BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 308/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT, CHỦ TỊCH UBATGTQG HỒ NGHĨA DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC GIẢI TOẢ HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT
Ngày 26/6/2008, tại Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì họp về công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 1 và giai đoạn 2 theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tham dự cuộc họp có đồng chí Lê Mạnh Hùng - Thứ trưởng; lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Vận tải, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Văn phòng Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 1 và ý kiến của các thành viên dự họp, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng kết luận như sau:
1. Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện ở các địa phương có các tuyến quốc lộ và đường sắt đi qua. Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Kế hoạch chi tiết và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 1, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Pháp luật về trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú và hiệu quả. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có công trình xây dựng và sinh sống hai bên đường bộ, đường sắt đã có chuyển biến, việc phát sinh thêm các công trình mới vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt bước đầu đã được ngăn chặn. Các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi 5m - 7m trên 4 đoạn tuyến Quốc lộ 1 thực hiện giải toả thí điểm đã được thống kê, lập biên bản vi phạm, nhiều tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm đã tự giác tháo dỡ. Các cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương đã có kế hoạch phối hợp và chuẩn bị lực lượng thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình vi phạm đã thực hiện thành công trên một số đoạn tuyến. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn chưa đồng đều, một số nơi thực hiện chưa tốt.
2. Để bảo đảm tiến độ giai đoạn 1 và chuẩn bị triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, các đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
2.1. Cục Đường bộ Việt Nam:
- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự hành lang an toàn đường bộ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Đôn đốc các địa phương, các tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên 4 tuyến Quốc lộ 1 trong giai đoạn 1, hoàn thành trong tháng 7/2008. Việc thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm của tổ chức cá nhân không tự giác tháo dỡ, di dời cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật; diện tích hành lang an toàn đường bộ sau khi giải tỏa phải bàn giao cụ thể cho chính quyền địa phương và tổ chức liên quan quản lý, không để tái lấn chiếm;
- Chuẩn bị nội dung tổng kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên 4 đoạn tuyến Quốc lộ 1 thí điểm của giai đoạn 1;
- Chỉ đạo và phối hợp với các địa phương thống kê rà soát các trường hợp tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù để xử lý trong phạm vi 5m - 7m và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn dọc các quốc lộ và dự trù kinh phí thực hiện giai đoạn 2 để sớm có báo cáo Bộ.
2.2. Cục Đường sắt Việt Nam
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự hành lang an toàn đường sắt và kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường sắt phối hợp với chính quyền địa phương thống kê thực trạng tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt; tăng cường công tác, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường sắt;
- Chuẩn bị nội dung chuyên đề về thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, tổ chức hội nghị ở một số địa phương trọng điểm trong 6 tháng cuối năm 2008.
2.3. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Tập trung chỉ đạo và thực hiện việc rà soát, thống kê vi phạm hành lang an toàn đường sắt, phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án đền bù, giải tỏa để chuẩn bị cho bước giải toả năm 2009 và cải tạo, nâng cấp, bổ sung mới các đường ngang, thống nhất với Ban ATGT các tỉnh, thành phố các vị trí giao cắt nguy hiểm thường xảy ra tại nạn ưu tiên xử lý trước, hoàn thành kế hoạch giai đoạn 1 của Kế hoạch trước ngày 31/12/2008.
2.4. Thanh tra Bộ
- Phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ khẩn trương có Quyết định bổ nhiệm cho số cán bộ đã được công nhận kết quả xét chuyển loại, chuyển ngạch công chức năm 2007 tại Quyết định số 1809/QĐ-BGTVT ngày 23/6/2008 và tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng tại Thông báo số 162/TB-BGTVT ngày 28/4/2008;
- Có văn bản chỉ đạo về trách nhiệm của Thanh tra giao thông các cấp, thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
2.5. Vụ Vận tải
- Dự thảo văn bản của Bộ đôn đốc các địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;
- Tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan về thẻ ủy nhiệm kiểm tra báo cáo Bộ.
2.6. Vụ Tài chính
- Đôn đốc Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam lập dự toán giai đoạn 1 để tổng hợp làm việc với Bộ Tài chính phân bổ số kinh phí còn lại cho các đơn vị trong tháng 7/2008;
- Hướng dẫn tính hợp pháp, hợp lý trong việc sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế đối với công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
3. Về các kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
- Vụ Tài chính phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam tham mưu Bộ giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp kinh tế bổ sung (lần 2) cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện sửa chữa thường xuyên (khẩn cấp đảm bảo an toàn) 260 đường ngang trong tháng 7/2008.
- Giao Cục Đường sắt Việt Nam tham mưu bằng văn bản để Bộ ủy quyền trực tiếp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (trong tháng 7/2008) phê duyệt các thủ tục sửa chữa lớn các hạng mục công trình sau:
+ Nâng cấp chuyển đổi 2 đường ngang đầu cầu Phú Lương thành hầm chui dân sinh;
+ Chuyển đổi 10 đường dân sinh giao cắt đặc biệt nguy hiểm thành 10 đường ngang chính thức;
+ Thống kê, rà soát các vị trí vi phạm hành lang an toàn đường sắt (khảo sát đo vẽ, xác định mốc giới hành lang an toàn đường sắt, lập dự toán đền bù vi phạm hành lang an toàn đường sắt) tại các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh)
- Vụ Kế hoạch Đầu tư tham mưu cho Bộ quyết định chuẩn bị đầu tư các hạng mục công trình đường sắt thực hiện trong giai đoạn 2.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo tới các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ GTGT để triển khai thực hiện.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 8797/BGTVT-KCHT xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị do Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 2 Thông báo số 162/TB-BGTVT về kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại cuộc họp về công tác thanh tra giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 1856/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành