quốc doanh với 93 đoàn viên. LĐLĐ An Giang thành lập mới 55 CĐCS, 1 NĐ với 781 đoàn viên, trong đó có 156 đoàn viên thuộc 7 CĐCS NQD và 1 NĐ. LĐLĐ Sóc Trăng thành lập 9 CĐCS xã và 1 NĐ với 489 đoàn viên. LĐLĐ Bến Tre thành lập mới 21 CĐCS với 682 đoàn viên. LĐLĐ Thanh Hoá thành lập mới 12 CĐCS với 211 đoàn viên, trong đó 11 CĐCS xã, phường với 198 đoàn viên.
5- Một số tình hình về Thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Thực hiện Chỉ thị số 30 - CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở đã xác định “qui chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở xã, phường, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính v.v… phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở”. Đến nay, do nhiều nguyên nhân, Chính phủ mới ban hành các Nghị định thực hiện dân chủ ở xã, phường, cơ quan HCSN và DNNN, chưa có văn bản pháp quy về thực hiện dân chủ trong các DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư của nước ngoài. Vì vậy, việc tổ chức, thực hiện dân chủ trong khu vực này không thống nhất và gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Trong DNNN đã chuyển thành công ty cổ phần, nhìn chung các đơn vị có xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ tại DN (theo tinh thần Nghị định số 07/ 1999/ NĐ- CP ngày 13/02/1999 của Chính phủ Ban hành Qui chế thực hiện dân chủ ở DNNN) từ khi còn là DNNN. Sau khi DN chuyển thành công ty cổ phần thì các đơn vị có sửa đổi một số điểm trong quy chế cho phù hợp với mô hình quản lý mới. Đồng thời xây dựng và thực hiện nhiều quy chế khác như quy chế về tiền lương, thưởng, tuyển dụng lao động, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi, quy chế về đóng góp và sử dụng quỹ xã hội, từ thiện… Tính bình quân một DN có 07 quy chế.
Nội dung trong quy chế dân chủ của công ty đã cụ thể hoá những nội dung cơ bản của Nghị định 07/CP, bao gồm những vấn đề công khai cho các cổ đông và người lao động; những vấn đề người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định và được kiểm tra giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
- Hình thức tổ chức thực hiện dân chủ trực tiếp của CNLĐ: Mặc dù chưa có quy định bắt buộc các công ty cổ phần hoá phải tổ chức Đại hội CNVCLĐ hoặc Đại hội của người lao động, nhiều đơn vị vẫn tiến hành đại hội CNVC, nhưng thường tổ chức trước đại hội cổ đông để tập hợp kiến nghị những vấn đề thuộc thầm quyền đại hội cổ đông quyết định.
Quan điểm của các DN vẫn duy trì tổ chức đại hội CNVC cho rằng, về bản chất, đại hội CNVC và đại hội cổ đông là hoàn toàn khác nhau. Đại hội cổ đông là đại hội của những nhà đâu tư; có nhà đầu tư trong công ty và có nhà đầu tư ngoài công ty; có nhà đầu tư là cá nhân, có nhà đầu tư là pháp nhân; quan hệ giữa các nhà đầu tư là đối vốn; tuỳ theo số vốn mà nhà đầu tư có trong công ty quyết định quyền lực của họ nhiều hay ít trong biểu quyết tại đại hội cổ đông. Còn đại hội CNVC là đại hội của những người lao động làm việc tại công ty cổ phần. Quan hệ giữa những người lao động trong công ty cổ phần là quan hệ đối nhân, một đại biểu dự đại hội có thể đại diện cho nhiều người nhưng trong bầu cử chỉ được bỏ 1 lá phiếu.
Nội dung của đại hội cổ đông hoàn toàn khác với Đại hội CNVC. Đại hội cổ đông bàn về những vấn đề mà chủ sở hữu quan tâm đó là thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh, quyết định mức cổ tức, quyết định mua, bán tài sản, phát hành cổ phiếu, quyết định đầu tư, thông qua báo cáo tài chính, bầu, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát… Còn Đại hội CNVC không chỉ bàn, tham gia và quyết định những vấn đề của người sở hữu như đầu tư phát triển sản xuất, phương hướng sản xuất kinh doanh mà còn bàn những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động như: thảo luận và thông quá ký TƯLĐTT, quyết định trích lập và sử dụng các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, phương án phân phối tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, nội quy doanh nghiệp, bầu và thông qua chương trình hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo quản lý DN…
Từ thực tế đó, nhiều công ty cổ phần hoá cho rằng vẫn nên duy trì đại hội CNVC với tên gọi là đại hội CNLĐ hoặc hội nghị CNLĐ vì ở công ty cổ phần, các chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng không phải là viên chức nhà nước. Các chức danh này làm việc theo chế độ hợp đồng hoặc do hội đồng quản trị bổ nhiệm. Có nơi lồng ghép đại hội công đoàn hoặc cuộc họp tổng kết công tác công đoàn với các nội dung của đại hội CNVC để bàn bạc và quyết định những nội dung liên quan đến công nhân lao động, ký TƯLĐTT, bầu Ban thanh tra nhân dân.
- Tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân: Hiện nay, chỉ có khoảng gần 50% công ty có ban thanh tra nhân dân, số còn lại, có đơn vị giao nhiệm vụ của ban thanh tra nhân dân cho ban kiểm soát, có đơn vị giao cho Uỷ ban kiểm tra CĐ kiêm nhiệm. Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của Ban TTND còn hình thức, kết quả rất hạn chế.
- Việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT chiếm tỷ lệ cao, tuân thủ theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; ở một số đơn vị có nhiều điều quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động hiện hành. Thực tế việc dự thảo TƯLĐTT do BCH công đoàn cơ sở soạn thảo và đưa xuống lấy ý kiến rộng rãi người lao động qua đại hội CNVC hoặc hội nghị CNLĐ ở tổ, đội. Sau đó BCH công đoàn cơ sở tập hợp ý kiến và thương lượng ký kết với giám đốc tại đại hội CNVC, hội nghị CNLĐ hoặc hội nghị tổng kết công tác công đoàn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị đã thành lập hội đồng hoà giải cơ sở; có hòm thư góp ý và lịch tiếp người lao động; một số đơn vị duy trì được việc bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm đối với lãnh đạo DN từ cấp trưởng các bộ phận trở lên, duy trì công khai tài chính. Các hình thức này đã góp phần đáng kể nhằm đảm bảo quyền dân chủ của người lao động trong các công ty cổ phần.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung chỉ thực hiện những nội dung mà pháp luật quy định. Nơi nào được chủ sử dụng lao động hiểu và quan tâm, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động thì việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ có thuận lợi hơn như tạo điều kiện tổ chức hội nghị CNLĐ hàng năm, ký TƯLĐTT, đối thoại giữa chủ với đại biểu người lao động và một số hình thức làm chủ khác. Nơi chủ sử dụng lao động chưa quan tâm thì họ thường không thực hiện với lý do luật không quy định và tìm mọi cách lảng tránh khi tổ chức công đoàn tiếp cận.
6- Các hoạt động khác
- Trong tháng, Đoàn Chủ tịch TLĐ làm việc với LĐLĐ Hoà Bình và LĐLĐ Nam Định. Tại các buổi làm việc với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Đoàn Chủ tịch TLĐ ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn của 2 địa phương và đặc biệt nhấn mạnh một số công tác trọng tâm của các cấp công đoàn trong thời gian tới: chủ động tham gia sắp xếp lại DNNN; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ và người sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên; tăng cường công tác tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật lao động, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giải quyết kịp thời tranh chấp lao động tại các DN nhằm bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ....
- Ngày 12/4, Tổng Liên đoàn và Liên hiệp CĐ Belarus đã hội đàm, ký biên bản ghi nhớ thống nhất thời gian tiến hành các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong đó khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các CĐ ngành TW và CĐ địa phương hai nước; phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thiết lập, phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, CĐ quốc tế và tại các diễn đàn quốc tế; trao đổi kinh nghiệm hoạt động thông qua các hình thức toạ đàm, tập huấn CĐ; thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động CĐ thông qua trao đổi báo chí, tạp chí, tin tức CĐ và các ấn phẩm khác; sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ DN hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế.
- Ngày 13/4, Tổng Liên đoàn tổ chức hội thảo Qui định về công tác văn thư, lưu trữ của tổ chức công đoàn, tập trung thảo luận các vấn đề: Qui định của TLĐ về công tác văn thư, lưu trữ của tổ chức công đoàn, việc soạn thảo, ban hành văn bản, thể thức văn bản, ký văn bản; hướng dẫn thể thức văn bản của tổ chức công đoàn.
- Tổng Liên đoàn LĐVN có cuộc hội đàm với Tổng Công hội Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi về tình hình hoạt động công đoàn 2 nước và thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện trao đổi đoàn cấp TW và mở rộng các hình thức hợp tác khác.
- Tổng Liên đoàn LĐVN, Bộ LĐTBXH, Phòng TMCNVN và Văn phòng Dự án SMARTWork phối hợp tổ chức Hội thảo thực hiện dự án “Phối hợp quản lý một cách chiến lược các giải pháp phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc”.
| TL. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN |