ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 239/TB-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 1982 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC CHUẨN BỊ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ KHOA HỌC KỸ THUẬT XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 09-11-1982, đồng chí Trần Văn Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì cuộc họp để xét duyệt đề cương tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật xây dựng trên địa bàn thành phố, do Ban Khoa học kỹ thuật dự thảo và trình bày.
Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan thành phố và Trung ương trên địa bàn thành phố có liên quan đến khoa học kỹ thuật ngành xây dựng :
- Ban Khoa học kỹ thuật thành phố, Ban xây dựng cơ bản thành phố, Ban Tổ chức chánh quyền.
- Sở Xây dựng, Sở Nhà đất và Công trình công cộng, Sở Giao thông vận tải, Sở Thủy lợi.
-Viện Xây dựng cơ bản phía Nam, Viện kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải, Vụ kỹ thuật Bộ TL.
- Trường Đại học kiến trúc.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.
Sau khi nghe các đại biểu trao đổi ý kiến, đồng chí Trần Văn Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định cho tiến hành chuẩn bị tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật xây dựng của thành phố với nội dung sau:
I. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA HỘI NGHỊ :
- Tổng kết được những kinh nghiệm tốt cũng như những tồn tại thiếu sót trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật xây dựng bao gồm thiết kế, thi công sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng và chế tạo đức sẵn (tiền chế), xây dựng qui hoạch và quản lý đô thị, khai thác sử dụng bảo vệ công trình xây dựng.
- Đề xuất phương hướng, biện pháp khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao ; khắc phục được những khó khăn trước mắt về khan hiếm vật liệu xây dựng, về hiệu quả đầu tư trong xây dựng cơ bản, về cơ chế quản lý khai thác và bảo quản công trình xây dựng, quản lý đô thị.
- Xây dựng được một chương trình hành động cụ thể thiết thực và một chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật thống nhất trong lĩnh vực xây dựng cho sắp tới.
- Tạo điều kiện tập hợp và đoàn kết rộng rãi lực lượng khoa học kỹ thuật xây dựng và công nhân lành nghề từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau kể cả huy động được trang thiết bị xây dựng để đưa vào hoạt động có hiệu quả cao, vừa phục vụ cho thành phố, vừa phục vụ cho cả vùng nhất là nông thôn, kể cả cho xuất khẩu.
II. PHẦN NỘI DUNG CỦA HỘI NGHỊ :
A. BÁO CÁO CHUNG :
Bao gồm mấy nội dung chủ yếu :
- Đặc điểm của thành phố có liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
- Kiểm điểm tình hình xây dựng cơ bản đã qua trên địa bàn thành phố, trọng điểm là về mặt khoa học kỹ thuật, đánh giá cả ưu lẫn khuyết điểm một cách sâu sắc. Phải mạnh dạn tự phê bỉnh để có biện pháp khắc phục đi lên một cách khoa học và triệt để.
- Xác định nhiệm vụ xây dựng cơ bản sắp đến và các biện pháp khoa học kỹ thuật, các chương trình đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ xây dựng cơ bản đề ra.
Phân công cho Ban Khoa học kỹ thuật, Ban Xây dựng cơ bản, Sở Xây dựng và Ủy ban Kế hoạch thành phố chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo chung, trên cơ sở mỗi thành viên đảm nhận báo cáo từng phần phù hợp chức năng quản lý của mình và Ban Khoa học kỹ thuật tổng hợp lại cuối cùng để trình duyệt. Đề cương báo cáo và dự thảo báo cáo đều phải được thông qua Ban Trù bị hội nghị và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
B. BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ :
1. Báo cáo tổng kết có tính chất kinh tế - kỹ thuật kể cả những thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản do các ngành chức năng quản lý sau đây xây dựng :
- Ban Xây dựng cơ bản thành phố
- Sở Xây dựng
- Sở Nhà đất và công trình công cộng
- Sở Giao thông vận tải
- Sở Thủy lợi.
Các báo cáo này phải được thông qua Ban cán sự và Ban Giám đốc Sở trước khi nạp cho Ban Trù bị hội nghị duyệt lại.
2. Báo cáo chuyên đề có mục tiêu trọng điểm, phân công cho một đơn vị chủ trù tổng hợp và nhiều đơn vị. Trường, Viện khác đóng góp những thành tựu của mình. Các chuyên đề này cần báo cáo chính xác về mặt nội dung khoa học kỹ thuật và cuối cùng xây dựng được phương án kinh tế - kỹ thuật cụ thể để làm căn cứ cho chủ trương đầu tư và triển khai. Cần được thông qua Hội đồng KHKT và Ban Giám đốc Sở.
