VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 191/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN "CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HÓA DƯỢC ĐẾN NĂM 2020"
Ngày 23 tháng 7 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp để đánh giá kết quả thực hiện "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Chương trình Hóa dược). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Chương trình Hóa dược đã được xây dựng rất công phu, trong thời gian qua Bộ Công Thương tuy có nỗ lực nhưng triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình còn chậm. Chương trình Hóa dược đã được phê duyệt gần 15 tháng mà thông tư liên Bộ hướng dẫn chi tiêu tài chính cụ thể cho Chương trình vẫn chưa được ban hành là chậm, ảnh hưởng đến việc giải ngân cho các nhiệm vụ. Đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh bán tổng hợp cephalosporin đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam lập dự án và trình duyệt theo quy định từ giữa năm 2006 đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, chưa thống nhất được và chưa lập được báo cáo nghiên cứu khả thi là quá chậm.
2. Để khắc phục tình trạng trên đây, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình Hóa dược một cách khẩn trương, tích cực, quyết tâm và quyết liệt hơn:
a) Về nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực hóa dược:
Tiếp tục tổ chức thực hiện các đề tài đã được tuyển chọn theo quy định hiện hành về quản lý khoa học và công nghệ. Các đề tài của Chương trình Hóa dược cần tập trung nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu thành công các công nghệ mới, dây chuyền thiết bị mới, sản phẩm mới thì phải chuyển giao và áp dụng ngày vào sản xuất để sản xuất nguyên liệu hóa dược đạt chất lượng cao, giá thành hạ phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc của ngành y tế.
b) Về xây dựng tiềm lực cho ngành hóa dược:
- Về đào tạo nguồn nhân lực: Bộ Công Thương nắm rõ nhu cầu đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư công nghệ, cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao thì phải chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hóa dược do Bộ quản lý; xác định rõ cần cán bộ ở những khâu nào, số lượng đào tạo mới, đào tạo lại, mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn cần là bao nhiêu người, tổng hợp lại rồi gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học để đào tạo. Có nhu cầu rồi thì phải chủ động tìm các nguồn vốn khả thi để đào tạo cán bộ có chất lượng cao cho ngành công nghiệp hóa dược;
- Về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị: tăng cường đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược, trong đó có các phòng thí nghiệm trọng điểm là cần thiết, nhưng phải rà soát, xem xét, tuyển chọn thật kỹ lưỡng, đúng lĩnh vực đang cần, tập trung đầu tư và phải sử dụng có hiệu quả khi hoàn thành công trình.
c) Về xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hóa dược:
- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020" (Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007, giao Bộ Công Thương chủ trì) và "Đề án phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến năm 2020" (Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2007, giao Bộ Y tế chủ trì, sau đây gọi tắt là Đề án công nghiệp Dược). Trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình Hóa dược và Đề án công nghiệp Dược, Bộ Công Thương và Bộ Y tế phải kết hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên giao ban, bàn bạc và trao đổi thông tin qua lại. Đặc biệt là trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc, phải có sự kết hợp, liên thông, liên kết thật chặt chẽ giữa 2 Bộ và 2 Chương trình, Đề án trên đây thì mới bảo đảm được sự liên hoàn, liên thông hiệu quả giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như: nghiên cứu sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc, công nghiệp bào chế thuốc và việc tiếp thị, quảng bá thương hiệu, bao tiêu và cung ứng thuốc chữa bệnh;
- Việc lập các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc trong thời gian qua còn rất chậm. Muốn phát triển công nghiệp hóa dược, công nghiệp dược, bên cạnh việc nghiên cứu khoa học công nghệ để tạo ra nguyên liệu hóa dược thì phải lập các dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện dự án nếu có vướng mắc gì, cần cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi gì thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ. Chưa có dự án đầu tư cụ thể thì chưa thể nói đến chuyện xin cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi. Nếu không lập dự án đầu tư xây dựng sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc thì sẽ vẫn giậm chân tại chỗ như mấy năm trước. Chính phủ có chủ trương rồi thì Bộ Công Thương, Bộ Y tế phải vào cuộc, chủ động lựa chọn chủ đầu tư và giao cho chủ đầu tư lập dự án cụ thể để đầu tư. Các dự án đầu tư này cần lập báo cáo khả thi ngay, không lập báo cáo tiền khả thi, phải quy định rõ thời gian nào thì hoàn thành dự án, nếu trong nước không có đủ năng lực lập dự án thì thuê nước ngoài lập;
- Trước mắt, cần khẩn trương lập báo cáo khả thi dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh bán tổng hợp cephalosporin đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ từ giữa năm 2006. Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam chi tiền ra để lập dự án, phải tự bỏ tiền ra mà làm. Trong quá trình lập dự án này phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, ngành y tế và ngành dược. Đề nghị Bộ Y tế chủ động vào cuộc, tích cực tham gia vào công việc này. Phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược với nhà bào chế thuốc và nhà cung ứng, bao tiêu sử dụng thuốc chữa bệnh.
d) Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược:
Đẩy mạnh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ hợp tác với các nước có nền công nghiệp hóa dược và công nghiệp dược phát triển. Trong việc lập và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc, nếu trong nước không có đủ năng lực thì hợp tác với nước ngoài để làm hoặc thuê nước ngoài lập, tư vấn cho các dự án này.
đ) Bộ Công Thương cần củng cố và tăng cường thêm năng lực cho Văn phòng Chương trình Hóa dược để giúp việc có hiệu quả hơn cho lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo liên ngành nhằm thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình Hóa dược.
e) Bộ Tài chính và Bộ Công Thương khẩn trương ban hành thông tư liên Bộ hướng dẫn chi tiêu tài chính cho Chương trình Hóa dược.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Công văn 6077/VPCP-KGVX năm 2013 quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 61/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 43/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp Dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành