VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183/2006/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2006 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2007 CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Ngày 19/10/2006, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo việc hoàn chỉnh Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo kế hoạch tài chính năm 2007 của Ngân hàng; cùng dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo và xin ý kiến các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
1. Về dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các Bộ, ngành đã góp ý nhiều lần, nhưng đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề; do đó, cần được rà soát kỹ nội dung chính sách, bảo đảm những quy định trong Nghị định phải đủ rõ, khả thi.
Giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan và Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng:
a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam được phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, chứng chỉ tiền gửi theo quy định của pháp luật.
b) Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay bằng ngoại tệ chỉ thực hiện đối với một số dự án có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị mà chủ đầu tư có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ và các nhà xuất khẩu vay nhập khẩu nguyên liệu.
c) Cần quy định tỷ lệ trích dự phòng rủi ro hợp lý để Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nguồn xử lý có tính thường xuyên; phân định rõ mức độ rủi ro thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
d) Những dự án đặc thù được vay 100% vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
đ) Về lãi suất cho các dự án thuộc ngành công nghiệp hoặc đầu tư ra nước ngoài vay với mức bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cộng 0,5%/năm.
e) Đối với Danh mục dự án và mặt hàng được vay vốn tín dụng của Nhà nước, cần được rà soát, chọn lựa kỹ, theo nguyên tắc:
- Chọn một số dự án, sản phẩm thuộc các Chương trình, Chiến lược phát triển các ngành và những dự án, mặt hàng đang được vay vốn theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới có điều kiện phát triển, để bổ sung vào Danh mục dự án, mặt hàng được vay vốn.
- Tránh đối kháng với những khuyến cáo của OECD và WTO.
g) Đối với những dự án đầu tư vào vùng khó khăn, nên mở rộng đối tượng để khuyến khích, thu hút đầu tư vào vùng này.
2. Về một số đề nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với kế hoạch tài chính năm 2007:
a) Cho phép kéo dài thời gian khoanh nợ của Bộ Giao thông vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4708/VPCP-HTTH (ngày 28/8/2006) đến ngày 31/12/2006. Từ năm 2007 không thực hiện khoanh nợ đối với những dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
- Từ năm 2007 - 2009 phải bố trí vốn trả hết số nợ đã khoanh cho Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, giao kế hoạch trả nợ hàng năm của Bộ Giao thông vận tải cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành một chỉ tiêu riêng, không để phát sinh nợ kéo dài.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm thu hồi nợ kịp thời, không để tình trạng phát sinh nợ dây dưa, kéo dài như thời gian vừa qua.
- Từ năm 2007 - 2010 bố trí bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam đủ 10.000 tỷ đồng.
- Bố trí kế hoạch đủ số cấp bù chênh lệch lãi suất phát sinh hàng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; riêng số cấp bù chênh lệch lãi suất ngân sách nhà nước còn nợ từ năm 2006 trở về trước. hai Bộ trình Thủ tướng Chính phủ nguồn xử lý trước ngày 31/12/2006.
c) Việc giao kế hoạch năm 2007 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu mới.
d) Giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng biện pháp xử lý khoản nợ của dự án Nhà máy giấy và bột giấy Kon Tum để có nguồn trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |