Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 2 năm 2004

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 31/TB-VPCP NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 2004 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ KHOAN TẠI CUỘC HỌP UỶ BAN QUỐC GIA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ NGÀY 2 THÁNG 2 NĂM 2004

Ngày 2 tháng 2 năm 2004, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đã chủ trì phiên họp tổng kết công tác Uỷ ban năm 2003 và bàn phương hướng năm 2004.

Sau khi nghe Báo cáo do Tổng Thư ký Uỷ ban trình bày, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan thành viên Uỷ ban, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã kết luận như sau:

1. Trong năm 2003, việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế đã thu được nhiều thành quả đáng khích lệ trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp vào sự khởi sắc chung của cả nền kinh tế. Đặc biệt, đã đạt được những kết quả khá rõ nét trong các lĩnh vực như: tuyên truyền và phổ biến về chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, đàm phán gia nhập WTO, đàm phán trong khuôn khổ thoả thuận thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với các cam kết quốc tế, kiện toàn một bước Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế.

2. Tuy nhiên, đến nay hội nhập kinh tế quốc tế còn thiếu tính chủ động, chưa có một chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế với những định hướng cụ thể về thời gian, lộ trình, thị trường và đối tác thương mại. Do đó, hành động trong quá trình hội nhập còn thiếu đồng bộ, chưa kết hợp được các bước đi trong các lĩnh vực hội nhập. Yếu kém còn thể hiện trong sự thiếu phối hợp giữa nộidung đàm phán quốc tế với thực tế sản xuất, kinh doanh trong nước; giữa các mặt trận đàm phán kinh tế - thương mại quốc tế; giữa các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đàm phán.

3. Năm 2004 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Việc triển khai tốt các chương trình, đề án về hội nhập sẽ có tác động tích cực vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%. Vì vậy, trong năm nay Uỷ ban và các Bộ, ngành thành viên cần tập trung làm tốt những việc sau:

- Giúp Chính phủ cụ thể hoá nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, bám sát nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế để hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ đã được giao cho từng bộ, từng cơ quan. Giao Văn phòng Uỷ ban rà soát lại và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban về tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, đôn đốc các cơ quan khẩn trương hoàn thành các đề án theo đúng thời hạn quy định.

- Xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế ở các cấp độ: toàn cầu, khu vực và song phương. Chiến lược này phải thể hiện được các bước đi, lộ trình và mức cam kết quốc tế. Các nội dung cơ bản của chiến lược cần được hoàn thành trong quý I năm 2004.

- Góp phần tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2004.

- Triển khai nghiên cứu, xử lý các tranh chấp thương mại, đấu tranh nhằm loại bỏ các rào cản thương mại phi lý mà các nước phát triển áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

4. Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đã được kiện toàn một bước về mặt quy chế, nhưng chất lượng và hiệu quả phối hợp các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Uỷ ban còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ của Uỷ ban. Thời gian tới cần có nghiên cứu, đề xuất tổ chức lại Uỷ ban như thế nào để phát huy được vai trò điều phối.

5. Giao Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ sớm đề xuất phương án tổ chức công việc và tập trung Đoàn đàm phán trong cả năm 2004 (nêu rõ tập trung ai, làm việc gì, tập trung ở đâu, chế độ chính sách kèm theo như thế nào ...). Yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo các đồng chí đã được cử tham gia Đoàn đàm phán dành tối đa thời gian để nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị các nội dung liên quan đến đàm phán gia nhập WTO.

6. Văn phòng Uỷ ban đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo, giúp Chủ tịch Uỷ ban chuẩn bị chương trình và nội dung cho các cuộc họp nhằm duy trì thường xuyên các phiên họp định kỳ. Giao Văn phòng Uỷ ban nắm lại số lượng và tình hình thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật do nước ngoài trợ giúp trong lĩnh vực hội nhập từ trước đến nay để báo cáo Chủ tịch Uỷ ban.

Đồng ý bổ sung kinh phí năm 2004 cho Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế để chi cho việc thuê trụ sở ngoài địa điểm cơ quan Bộ Thương mại và mua sắm phương tiện làm việc cần thiết cho Văn phòng Uỷ ban. Giao Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết cụ thể.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan biết và thực hiện.

 

Nguyễn Quốc Huy

(Đã ký)