Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ 
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 232/TB-VPCP  

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH ĐIỆN CHO PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM

Ngày 17 tháng 7 năm 2009, Thường trực Chính phủ họp bàn về Đề án tái cơ cấu ngành điện cho thị trường điện Việt Nam. Tham gia cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Phái viên của Thủ tướng Chính phủ Thái Phụng Nê. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến của các thành viên tham dự, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện cho phát triển thị trường điện Việt Nam phù hợp với quy định của Luật Điện lực và Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện tại Việt Nam, để từng bước thị trường hóa ngành điện. Đề án cũng đã tính đến các yếu tố thực tiễn mới như đầu tư phát triển nguồn điện không chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà có nhiều nhà đầu tư khác, nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia; đã đưa ra các phương án khác nhau về tái cơ cấu ngành điện.

2. Việc tái cơ cấu ngành điện phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Cung cấp đủ điện, an toàn, có chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững.

- Từng bước thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành điện, giá bán điện phải tạo điều kiện để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện, trong đó các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam cần chiếm tỷ trọng lớn, chi phối trong tổng công suất nguồn điện.

- Việc hình thành và phát triển thị trường điện phải tiến hành từng bước, chặt chẽ và vững chắc.

3. Về các dự án nguồn điện: Bộ Công Thương rà soát việc thực hiện các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VI. Đối với các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng triển khai thì giao cho chủ đầu tư khác thực hiện; các dự án chưa có chủ đầu tư thì khẩn trương tìm chủ đầu tư để thực hiện bảo đảm tiến độ đã được quy định tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025. Ưu tiên lựa chọn các chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam.

Bộ Công thương cần tăng cường giám sát, đôn đốc và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện các dự án điện.

4. Về giá điện, Bộ Công thương:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường bảo đảm các đối tượng tham gia đầu tư, kinh doanh điện phải đủ bù đắp được chi phí đầu tư và có lãi hợp lý, chỉ thực hiện bù giá cho các hộ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo và một số đối tượng đặc biệt khác.

- Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về đàm phán giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua của các chủ đầu tư bên ngoài, thành phần gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đàm phán về giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên cơ sở suất đầu tư cho từng loại công nghệ sản xuất điện (thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí,…), bảo đảm lợi nhuận hợp lý, minh bạch tài chính, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, các nhà đầu tư và khách hàng sử dụng điện.

- Ban hành quy định về nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt hợp đồng mua bán điện của các nguồn điện.

5. Về điều độ hệ thống điện: Bộ Công thương ban hành Quy chế điều độ hệ thống điện quốc gia, trong đó có quy định phương pháp lập, trình tự thủ tục thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, bảo đảm minh bạch, có chế tài xử lý đối với các đơn vị không tuân thủ khi tham gia thị trường điện.

6. Về tiết kiệm sử dụng điện: Bộ Công thương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình tiết kiệm điện quốc gia ngay từ khâu đầu tư.

7. Về cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án tổ chức lại các đơn vị phát điện thành các công ty phát điện độc lập. Trong đó, cần chú ý đến quy mô, loại hình công nghệ, vấn đề tài chính, khả năng phát triển lâu dài, lộ trình thực hiện với bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quý I năm 2010.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2009 Đề án thành lập các tổng công ty điện lực (phân phối điện): miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trên cơ sở tổ chức lại các Công ty Điện lực 1, 2, 3, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các công ty điện lực tỉnh - công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang trực thuộc Tập đoàn.

- Tiếp tục khẩn trương thực hiện việc tiếp nhận lưới điện nông thôn, hoàn thành trong năm 2010.

8. Đồng ý việc chuyển Viện Năng lượng về trực thuộc Bộ Công thương.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Thành viên BCĐ Nhà nước QH điện VI;
- Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Các Tập đoàn: Điện lực VN, Dầu khí VN, Công nghiệp Than - Khoáng sản VN;
- Các TCT: Sông Đà, Lắp máy VN;
- Đ/c Thái Phụng Nê, Phái viên TTCP;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH, TKBT, KTN;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn