Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2604/LĐTBXH-TTr

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2004

 

THÔNG BÁO

TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2004

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo đến các ngành, các địa phương tình hình tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2004 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong 6 tháng cuối năm 2004 như sau:

A- TÌNH HÌNH CHUNG

I. SỐ VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG (TNLĐ).

Theo số liệu thống kê, báo cáo của 56/64 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm 2004 đã xảy ra 2.490 vụ tai nạn lao động làm 2.569 người bị tai nạn, trong đó 224 vụ TNLĐ chết người làm 238 người bị chết. Số người bị thương nặng 663 người.

II. TÌNH HÌNH TNLĐ Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG.

Các địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm là:

- Hà Nội: 182 vụ làm 183 người bị nạn, trong đó có 28 vụ chết người (chiếm 12,5% tổng số vụ chết người), làm 29 người chết;

- Thành phố Hồ Chí Minh: 305 vụ làm 319 người bị nạn, trong đó có 26 vụ chết người (chiếm 11,6% tổng số vụ chết người), làm 28 người chết;

- Quảng Ninh: 122 vụ làm 124 người bị nạn, trong đó có 8 vụ chết người (chiếm 3,57% tổng số vụ chết người), làm 11 người chết; đặc biệt có 1 vụ làm chết 4 người;

- Thái Nguyên: 55 vụ làm 58 người bị nạn, trong đó có 4 vụ chết người (chiếm 1,78% tổng số vụ chết người), làm 10 người chết; đặc biệt có 3 vụ có từ 2 người bị nạn trở lên;

- Thanh Hoá: 39 vụ làm 43 người bị nạn, trong đó có 9 vụ chết người (chiếm 4,0% tổng số vụ chết người), làm 9 người chết; đặc biệt có từ 4 vụ có từ 2 người bị nạn trở lên;

- Đồng Nai: 796 vụ làm 809 người bị nạn, trong đó có 6 vụ chết người (chiếm 2,67% tổng số vụ chết người), làm 6 người chết; đặc biệt có 6 vụ có từ 2 người bị nạn trở lên;

- Bình Định: 54 vụ làm 56 người bị nạn, trong đó có 6 vụ chết người (chiếm 2,67% tổng số vụ chết người), làm 6 người chết;

- Hải Phòng: 249 vụ làm 249 người bị nạn, trong đó có 4 vụ chết người (chiếm 1,78% tổng số vụ chết người), làm 4 người chết;

- Khánh Hoà: 118 vụ làm 118 người bị nạn, trong đó có 4 vụ chết người (chiếm 1,78% tổng số vụ chết người), làm 4 người chết;

B. PHÂN TÍCH CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG

I. NHỮNG LĨNH VỰC XẢY RA NHIỀU TAI NẠN LAO ĐỘNG

1. Lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện

Xảy ra 47 vụ TNLĐ (31 vụ có người chết) làm 53 người bị nạn, trong đó có 32 người chết và 11 người bị thương nặng, trong các vụ TNLĐ chết người có:

- 3 vụ làm 3 người chết do điện cao thế;

- Số vụ còn lại do sử dụng các thiết bị điện khác.

2. Xây dựng

Xảy ra 94 vụ TNLĐ (22 vụ có người chết) làm 100 người bị nạn, (22 người chết, 56 người bị thương nặng), trong đó:

- Do ngã cao: 85 vụ TNLĐ (20 vụ có người chết) làm 88 người bị tai nạn, có 20 người chết và 48 người bị thương nặng;

- Do đổ công trình đang xây, phá dỡ công trình cũ: 9 vụ TNLĐ (2 vụ có người chết) làm 12 bị nạn, có 2 người chết và 8 người bị thương nặng.

3. Do thiết bị, máy, cán, cuốn, kẹp

- Xảy ra 937 vụ TNLĐ làm 955 người bị nạn, trong đó có 22 vụ có người chết, làm 22 người chết và 196 người bị thương nặng;

4. Sập lò, khai thác khoáng sản và khai thác đá

- Xảy ra 42 vụ TNLĐ sập lò trong khai thác than và sập đất đá trong thăm dò khai thác khoáng sản làm 36 người bị nạn trong đó có 9 vụ chết người làm 12 người chết và 24 người bị thương nặng;

- Trong sử dụng vật liệu nổ: có 6 vụ TNLĐ làm 10 người bị nạn, trong đó có 3 vụ có người chết làm 4 người chết và 4 người bị thương nặng;

5. Sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ

- Trong sử dụng thiết bị áp lực: xảy ra 8 vụ TNLĐ làm 14 người bị nạn, trong đó có 03 vụ có người chết làm 5 người chết và 5 người bị thương nặng;

- Trong sử dụng thiết bị nâng: xảy ra 19 vụ TNLĐ làm 22 người bị nạn, trong đó có 7 vụ có người chết làm 8 người chết và 7 người bị thương nặng.

6. Các lĩnh vực khác:

- Xảy ra 241 vụ tai nạn do phương tiện vận tải gây ra được công nhận là TNLĐ làm 248 người bị nạn, trong đó có 47 vụ có người chết làm 48 người chết và 135 người bị thương nặng;

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Qua phân tích tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2004 cho thấy:

1- So với 6 tháng đầu năm 2003 số vụ TNLĐ có giảm. Số vụ TNLĐ chết người giảm 5,9% và số người chết giảm 9,1% (6 tháng đầu năm 2003 xảy ra 238 vụ TNLĐ chết người làm 262 người chết).

2- Những địa phương có tai nạn lao động chết người vẫn ở mức cao so với 6 tháng đầu năm 2003: Hà Nội (tăng 75% về số vụ), Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Chú ý một số địa phương có số vụ tai nạn lao đông chết người tăng cao so với cùng kỳ là Trà Vinh, Quảng Nam, Thanh Hoá.

3- Những địa phương có tai nạn lao động chết người giảm so với 6 tháng đầu năm 2003: Hải Phòng, Phú Thọ.

4- Những lĩnh vực hàng năm vẫn xảy ra nhiều tai nạn lao động là:

- Lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện chiếm 14,2% về số vụ chết người;

- Xây dựng chiếm 10% về số vụ chết người.

- Do thiết bị, máy cán, cuốn, kẹp vẫn để xảy ra nhiều tai nạn, trong đó  chiếm 10% về số vụ chết người.

- Sập lò, do khai thác đá và khoáng sản tăng 55% về số vụ (có 9 vụ gây chết người làm 12 người chết và 24 người bị thương nặng);

- Sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ vẫn ở mức cao về số vụ và số người bị nạn;

- Tai nạn do phương tiện vận tải gây ra được công nhận là TNLĐ tăng 36,2% về số vụ.

III. NGUYÊN NHÂN XẢY RA CÁC VỤ TNLĐ CHẾT NGƯỜI (KHÔNG TÍNH ĐẾN CÁC VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỢC COI LÀ TNLĐ):

1- Người sử dụng lao động và người lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn, không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 44% về số vụ);

Trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh còn nhiều thiếu sót đặc biệt là thiếu giải pháp an toàn lao động từ khâu thiết kế, lập phương án thi công, đến công tác kiểm tra, giám sát thi công không chặt chẽ, nhất là trong khai thác đá, khoáng sản, xây lắp và sử dụng điện, xây dựng.

2- Điều kiện làm việc không tốt; Thiết bị không đảm bảo an toàn (chiếm 6,7%);

3- Người lao động được huấn luyện, hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn; thiếu thiết bị bảo hộ lao động (chiếm 6,1%);

Công tác huấn luyện về an toàn lao đông cho người lao động chưa thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, một số nơi làm mang tính hình thức, thủ tục. Một số doanh nghiệp thiếu cán bộ chuyên trách về an toàn lao động. Một số cán bộ chuyên trách BHLĐ trình độ, năng lực hạn chế nên không thể yêu cầu người lao động thực hiện đúng quy trình, quy phạm ATLĐ, VSLĐ hoặc xử lý những hành vi vi phạm an toàn lao động.

4- Không có hoặc không sử dụng trang bị BHLĐ chiếm 2,5%;

5- Nguyên nhân khác hoặc chưa xác định nguyên nhân chiếm 43% (do chưa hoàn thành công tác điều tra)

IV. THIỆT HẠI VỀ VẬT CHẤT

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2004 (chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương, thiệt hại tài sản...) là 10.142.614.000 đ; trong đó thiệt hại về tài sản là 1.011.430.000 đ.

Đặc biệt, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ lên đến 39.768 ngày.

V. MỘT SỐ VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG CHẾT NGƯỜI NGHIÊM TRỌNG TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2004

1. Vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty Than Vàng Danh: Hồi 11h30’ ngày 09/01/2004 do sập lò thượng số 1 mức + 282 ¸+ 301 làm chết 04 công nhân (Phạm Văn Quang - Thợ lò bậc 6/6, Phạm Hồng Vân - Thợ lò bậc 5/6, Hoàng Ngọc Hoàn - Thợ lò bậc 4/6 và Nguyễn Hồng Khiêm - Thợ lò bậc 4/6). Nguyên nhân chính là do nhóm công nhân vi phạm các biện pháp an toàn và thiết kế đào chống thượng. Công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức sản xuất của cán bộ chỉ huy sản xuất của phân xưởng KT4 chưa chặt chẽ thiếu kiên quyết đã gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Vụ đổ cầu trên tầu chở hàng tại cảng Bến Nghé - TP. Hồ Chí Minh ngày 9/1/2004 làm một công nhân chết. Nguyên nhân chính do cơ quan đăng kiểm không phát hiện được hư hỏng của thiết bị (má Puly đầu cần bị ăn mòn cục bộ, không đảm bảo an toàn).

3. Vụ tai nạn nổ nồi hấp xảy ra ngày 31/5/2004 tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại Lê Phú - KCN Lê Minh Xuân - Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh làm chết 01 công nhân và 03 công nhân khác bị thương. Nguyên nhân do thiết bị chế tạo không đảm bảo an toàn, không được kiểm định và không đăng ký sử dụng.

4. Vụ tai nạn nổ bình chứa NH3 của máy làm lạnh ngày 10/1/2004 tại Cơ sở sản xuất nước đá - tp. Đà Nẵng làm 01 công nhân chết. Nguyên nhân do thiết bị không đảm bảo an toàn, chưa được kiểm định và đăng ký sử dụng.

5. Vụ tai nạn do bị cuốn, kẹp vào cối nghiền bột giấy ngày 27/3/2004 tại Công ty TNHH An Bình - tỉnh Bình Dương làm chết 01 công nhân. Nguyên nhân chính do nơi làm việc không đảm bảo an toàn, công nhân chưa được huấn luyện về an toàn và BHLĐ.

6. Vụ tai nạn do bị cuốn, kẹp tại máy trộn bột sản xuất que hàn điện ngày 17/3/2004 tại Công ty cổ phần que hàn điện Hà Việt - Đông Anh - Thành phố. Hà Nội làm chết 01 công nhân. Nguyên nhân do điều kiện làm việc kém an toàn, quy trình vận hành không đầy đủ.

7. Vụ đổ cầu xảy ra ngày 13/5/2004 tại công trình Thuỷ điện Tuyên Quang làm chết 01 người và 01 người bị thương nặng.

8. Vụ sập lò xảy ra ngày 13/03/2004 tại giếng khai thác than - Lạc Thuỷ - tỉnh Hoà Bình làm 01 công nhân chết. Nguyên nhân chính do vi phạm quy trình an toàn.

VI. TÌNH HÌNH ĐIỀU TRA VÀ THỐNG KÊ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG

1. Điều tra

Nhìn chung hầu hết các vụ TNLĐ đã được điều tra đúng quy định tại Thông tư số 03/1998/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 26/3/1998.

So với 6 tháng đầu năm 2003, một số địa phương việc điều tra TNLĐ đã khẩn trương và kịp thời hơn như: Quảng Ninh, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

2. Báo cáo tai nạn lao động

Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt việc báo cáo tình hình TNLĐ theo mẫu quy định tại Thông tư số 23/LĐTBXH-TT ngày 18/11/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên một số địa phương vẫn chưa thống kê được tình hình TNLĐ nói chung mà chỉ thống kê được TNLĐ chết người và chưa thống kê, báo cáo đầy đủ số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Một số các chỉ tiêu chưa cập nhật và tổng hợp đầy đủ.

Còn 08 tỉnh chưa báo cáo như sau: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Giang, Đắc Lắc, Hà Nam, Hà Tĩnh, Long An, Yên Bái.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo TNLĐ theo quy định, trong 6 tháng đầu năm 2004 chỉ có 3320 đơn vị, DN tham gia báo cáo.

C- MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong 6 tháng đầu năm 2004, để chủ động phòng ngừa TNLĐ trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện tốt các nội dung chính sau đây:

1- Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATLĐ, VSLĐ và các chế độ BHLĐ. Tăng cường huấn luyện về an toàn lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động theo quy định tại Thông tư 08/TT-LĐTBXH ngày 11/4/1995 và Thông tư 23/TT-LĐTBXH ngày 19/9/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt chú ý đối với những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với những đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động và những người lao động hành nghề tự do.

2- Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động ở tất cả các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế. Cần lưu ý các lĩnh vực: xây dựng, lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện; khai thác khoáng sản và khai thác đá; sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động. Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện việc điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động định kỳ, đúng hạn theo quy định tại các Thông tư số 03/1998/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 26/3/1998 và số 23/LĐTBXH-TT ngày 18/11/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cần thực hiện đúng các quy định về báo cáo nhanh tai nạn lao động nghiêm trọng.

3- Quản lý chặt chẽ về an toàn lao động đối với các máy, thiết bị vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thông tư số 23/2003/TT-LĐTBXH ngày 3/11/1993.

4- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, chính xác các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người (kể cả những vụ tai nạn vi phạm các quy định về an toàn lao động ở khu vực ngoài quốc doanh).

5- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra để yêu cầu các cơ quan xét xử khẩn trương xét xử các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và có hình thức xử phạt nghiêm để nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ sở và phòng ngừa tai nạn lao động./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Liêu