Trước tiên, cần xây dựng đề cương báo cáo thông qua Tiểu ban nội dung để đảm bảo đúng yêu cầu :
a/ Chuyên đề do Sở Xây dựng chủ trì :
- Vật liệu xây dựng
- Kinh nghiệm thiết kế thi công nền móng và xử lý nền móng yếu trên địa bàn thành phố
- Vấn đê xây dựng kỹ thuật ở nông thôn
- Vấn đề công nghiệp hóa xây lắp kết hợp với điển hình hóa, tiêu chuẩn hóa trong xây dựng trên địa bàn thành phố.
b/ Chuyên đề do Sở Nhà đất và công trình công cộng chủ trì :
- Biện pháp phòng chống dột và thấm nước hiệu quả
- Vấn đề cấp thoát nước trong thành phố
- Vấn đề quản lý khai thác sử dụng và duy tu sửa chữa các công trình công cộng thành phố.
c/ Chuyên đề do Ban Xây dựng cơ bản và Viện qui hoạch và KHKT xây dựng thành phố chủ trì :
- Những kinh nghiệm trong quản lý xây dựng cơ bản để đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao
- Những vấn đề quản lý đô thị hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh và phương hướng phấn đấu
- Vấn đề cải tạo kết hợp với xây dựng qui hoạch mới của thành phố
- Tình hình ô nhiễm và biện pháp bảo vệ môi sinh trong thành phố.
3/ Báo cáo chuyên đề và tham luận khác :
- Báo cáo chuyên đề về các công trình KHKT các thành tựu có giá trị trong lĩnh vực KHKT xây dựng của các Trường, các Viện, các nhà KHKT tuỳ theo đăng ký.
- Các tham luận ở hội trường có xin đăng ký và chọn lọc.
Các báo cáo này cần được thông qua Hội đồng KHKT và Ban Giám đốc cơ quan chủ quản.
Đề cương báo cáo và tham luận cần được đăng ký với tiểu ban nội dung trước khi tiến hành chuẩn bị.
C/ TRIỂN LÃM :
Các thành tựu KHKT và tiết kiệm trong xây dựng, tranh ảnh, hiện vật, mô hình, bản biểu, thống kê, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật,
Có 2 phần : - Phần triển lãm gọn nhẹ tại hội trường.
- Phần triển lãm hiện vật tại một địa điểm riêng, có tác dụng triển lãm lâu dài.
III. TỔ CHỨC VÀ THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ
1. Chủ trì hội nghị
Hội nghị cấp thành phố do Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì
2. Ban trù bị hội nghị :
- Trưởng ban : Đ/c Trần Văn Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
- Phó Trưởng ban :
Đ/c Võ Thới Trung, Trưởng ban KHKT thành phố.
Đ/c Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc Sở Xây dựng
Đ/c Lưu Thanh Nhã, Phó Ban XDCB thành phố
Đ/c Trần Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Nhà đất và CTCC.
Đ/c Lâm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT
Đ/c Trần Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Thủy lợi.
Đ/c Phạm Minh Triều, Phó Văn phòng UBND thành phố
- Ủy viên 1 đồng lãnh đạo của :
Ủy ban Kế hoạch thành phố
Ban Phân vùng kinh tế
Hội kiến trúc sư thành phố
Viện Qui hoạch và KHKT xây dựng thành phố
Viện XDCB phía Nam
Viện Thiết kế và qui hoạch tổng hợp Bộ Xây dựng
Viện Kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải.
Vụ kỹ thuật Bộ thủy lợi
Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ C hí Minh
Trường đại học Kiến trúc
Sở Văn hóa thông tin
Ban Nông nghiệp Thành ủy.
- Các tiểu ban chuyên trách.
Tiểu ban nội dung do đ/c Võ Thới Trung phụ trách cùng với các Phó Trưởng ban,
- Tiểu ban triển lãm : do đ/c Nguyễn Văn Nhi và Trần Văn Dưỡng phụ trách.
- Tiểu ban tổ chức hành chánh : do đ/c Trần Văn Dưỡng phụ trách.
3. Thành viên hội nghị :
Bao gồm đại diện :
- Các ngành Trung ương và thành phố có liên quan.
- Các Trường và các Viện trong lĩnh vực KHKT xây dựng.
- Các nhà KHKT và chuyên gia trong lĩnh vực KHKT xây dựng.
- Các tỉnh phía Nam có liên quan.
- Báo Sài Gòn Giải phóng.
- Báo Khoa học phổ thông.
- Đài phát thanh và truyền hình.
- Hội trí thức yêu nước.
IV- KINH PHÍ
Do Thường trực duyệt cấp trong ngân sách KHKT thành phố, bao gồm :
- Bồi dưỡng cho các nhà KHKT nghiên cứu xây dựng các báo cáo và chuyên đề KHKT.
- Chi phí in ấn và tặng phẩm.
- Chi phí triển lãm.
- Chi phí trong hội nghị (ăn, ở, đi lại, trang trí, tặng phẩm).
Các Tiểu ban cần làm dự trù kinh phí để giao cho Tiểu ban tổ chức và Ban KHKT tổnghợp chung và trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
V- THỜI GIAN
Họp chính thức trong 2 ngày liên tục :
- Thủ tục đi đến chủ trương chính thức của TP : tháng 11.
- Chuẩn bị nội dung và triển lãm : tháng 12 và qúy I/1983.
- Hội nghị chính thức : đầu tháng 4/1983
- Địa điểm : Nhà hát lớn thành phố.
Ban Trù bị và các Tiểu ban, các ngành cần khẩn trương triển khai ngay công việc được phân công để phấn đấu đạt cả yêu cầu về chất lượng và thời gian.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 6700/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6700/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh