Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 194/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1999

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN CÔNG TẠN VỀ VIỆC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG ĐỂ TRIỂN KHAI NHANH CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ Ở HÀ NỘI

Ngày 5 tháng 10 năm 1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã họp với lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an, Tổng cục Địa chính, Ban Vật giá Chính phủ để đánh giá công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong thời gian qua, việc tổ chức và thống nhất các giải pháp cơ bản, lâu dài để đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội ngay trong năm 1999 và năm 2000.

Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở thành phố Hà Nội, các khó khăn vướng mắc và thuận lợi, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã có ý kiến kết luận như sau:

Trong những năm qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng đã được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã có nhiều cố gắng, các đồng chí lãnh đạo, các ban, ngành của thành phố đã nhận thức rõ điều đó, nhiều dự án đã được tập trung chỉ đạo cụ thể, xử lý được nhiều vụ việc phức tạp, đã có kinh nghiệm vận dụng các quy định, chính sách hiện nay trong việc tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án lớn phức tạp, nhằm đẩy mạnh việc đầu tư phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, do công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở Hà Nội ngày càng phức tạp; so với tiến độ đầu tư, việc đền bù giải phóng mặt bằng ở Hà Nội trong thời gian qua còn chậm, để kéo dài, nhiều dự án xử lý việc đền bù không dứt điểm làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư, triển khai các dự án ở Hà Nội; dân còn khiếu kiện nhiều; công tác quy hoạch và quản lý xây dựng còn bất cập so với tốc độ phát triển của thành phố.

Các thiếu sót trên, trách nhiệm không chỉ thuộc về Hà Nội mà còn là trách nhiệm của các ngành Trung ương có liên quan, các chủ Dự án đầu tư.

Do đó phải thực sự cùng nhau tháo gỡ khó khăn, phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội với các ngành Trung ương có liên quan và các chủ Dự án đầu tư. Nếu Hà Nội có vướng mắc khó khăn trong việc vận dụng cơ chế chính sách đền bù thì phải trực tiếp trao đổi với các Bộ, ngành có liên quan để kịp cùng nhau tháo gỡ, đồng thời các Bộ, ngành Trung ương cũng phải thông cảm và giúp Hà Nội làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Việc đền bù giải phóng mặt bằng ở Hà Nội là phức tạp nhất, vì vậy các Bộ, ngành và các Chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm để triển khai Dự án mà mình được giao, nếu có khó khăn vướng mắc gì các chủ đầu tư phải gặp và báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo Hà Nội để được giải quyết sớm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau ở cấp dưới mà lãnh đạo thành phố không biết.

Mục tiêu chung là phải làm thật tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án đầu tư đã được ghi trong kế hoạch (bao gồm các dự án đầu tư từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn từ nước ngoài), kể cả các dự án mà các thành phần kinh tế trong nước muốn đầu tư vào Hà Nội, nhất là các dự án đầu tư trong năm 1999 và năm 2000. Theo báo cáo của nhiều ngành trong năm 1999, do lúng túng và chậm trễ trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, Hà Nội có khoảng 1/2 số vốn đầu tư đã ghi kế hoạch nhưng chưa được triển khai, tình trạng này phải được giải quyết ngay từ những tháng còn lại cuối năm 1999 và năm 2000. Trong những năm tới các nguồn đầu tư và tốc độ xây dựng ở Hà nội sẽ rất lớn, vì vậy cần có các giải pháp vừa cấp bách, vửa lâu dài, cơ bản, có tổ chức tốt, có sự chỉ đạo rất cụ thể của ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội, sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương trong việc đền bù giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng phát triển Thủ đô Hà nội, cụ thể là:

1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà nội phối hợp với các Bộ, ngành, các Chủ đầu tư, rà soát lại toàn bộ các dự án trên địa bàn Thành phố, xem dự án nào còn có khó khăn, vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng thì tập trung giải quyết dứt điểm ngay, để dự án được khởi công đúng kế hoạch, đối với các dự án còn dở dang, tiếp tục được triển khai hoàn thành sớm đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu qủa, hàng tháng thành phố cần có kiểm điểm để xử lý các vướng mắc cụ thể cho từng dự án.

2. Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách chung vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, để có trách nhiệm và quyền hạn xử lý các vấn đề cấp bách mà các Ban, ngành của thành phố và các chủ dự án đầu tư đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo.

3. Đồng ý như đề nghị của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập Ban chuyên trách đền bù giải phóng mặt bằng do một đồng chí lãnh đạo thành phố phụ trách, nhưng cần xác định trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, để Ban chuyên trách này hoạt động thực sự có hiệu qủa, làm tham mưu và giúp việc đắc lực cho ủy ban Nhân dân Thành phố trong công tác quan trọng này.

4. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các Ban, ngành: Địa chính, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giao thông công chính, Xây dựng... trong việc thẩm định xử lý các vấn đề có liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh việc đùn đẩy không ngành nào giải quyết, hoặc để qúa lâu không có ý kiến, làm cho chủ dự án lúng túng như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

5. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần sớm hình thành qũy đất và qũy nhà cho việc tái định cư theo nguyên tắc tái định cư trong thành phố giải quyết bằng nhà ở cao tầng phù hợp với yêu cầu của người sử dụng, tái định cư ở ngoại thành hoặc vùng đang phát triển đô thị thì bằng qũy đất đã được quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong năm 1999 này, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải làm xong dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng một phần nguồn vốn do Nhà nước cấp hoặc được để lại một phần trong số vượt thu ngân sách của Hà Nội và vay Qũy hỗ trợ phát triển để sớm triển khai được qũy đất và qũy nhà cho tái định cư, phục vụ trực tiếp cho việc giải phóng mặt bằng.

6. Về các cơ chế chính sách.

- Hiện nay một số chính sách có liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa được quy định cụ thể, quy định còn chung chung làm cho địa phương khó vận dụng hoặc đá quy định như phù hợp với thực tế cuộc sống, cần được rà soát lại, sửa đổi kịp thời nhất là các Nghị định 22/CP về đền bù giải phóng mặt bằng, Nghị định 87/CP về khung giá đất, Nghị định 52/CP về quản lý đầu tư và xây dựng v.v...

Trong Nghị định 22/CP, Cục Công sản - Bộ Tài chính cần tổng kết đầy đủ ý kiến của các địa phương, hoàn chỉnh dự thảo bổ sung, sửa đổi và nhất thiết phải tổ chức lấy ý kiến một số địa phương, các ngành có liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 1999, đồng thời chuẩn bị ngay dự thảo Pháp lệnh về đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư để Chính phủ xem xét trình ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2000.

7. Một số đề nghị cụ thể của đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội như: cho phép đền bù giải phóng mặt bằng cải tạo, xây dựng các trục đường mới được tổ chức giải phóng sâu vào 2 bên đường để vừa làm đường, vừa chỉnh trang xây dựng cao, đẹp phố hai bên đường; việc phân cấp cho Hà Nội phê duyệt một số gói thầu của các dự án ODA; trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương đến việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội; vấn đề liên quan đến các cơ chế xây dựng đô thị, chính sách về khu phố mới, chính sách về nhà ở v.v... đề nghị các Bộ, ngành Trung ương trong quyền hạn, trách nhiệm của mình xem xét xử lý ngay cho Hà Nội, nếu vượt thẩm quyền các Bộ, ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành có liên quan biết, thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng,
- HĐND và UBND thành phố Hà Nội,
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an,
- Thanh tra Nhà nước,
- Tổng cục Địa chính,
- Ban Vật giá Chính phủ,
- VPCP: BTCN, các PCN; Nguyễn Công Sự, Nguyễn Tôn, các Vụ: CN, Vụ II, TTBC, KTQĐ, ĐP1, KTTH, TH,
- Lưu: NN (3), VT.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Công Sự