Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 37/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH GIA LAI

Ngày 17 tháng 01 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Cùng thăm và làm việc với Thủ tướng có đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội: Trong năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới và trong nước, song Tỉnh vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển; thu hút vốn đầu tư có chuyển biến, thu ngân sách vượt kế hoạch; hạ tầng cơ sở, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phát triển nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều tiến bộ.

Tuy vậy, kinh tế của Gia Lai trong năm 2008 và nửa nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; đời sống của đồng bào dân tộc thiếu số còn thấp so với mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; việc huy động các nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Một số vùng nông thôn vẫn tiềm ẩn những mặt phức tạp cần chú trọng và có biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.

II. MỘT SỐ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI:

Về cơ bản đồng ý với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Tỉnh đã đề ra, cần nhấn mạnh thêm một số nội dung sau đây:

1. Tập trung rà soát quy hoạch, tính toán lại quy hoạch để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế ( đất đai, tài nguyên rừng…), đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của địa phương, chú trọng dịch vụ chế biến sau thu hoạch.

2. Có những giải pháp cụ thể để điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2009; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, giải quyết việc làm cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, chính sách về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, hộ nghèo và người dân các vùng khó khăn, thiên tai. Tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

3. Chỉ đạo quyết liệt việc bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn chặt phá rừng. Cần làm tốt công tác quy hoạch để chuyển đổi rừng, đất rừng và đất nông nghiệp trồng cây khác kém hiệu quả sang trồng cao su góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách thu hút các hộ dân có đất tham gia liên kết vào các dự án trồng mới cao su, cho vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật để hộ dân phát triển cao su tiểu điền.

4. Tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền và thực hiện các chính sách về tôn giáo, dân tộc; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng gần dân, sát dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của người dân để thật sự là nòng cốt, là chỗ dựa của nhân dân.

5. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong tình hình mới; giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong vùng đồng bào dân tộc, không để xẩy ra các điểm nóng; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của nhà nước; xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc vi phạm.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chứng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn, chủ động các phương án kịp thời ngăn chặn không để xẩy ra biểu tình bạo loạn, gây rối; chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống, bảo đảm sự ổn định an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vùng biên giời.

III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về một số dự án giao thông, thủy lợi: Nâng cấp quốc lộ 25 và quốc lộ 14C qua địa phận tỉnh Gia Lai; tỉnh lộ 663 qua địa phận huyện Chư Prông, tỉnh lộ 667 qua địa phận thị xã An khê, huyện Kông Chro, huyện Đăk Pơ và các công trình thủy lợi tại 2 huyện Krông Pa và Chư Prông. Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Tỉnh nghiên cứu lập dự án và trình duyệt theo quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình phương án vốn để thực hiện sau khi các dự án trên được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Chính phủ đã có chủ trương về nâng cấp sân bay Pleiku: Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không và Tổng Công ty Hàng không đầu tư hệ thống đèn trong năm 2009 để tăng thêm chuyến bay; bổ sung quy hoạch, nâng cấp sân bay Pleiku để mở đường bay thẳng ra Hà Nội trong giai đoạn trước năm 2010 cho các loại máy bay tầm trung, tạo điều kiện để các tỉnh Bắc Tây Nguyên phát triển.

3. Về phát triển giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số: Đồng ý nâng cấp quy mô trường dân tộc nội trú cấp huyện lên 300 học sinh và đầu tư thành lập thêm một trường nội trú ở các huyện phía Đông. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Tỉnh triển khai thực hiện.

4. Giao Bộ Nội vụ giúp Tỉnh hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở. Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí cho Tỉnh thực hiện đề án này.

5. Về quy chế hoạt động của cửa khẩu Lệ Thanh: Trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành. Chính phủ sẽ ban hành quy chế chung cho các cửa khẩu.

6. Về kiến nghị các giải pháp kích cầu: Chính phủ đã có chính sách, Tỉnh làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có hướng dẫn.

7. Về việc đưa 4 huyện của Gia Lai vào danh sách 61 huyện nghèo: Số huyện có trên 50% hộ nghèo thì thực hiện các chính sách như đối với 61 huyện nghèo; các trường hợp khác, Tỉnh làm việc với các Bộ, ngành liên quan để được xử lý chung, có thể áp dụng từng chính sách cụ thể.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai;
- Tập đoàn Cao su Việt Nam;
- VPCP: BTCN và các PCN, Cổng TTĐT,
- Các Vụ: TKBT, TH, KTTH, KTN, KGVX, NC;
- Lưu: VT, ĐP 5, L (40).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc