VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 311/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2008 – 2015 TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Ngày 27 tháng 9 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 đã chủ trì họp phiên đầu tiên của Ban Chỉ đạo. Tham dự phiên họp có các Phó Trưởng ban và các ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 theo Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và các ủy viên Tổ thư ký.
Sau khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo báo cáo về tình hình triển khai công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội trong hơn 1 năm rưỡi qua, dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, nội dung cơ bản của dự thảo Đề án Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo có ý kiến kết luận như sau:
1. Về yêu cầu chung
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội là một yêu cầu khách quan, đặc biệt quan trọng, cần thiết để phát triển nguồn nhân lực; đòi hỏi cần có sự đổi mới cả về nhận thức và phương thức triển khai thực hiện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của nhiều năm qua, mà ở cấp quốc gia chưa có cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực và các cơ sở đào tạo cũng không thực sự coi trọng việc dự báo nhu cầu đào tạo; việc đào tạo chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.
Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập có chức năng, nhiệm vụ quan trọng, giúp Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan, các cơ sở đào tạo tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao đáp ứng theo nhu cầu xã hội; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết nhằm đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả các chương trình đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các Bộ, ngành và các địa phương; tăng nhanh tỷ lệ người lao động qua đào tạo theo mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 50% lao động qua đào tạo vào năm 2010, đạt 70%, vào năm 2015 và đạt khoảng 90% vào năm 2020; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo nhân lực; góp phần làm thay đổi về nhận thức và cách làm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề không ngừng phát triển.
Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, lộ trình, các chương trình lớn, chương trình ưu tiên triển khai thực hiện đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội cho tất cả các ngành, các lĩnh vực; trước hết là việc chỉ đạo, giúp hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình của mình, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đầy mạnh công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của hai Thành phố và các vùng, ngành trọng điểm.
Về nguyên tắc, hoạt động của Ban Chỉ đạo không làm thay công việc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội. Yêu cầu mỗi Bộ phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, trong đó có sự tham gia trực tiếp của các Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và đại diện của cơ quan sử dụng người lao động để xây dựng các chương trình phát triển nhân lực cho ngành mình.
Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đề xuất những cam kết giúp đỡ của Nhà nước về cung cấp nhân lực đối với những dự án có quy mô đầu tư lớn và sử dụng công nghệ cao.
Cần bổ sung thêm thành viên của Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo của Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, cơ quan để xác định cụ thể các ủy viên bổ sung vào Ban Chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong một năm tới, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp định kỳ hai tháng một lần để nghe báo cáo về tiến độ xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương.
Các kỳ họp tới của Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ tổ chức vào tháng 11 năm 2008 và tháng 01 năm 2009 để thông qua quy định trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, xem xét một số chương trình đào tạo nhân lực của các Bộ; tình hình triển khai các hợp đồng đã ký và chỉ đạo hoạt động của Trang tin điện tử của Ban chỉ đạo.
Giao thường trực Ban Chỉ đạo dự thảo phân công trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo để báo cáo và thông qua tại phiên họp Ban Chỉ đạo vào tháng 11 năm 2008.
Các Bộ, ngành cần chuẩn bị để báo cáo Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội của Bộ, ngành mình trong phiên họp Ban Chỉ đạo vào tháng 11 năm 2008.
2. Về việc triển khai công tác trong năm 2009
a) Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện các cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giới thiệu một số mẫu hợp đồng, các thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, trong đó cần chú ý các nội dung đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ thực hiện các hợp đồng và thỏa thuận. Phương thức hợp đồng đào tạo nhân lực trọn gói cần được nhân rộng áp dụng đối với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi sát sao việc triển khai các hợp đồng đào tạo đã được ký kết vừa qua giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, nghiên cứu, xử lý những khó khăn vướng mắc của các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng; thực hiện các biện pháp cần thiết với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ việc đào tạo theo hợp đồng; giúp làm cho doanh nghiệp quen dần với việc đặt hàng đào tạo nhân lực đối với các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thành lập các Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, hoàn thành trong quý IV năm 2008.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ ngành khác lập danh sách các cơ sở đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý có mong muốn phấn đấu thành cơ sở đào tạo theo trình độ quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án phát triển các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2009.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thành lập Hội đồng hiệu trưởng của các trường đại học, các trưởng khoa các ngành đào tạo liên quan, hoàn thành vào tháng 11 năm 2008 để thống nhất xây dựng các chuẩn đào tạo, chương trình, giáo trình và lộ trình thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình đào tạo 20.000 giáo viên dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành Nông nghiệp, Y tế, Xây dựng; qua đó hỗ trợ các Bộ này xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho ngành mình.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Trang tin điện tử của Ban Chỉ đạo và đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm 2008 để kịp thời thông báo và cung cấp thông tin về các chủ trương, kế hoạch hoạt động, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo.
b) Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng khu vực thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào tháng 12 năm 2008. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng quy hoạch này. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ nghe Bộ Xây dựng báo cáo về dự thảo quy hoạch này vào tháng 11 năm 2008.
c) Giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai thí điểm việc chuyển một số Trung tâm giới thiệu việc làm kết hợp với các trung tâm, trường dạy nghề thành các Trung tâm dạy nghề và cung ứng nhân lực ở các địa phương, có gắn với nhiệm vụ tiếp nhận nhu cầu nhân lực từ doanh nghiệp, tổ chức đào tạo và kết nối với các cơ sở đào tạo khác để cung cấp nhân lực có tay nghề cho doanh nghiệp.
d) Các Bộ, ngành khác cần khẩn trương xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn, gắn chặt với nhu cầu của ngành mình. Mỗi Bộ cần có bộ phận thường trực để tập trung chăm lo cho công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành mình.
Trong năm 2009, các Bộ, ngành phải hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội trong giai đoạn đến năm 2015 của Bộ, ngành, trình Chính phủ để tạo điều kiện cho việc cân đối nhu cầu tài chính đầu tư cho việc triển khai thực hiện.
Năm 2009, tập trung triển khai có kết quả 6 chương trình đào tạo nhân lực cho 6 ngành về Công nghệ thông tin, Du lịch, Tài chính – Ngân hàng, Đóng tàu và chương trình đào tạo nhân lực cho ngành Y tế và Nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho nông dân.
Từ nay đến cuối năm 2008, cần xác định kế hoạch cụ thể để khởi động và triển khai ngay các chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu của 4 ngành Công nghệ thông tin, Tài chính – Ngân hàng, Đóng tàu, Du lịch trong giai đoạn 2008 đến năm 2012 hoặc năm 2015.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương cần phối hợp với các Bộ, ngành cung cấp thông tin về đầu tư, xu hướng đầu tư và cơ cấu đầu tư theo ngành, lãnh thổ để chủ động phối hợp đào tạo, cung ứng nhân lực cũng như giúp các Bộ, ngành làm tốt công tác quản lý nhà nước.
e) Đối với hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội: cuối tháng 11 năm 2008 cần thông báo các chương trình phát triển nguồn nhân lực của mình cho các Bộ, ngành biết để lồng ghép vào các chương trình phát triển nhân lực các ngành ở cấp quốc gia và phối hợp triển khai tại địa phương; hai Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để khẩn trương hình thành Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động; hình thành thí điểm các Trung tâm cung ứng nhân lực của hai Thành phố; xây dựng và trình Ban Chỉ đạo đề án đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo của địa phương và của trung ương trên địa bàn, đề xuất cơ chế phối hợp, quản lý phát triển nhân lực giữa trung ương và địa phương. Yêu cầu các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ cho hai Thành phố hình thành chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Phấn đấu đến năm 2012, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có đủ cơ sở để khẳng định cam kết sẵn sàng đáp ứng được nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.
g) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải triển khai có kết quả chương trình Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
h) Năm học 2009 – 2010 sẽ là năm học có chủ đề “Chất lượng giáo dục và đào tạo theo nhu cầu xã hội”, mỗi cơ sở đào tạo phải triển khai đồng bộ các giải pháp về chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, giáo trình và tài liệu học tập, phương pháp dạy học và đào tạo theo hợp đồng. Mỗi cơ sở đào tạo phải hình thành hoặc ấn định một cơ quan chuyên trách về đào tạo theo nhu cầu xã hội, rà soát chương trình đào tạo có ý kiến của người sử dụng lao động tham gia đánh giá chương trình và công bố cho xã hội biết về số chương trình đã được đánh giá. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự đánh giá chất lượng hoặc đánh giá ngoài vào năm 2010. Cuối năm 2009, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |