Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 186/BC-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2006 

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH (Báo cáo số 86)

Tiếp theo báo cáo số 85 ngày 13/03/2006, Bộ Y tế xin báo cáo tình hình bệnh cúm A(H5N1) và một số biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai như sau:

I. Tình hình bệnh cúm A (H5N1) ở người:

1. Tình hình trên Thế giới:

Theo Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 13/03/2006:

Tại Indonesia: Bộ Y tếIndonesia đã ghi nhận thêm 01 trường hợp mắc mới cúm A (H5N1), bệnh nhân nữ 12 tuổi, sống ở Boyolali, Trung tâm tỉnh Java, khởi bệnh ngày 19/02/2006, nhập viện ngày 23/02/2006 và tử vong ngày 01/3/2006. Các nhà chức trách địa phương đã khẳng định có gà chết, xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A (H5N1) tại các gia đình hàng xóm của bệnh nhân.

Hiện nay dịch cúm gia cầm đang lây lan rất mạnh tại các vùng ở trung tâm và phía đông tỉnh Java.

Đến nay tại Indonesia đã có 29 trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó có 22 trường hợp tử vong.

Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 177 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 98 trường hợp tử vong tại 7 quốc gia: Thái Lan (mắc 22, chết 14), Indonesia (mắc 29, chết 20), Campuchia (mắc 4, chết 4), Trung Quốc (mắc 15, chết 10), Việt Nam (mắc 93, chết 42), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Iraq (mắc 02, chết 02).

2. Tình hình trong nước:

Trong ngày 14/03/2006, không ghi nhận trường hợp nào dương tính với cúm A(H5N1).

Tính từ ngày 14/11/2005 đến nay không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Kể từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.

II. Các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai:

1. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Thông tấn và báo chí tuyên truyền nhân dân về sử dụng gia cầm sạch, có nguồn gốc, không bị bệnh, có kiểm định của cơ quan thú y và đảm bảo vệ sinh cá nhân, tăng cường kiểm tra giám sát sử dụng gia cầm, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ khi nào.

2. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại tại các địa phương. Phối hợp với Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam tổ chức triển khai Lễ phát động Chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại phòng chống dịch cúm A(H5N1) vào ngày 14/3/2006.

3. Phân công cán bộ trực 24/24h hàng ngày, để thông tin kịp thời diễn biến tình hình dịch cúm A(H5N1) trong nước và trên thế giới.

4. Chỉ đạo các Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ 64 tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động truyền thông cho địa phương, triển khai in và cấp phát các tài liệu truyền thông. Tăng cường tuyên truyền nhân dân về tính nghiêm trọng của dịch bệnh hiện nay.

5. Chỉ đạo các cơ sở điều trị tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời và tích cực điều trị các trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) ở người.

6. Tổng hợp tình hình dịch cúm A(H5N1) và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Triển khai hoạt động thuộc các Dự án hợp tác Quốc tế hỗ trợ cho công tác phòng chống cúm A(H5N1) tại Việt Nam.

Bộ Y tế báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ để tiếp tục thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn.

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
 



Đỗ Hán