Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 236/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW NGÀY 21/01/2009 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Ngày 02/06/2009 tại Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì hội nghị quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tổng Cục Môi trường, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Cảnh sát Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban cán sự, Văn phòng Đảng ủy Cơ quan Bộ, Công đoàn GTVT Việt Nam, Công đoàn Cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên CS HCM Cơ quan Bộ, Hội Môi trường GTVT Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh; lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Viện, Trường, Tập đoàn, Tổng Công ty, Bệnh viện, cơ quan báo chí ngành GTVT.

Sau khi nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trong ngành GTVT giai đoạn 2005 – 2009; các bài trình bày về nội dung Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, các vấn đề môi trường trọng tâm và hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các tham luận về công tác bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đầu tư xây dựng công trình giao thông và công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường; Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã kết luận như sau:

A. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW TRONG NGÀNH GTVT GIAI ĐOẠN 2005-2009

Cùng với sự phát triển của đất nước, của ngành trong đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, Bộ GTVT đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung triển khai công tác bảo vệ môi trường. Các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban quản lý dự án đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chủ động khâu đánh giá tác động môi trường. Việc bảo vệ môi trường đã được lồng ghép trong các khâu lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT bước đầu đạt hiệu quả và có tác dụng rõ rệt.

B. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GTVT TRONG THỜI GIAN TỚI

Để phát huy kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai, quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, thời gian tới toàn ngành cần nỗ lực, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng tâm đã đề ra trong Chỉ thị số 14/2008/CT-BGTVT ngày 22/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành GTVT, cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ chung

1.1. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải và người tham gia giao thông.

1.2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định về bảo vệ môi trường giao thông vận tải để tạo hành lang pháp lý, kỹ thuật cho các hoạt động bảo vệ môi trường từ cơ quan quản lý đến từng đơn vị trong ngành. Lồng ghép vấn đề môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT.

1.3. Xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải ứng phó với biến đổi khí hậu và kịch bản nước biển dâng trình Bộ trưởng ban hành trong quý IV năm 2009; triển khai các đề án, dự án thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực GTVT giai đoạn 2010 – 2015.

1.4. Nâng cao chất lượng giám sát, quản lý và cưỡng chế thi hành pháp luật bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải nhằm giảm thiểu, phòng ngừa tác động tiêu cực đến môi trường. Đưa nội dung kiểm điểm, đánh giá công tác bảo vệ môi trường vào báo cáo của cơ quan, đơn vị định kỳ 6 tháng, hàng năm.

1.5. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường trong ngành GTVT.

1.6. Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực về bảo vệ môi trường. Xúc tiến hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực GTVT.

2. Một số nhiệm vụ cụ thể đối với các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban Quản lý dự án, các doanh nghiệp ngành GTVT

2.1. Tổng Cục Đường bộ Việt Nam:

- Tiếp tục chỉ đạo và có giải pháp xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường trong khai thác Hầm đường bộ Hải Vân.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thực hiện các giải pháp thân thiện môi trường trong giảm thiểu bụi, tiếng ồn, xử lý sụt trượt, phòng chống ngập lụt công trình đường bộ.

2.2. Cục Đăng kiểm Việt Nam:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, tham vấn ý kiến xã hội và hoàn thiện “Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn” trình Bộ xem xét để trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2009.

- Xây dựng “Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 3, 4, 5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” trình Bộ xem xét để trình Chính phủ trong năm 2010.

- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xây dựng cơ sở dữ liệu về ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông vận tải.

2.3. Cục Hàng hải Việt Nam:

- Đầu tư thí điểm trạm tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu tại khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh và mở rộng áp dụng cho các cảng biển khác trong phạm vi cả nước.

- Tổ chức đánh giá, xây dựng và ứng dụng thí điểm các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng tới hệ thống cảng biển Việt Nam.

2.4. Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam tổ chức thí điểm việc quản lý môi trường tại cảng đường thủy nội địa Hà Nội để làm cơ sở đánh giá, nhân rộng.

2.5. Cục Y tế Giao thông vận tải chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng và các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; các bệnh viện chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, lò đốt chất thải y tế theo quy định.

2.6. Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chủ động đề xuất các hạng mục bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí phù hợp ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư để trình duyệt làm cơ sở triển khai; thực hiện tốt các quy định về đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông vận tải; tăng cường công tác thực hiện các cam kết, các biện pháp bảo vệ môi trường và chương trình quản lý, giám sát môi trường trong từng giai đoạn đầu tư dự án, đặc biệt là những dự án nằm trong khu vực nhạy cảm về môi trường.

2.7. Các Tập đoàn, Tổng Công ty và doanh nghiệp ngành GTVT:

- Tổ chức bộ phận chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp. Thiết lập và triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Xây dựng, thực hiện các định mức tiêu thụ nhiên liệu, các quy chế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp theo quy định.

- Định kỳ quan trắc, đo đạc, đánh giá theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam các thông số môi trường về nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung.

2.8. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển HUYNDAI-VINASHIN xử lý triệt để chất thải hạt mài NIX đã qua sử dụng và đưa Công ty ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

2.9. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng lộ trình và tổ chức lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các đoàn tàu khách.

2.10. Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam xây dựng giải pháp bảo vệ môi trường tại các xưởng độc hại như: sơn, hàn, composit.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TW (để b/c);
- Văn phòng BCS;
- Văn phòng ĐU CQ Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, MT (03).

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công